Thẩm phán và Hội thẩm xét xử chỉ tuân theo pháp luật

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 45 - 48)

5. Kết cấu của luận văn

2.2. Thẩm phán và Hội thẩm xét xử chỉ tuân theo pháp luật

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và quyết định về việc giải quyết vụ án, vụ việc. Trong lĩnh vực hình sự, Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền quyết định bị cáo có tội hay không có tội. Vì thế, quyết định của Tòa án phải là quyết định khách quan, chính xác và chỉ căn cứ dựa trên các quy định của pháp luật.

“Chỉ tuân theo pháp luật” - đây là một cụm từ chỉ phạm vi được hạn định cho Hội đồng xét xử, nghĩa là việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm chỉ dựa trên những quy định của pháp luật và pháp luật được coi là căn cứ duy nhất để quyết định các vấn đề giải quyết vụ án.30“Pháp luật” ở đây được hiểu là toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Điều 2 và Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.31Ngoài pháp luật ra, Thẩm phán và Hội thẩm không được tuân theo một điều gì khác hoặc một ai khác. Họ không phải chịu bất kỳ một sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tuân theo pháp luật là quyền của Thẩm phán và Hội thẩm. Pháp luật trao cho họ quyền và họ phải được sử dụng đầy đủ, thực hiện tốt quyền đó. Không ai, không tổ chức nào bằng cách này hay cách khác được xâm phạm đến quyền của họ. Ở đây, pháp luật giữ vị trí tối thượng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải tôn trọng quyền độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm.

30 Bùi Thị Bích Ngọc (2021), “Quyền tư pháp và nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử”, Trang

điện tửTrường chính trị tỉnh Yên Bái, http://truongchinhtriyenbai.gov.vn/tin-tuc/tin-noi-bat/?UserKey=QUYEN- TU-PHAP-VA-NGUYEN-TAC-DOC-LAP-CHI-TUAN-THEO-PHAP-LUAT-KHI-XET-XU, truy cập ngày 10/11/2021.

31 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm: Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

“Chỉ tuân theo pháp luật” ở đây xác định vừa là quyền cũng vừa là nghĩa vụ của Thẩm phán và Hội thẩm. Là quyền vì nó bảo đảm cho sự độc lập xét xử của Hội đồng xét xử nhưng nó cũng là nghĩa vụ đặt ra yêu cầu và buộc Thẩm phán, Hội thẩm phải luôn trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như bản lĩnh nghề nghiệp, tránh những tác động tiêu cực xấu từ bên ngoài ảnh hưởng đến phán quyết của mình cũng như do kiến thức pháp luật còn hạn chế mà gây ra những hậu quả khó lường.32

Tuân theo pháp luật tức là phải tuân theo cả luật nội dung và luật hình thức. Tức là, khi giải quyết một vụ án hình sự, nhất thiết phải áp dụng Bộ luật Hình sự và đồng thời dựa vào những quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự để đưa ra các quyết định, bản án chính xác, đúng căn cứ pháp luật, chứ không thể áp dụng các văn bản pháp luật khác không liên quan. Khi giải quyết một vụ án hình sự, muốn áp dụng đúng các quy định của Bộ luật Hình sự, Thẩm phán và Hội thẩm bắt buộc phải có kiến thức về định tội, quyết định hình phạt. Kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến trước ngày mở phiên tòa thì ở giai đoạn này thành viên trong Hội đồng xét xửđều phải xem xét lại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, từ đó xây dựng kế hoạch xét hỏi và những tình huống xảy ra tại phiên tòa để có kế hoạch thích hợp giải quyết từng công việc cụ thể cho phiên tòa. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cần phải nắm chắc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự từ thủ tục bắt đầu tại phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, trong đó quan trọng nhất chính là phần xét hỏi, tranh luận và nghị án. Bên cạnh đó, khi giải quyết vụ án hình sự, ngoài pháp luật hình sự và Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử cần phải tìm hiểu kỹ càng các văn bản pháp luật khác có liên quan, bao quát các lĩnh vực từ hành chính, dân sự đến kinh tế… để xác định đúng tội danh nhằm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vì mỗi cấu thành cơ bản của tội phạm thể hiện một đặc điểm (yếu tố) riêng của tội phạm. Căn cứ vào đặc điểm riêng đó mà Hội đồng xét xử có thể xác định được tội danh của từng hành vi phạm tội, tránh được sự nhầm lẫn giữa tội phạm này và tội phạm khác.33

32 Bùi Thị Bích Ngọc, tlđd (30).

33 Dương Phúc Trường, “Bàn về xác định tội danh trong vụ án hình sự”, Trang điện tử VKSND tình Đắk Nông, http://vksdaknong.gov.vn/Vien-Kiem-Sat-Nhan-Dan-Tinh-Dak-Nong/78/1122/3228/68534/PHONG-9/BAN-VE- XAC-DINH-TOI-DANH-TRONG-VU-AN-HINH-

SU.html#:~:text=T%E1%BB%99i%20danh%3A%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20danh,%C4%91%C6% B0%E1%BB%A3c%20quy%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20trong%20BLHS, truy cập ngày 30/10/2021.

Theo tác giả Bùi Thị Bích Ngọc, “hoạt động định tội danh là một hoạt động phức tạp đòi hỏi những người cầm cân nảy mực phải có kiến thức tổng hợp về pháp luật chứ không chỉ đơn thuần là hiểu biết các quy định của pháp luật hình sự. Muốn định tội danh đều phải nắm rõ các quy định của văn bản chuyên ngành. Nếu không am hiểu, nhất thiết cần phải trưng cầu ý kiến từ những chuyên gia về các lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, Thẩm phán và Hội thẩm cũng cần phải nắm chắc các văn bản hướng dẫn của

TANDTC, các thông tư liên ngành để giải quyết chính xác từng trường hợp cụ thể”.34

Ngoài ra,khi giải quyết vụ án hình sự thì bên cạnh việc giải quyết vấn đề tội danh, mức hình phạt, xử lý vật chứng thì Hội đồng xét xử còn cần phải giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự. Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một nguyên tắc cơ bản củaBLTTHS, chi phối toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án có vấn đề dân sự nảy sinh do việc thực hiện tội phạm. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này thì đòi hỏi Hội đồng xét xử cần phải nắm rõ các quy định của

pháp luật dân sự về căn cứ bồi thường, mức bồi thường, nguyên tắc bồi thường.

Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập nhưng phải tuân theo pháp luật. Thẩm phán, Hội thẩm chỉ độc lập khi họ tuân theo pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật thì họ mới độc lập. Như vậy sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm không có nghĩa là độc lập tuyệt đối mà giới hạn của sự độc lập đó chính là pháp luật. Sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm không thể vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật, bất chấp pháp luật, phải loại trừ hành vi vượt quyền,lạm quyền, vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Với tư cách là thành viên của Hội đồng xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm trước hết phải tự nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của mình trong việc xét xử, từ đó tự bổ sung vốn kiến thức pháp luật và kiến thức về đời sống mỗi ngày, giúp cho khả năng tư duy và nhìn nhận vấn đề được chính xác, khách quan, vững vàng, không dễ dàng bị tác động từ ý thức bên ngoài. Khi được giao xét xử một vụ án, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu kỹ vụ án, phải độc lập trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ, đưa ra quan điểm và biểu quyết về các vấn đề của vụ án. Mọi hành vi, quyết định của họ chỉ dựa trên quy định của pháp luật, kiến thức chuyên môn, dựa trên niềm tin nội tâm khi xem xét các chứng cứ xác thực và toàn diện, không bị lệ thuộc vào

thành viên khác trong Hội đồng xét xử. Hành vi, quyết định của họ cũng không chịu sự chỉ đạo, can thiệp hay, gây sức ép của lãnh đạo Tòa án. Lãnh đạo của Tòa án và Tòa án cấp trên có nhiệm vụ hướng dẫn Thẩm phán và Hội thẩm áp dụng thống nhất pháp luật, đường lối xét xử các loại án trong từng thời kỳ nhất định nhưng không được chỉ đạo Tòa án cấp dưới trong việc giải quyết vụ án cụ thể. Bên cạnh đó, Thẩm phán, Hội thẩm cần phải đánh giá chứng cứ một cách khách quan, không được lệ thuộc vào kết luận điều tra hoặc bản cáo trạng của CQĐT, Viện kiểm sát mà phải dựa vào kết quả kiểm tra, đánh giá công khai các chứng cứ buộc tội và gỡ tội tại phiên tòa, phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội và các nguyên tắc khác trong tố tụng hình sự; không bị chi phối, tác động của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khi ra quyết định, bản án. Đối với cấp phúc thẩm trở lên khi xem xét bản án, người Thẩm phán cũng không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa cấp dưới, hay bị tác động từ các yếu tố khác bên ngoài.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 45 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)