Cơ sở của việc quy định nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 27 - 29)

5. Kết cấu của luận văn

1.5. Cơ sở của việc quy định nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập

và chỉ tuân theo pháp luật trong Luật Tố tụng hình sự

Thứ nhất, xuất phát từ nguyên lý cơ bản của việc phân công quyền lực trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Montesquieu cho rằng: không có gì là tự do nếu

quyền tư pháp không được tách khỏi quyền Lập pháp và quyền Hành pháp. Một nền tư pháp độc lập là nền tảng cho sự phát triển của các quốc gia bởi vì nếu tư pháp độc lập, công dân mới có thể mong đợi các phán quyết của Tòa án dựa trên sự thật và pháp luật

mà không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ tác động bất hợp pháp nào. Vì vậy, quyền tư pháp độc lập trở thành một nguyên tắc quan trọng được mọi hiến pháp của các nước dân chủ quy định. Khi xét xử, Thẩm phán không cần nhận chỉ thị từ đâu, mà chỉ tuân thủ luật

pháp. Khi giải thích, áp dụng các chuẩn mực, Thẩm phán không cần phải theo ý kiến đa số và cần hành động dựa vào pháp luật và niềm tin nội tâm.18

Trong lịch sử nhà nước và pháp luật của thế giới, cơ quan tư pháp – mà đại diện

là Tòa án - luôn được xem là thành trì bảo vệ công lý, bảo vệ quyền của con người trước các hành vi xâm phạm hoặc vi phạm bởi những chủ thể khác, mà những chủ thể đó bao gồm cả chính quyền và quan chức nhà nước. Muốn cho cơ quan tư pháp xét xử tốt thì Tòa án phải độc lập. Chỉ khi được bảo đảm tính độc lập, Tòa án mới có thể xét xử một cách vô tư và công bằng. Tư pháp độc lập (hay tòa án độc lập) là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền. Nói cách khác, nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong tổ chức và hoạt động của Tòa án là sự độc lập. Ý nghĩa của nguyên tắc này nằm ở mục đích để cho tòa án có khả năng phán xét công bằng mọi tranh chấp trong xã hội.19

Cơ sở lý luận của nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật gắn liền với việc tổ chức bộ máy Nhà nước theo cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực. Quốc hội được trao thẩm quyền kiểm soát quyền lực của Chính

18 Phí Thành Chung (2018), tlđd (10).

19 Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao (2012), “Tư pháp độc lập - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (kỳ 1)”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 19 (227) T10/2012, tr. 4.

phủ và Tòa án nhân dân tối cao. Nhưng Hiến pháp hiện hành không trao cho Chính phủ bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với hoạt động của Tòa án. Quy định này có sự tính toán, nhằm bảo đảm cho Tòa án có được vị thế độc lập, khách quan trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao cũng không có quyền kiểm soát đối với Quốc hội và Chính phủ. Hệ thống tòa án chỉ thực hiện nhiệm vụ xét xử theo luật định. Trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước, những nguyên lý cơ bản của việc phân công quyền lực, kiểm soát và giám sát lẫn nhau, tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là một trong những biểu hiện rõ nét của cơ chế phân chia quyền lực ở Việt Nam. Tính độc lập của Thẩm phán là để bảo vệ quyền lực tư pháp trước sự can thiệp từ phía lập pháp và hành pháp.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xét xử và từ công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước Việt Nam. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020 xác định mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh và bảo vệ công lý. Nghị quyết nêu rõ, hoạt động tư pháp mà trong đó Tòa án giữ vị trí trung tâm và công tác xét xử là hoạt động trọng tâm cần phải được tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng, bảo đảm hiệu quả cao. Để thực hiện được vai trò thực thi công lý của mình, cá nhân các Thẩm phán và cơ quan tư pháp cần phải khách quan và độc lập với mọi tác động hoặc áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài để người dân có thể tin tưởng rằng mọi phán quyết của Tòa đều dựa trên một lẽ công bằng và chỉ tuân theo pháp luật. Bởi vì phạm vi xét xử của tòa án không chỉ bao gồm các hành vi vi phạm pháp luật của người dân, mà còn cả các hành vi của các quan chức nhà nước, thậm chí cả cơ quan nhà nước. Cho nên, khi thực hiện chức năng của mình, các Thẩm phán luôn ở trong môi trường dễ dàng chịu sự ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố. Nó có thể phát sinh do áp lực từ cơ quan hành pháp hoặc cơ quan lập pháp, bởi các đương sự là cá nhân hoặc nhóm người, giới truyền thông, hoặc từ chính các Thẩm phán khác, cụ thể là các Thẩm phán ở cấp cao hơn. Muốn Tòa án độc lập thì trước hết Thẩm phán cần phải độc lập. Muốn cho Thẩm phán độc lập, trước tiên Thẩm phán phải có đủ năng lực và phải đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc Thẩm phán không đủ năng lực và điều kiện làm việc cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phụ thuộc của họ vào các nhánh quyền lực khác.

Trong thực tiễn xét xử, ngoài mối quan hệ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thẩm phán và Hội thẩm còn có mối quan hệ với các luật sư, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội. Do đó, Thẩm phán và Hội thẩm phải luôn ý thức được rằng mình là người sẽ chịu trách nhiệm về nội dung, về tính công minh của bản án. Từ đó, những thành viên của Hội đồng xét xử phải có bản lĩnh và phải đứng vững trước những tác động từ các yếu tố bên ngoài. Như vậy, xét từ những yếu tố bên ngoài thì quy định “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” tức là không cho phép bất cứ ai, cơ quan Nhà nước nào can thiệp vào việc xét xử của tòa án dưới bất cứ lý do nào, để có thể bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập vàchỉ tuân theo pháp luật.

Từ những cở sở lý luận và thực tiễn tác giả phân tích ở trên, có thể khẳng định việc quy định nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là cần thiết, để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, sự thoái hóa của quyền lực và lợi dụng quyền lực để can thiệp xâm phạm đến quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức trong các quan hệ xã hội.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)