Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án hành chính.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính Luận văn ThS. Luật (Trang 45 - 47)

Khi giải quyết vụ án hành chính, Toà án nhân dân nhân danh Nhà nước để ra bản án nhưng cũng không loại trừ trường hợp có xét xử sai lầm, dẫn đến bản án hoặc quyết định không đúng pháp luật. Để đảm bảo giải quyết vụ án chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan nhà nước và tổ chức, pháp luật tố tụng hành chính quy định bản án hoặc quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay. Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày Toà án tuyên án hay ra quyết định, đương sự, người đại diện đương sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có

quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm. Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có quyền kháng nghị trong thời hạn hai mươi ngày. Nếu đương sự hoặc Viện kiểm sát không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị được tính từ ngày đương sự hoặc Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản sao bản án. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ, ngày lễ thì được tính sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ hoặc ngày lễ đó.

Thủ tục kháng cáo, kháng nghị quy định tại khoản 4 Điều 56 Pháp lệnh. Kháng cáo, kháng nghị phải được gửi đến Toà án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án.

Xét xử phúc thẩm là một giai đoạn tố tụng độc lập, nhằm mục đích phát hiện sửa chữa những sai sót trong quá trình xét xử sơ thẩm hay những vi phạm trong tố tụng, nó đảm bảo tính pháp chế và tính có căn cứ của bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính đảm bảo sự hướng dẫn, kiểm tra của Toà án cấp trên đối với cấp dưới, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Trước khi mở phiên toà phúc thẩm hoặc tại phiên toà, người kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung kháng cáo, kiến nghị của Viện kiểm sát cấp dưới. Toà án phúc thẩm xem xét việc rút kháng cáo, kháng nghị đó, nếu rút một phần nội dung kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm không xem xét phần đã rút đó. Nếu những người có quyền kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét phúc thẩm. Trường hợp thấy bản án, quyết định sơ thẩm không đúng pháp luật thì khi ra quyết định đình chỉ việc xét xử, Toà án cấp phúc thẩm phải kiến nghị với người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Sau khi kiểm tra hồ sơ kháng cáo, kháng nghị đảm bảo thủ tục hợp lệ, Toà mới thụ lý giải quyết, chánh án Toà phúc thẩm phân công thẩm phán chịu trách nhiệm giải quyết vụ án để tiến hành nghiên cứu hồ sơ. Mục đích việc nghiên cứu hồ sơ để xác định tính hợp pháp về quyền khiếu kiện, thủ tục

khởi kiện, thẩm quyền về vụ việc và thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án hành chính có kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 2, Điều 11, Điều 12, Điều 30, Điều 31 Pháp lệnh và Điều 39 Luật Khiếu nại, tố cáo đồng thời làm rõ các căn cứ pháp lý đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong quá trình điều tra xác minh theo thủ tục xét xử phúc thẩm, người kháng cáo, kháng nghị và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị có yêu cầu bổ sung chứng cứ mới. Tuy nhiên theo Điều 59 Pháp lệnh, thì những đối tượng này chỉ có quyền bổ sung chứng cứ mới để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo yêu cầu kháng cáo, kháng nghị, không có quyền bổ sung, sửa đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị như trong quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.

Thủ tục tiến hành phiên toà phúc thẩm, quy định tại điều 64 Pháp lệnh, cũng tương tự như phiên toà sơ thẩm, bao gồm các bước quy định tại Điều 44, Điều 46, Điều 47, Điều 49 Pháp lệnh. Theo khoản 3 Điều 15 Pháp lệnh, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Trong thời hạn 15 ngày sau khi tuyên án, Toà phúc thẩm đã xét xử vụ án phải gửi bản sao bản án, quyết định phúc thẩm cho các đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Sau khi xét phúc thẩm, bản án hành chính sẽ có hiệu lực pháp luật và được thi hành ngay.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính Luận văn ThS. Luật (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)