2.2. Thực trạng các quy định pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động,
2.2.2.2. Trường hợp được coi là bệnh nghề nghiệp
Luật BHXH 2006, người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện:“bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;suy giảm khả năng lao động từ 5%
trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này” [25, Điều 40].
Như vậy, để có thể thể được hưởng chế độ BNN, NLĐ phải đảm bảo đủ cả 2 điều kiện: Một là, bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; Hai là, bị suy giảm từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp.
Như đã phân tích tại mục 1.2.3.2, BNN thường có hai cách để xác định, ở nước ta, BNN được xác định theo cách thứ nhất đó là Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định danh mục BNN. Theo văn bản mới
nhất, Thông tư số 36/2014/TT-BYT ngày 14/11/2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 nước ta có 30 BNN được chia thành 5 nhóm, cụ thể: các bệnh bụi phổi và phế quản; các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp; các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý; các bệnh da nghề nghiệp; các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp.
Với cách xác định BNN bằng xây dựng danh mục BNN, khi NLĐ làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại mà bị mắc các bệnh trong danh sách này thì đương nhiên được hưởng chế độ BNN. Với việc xác định danh mục BNN sẽ thuận tiện cho thực hiện chế độ BNN, đảm bảo việc áp dụng và giải quyết chế độ BNN cho NLĐ được thống nhất và minh bạch, đồng thời ít tốn kém thời gian và giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, với cách xây dựng hệ thống các BNN như hiện nay sẽ gây khó khăn khi NLĐ mắc bệnh không có trong danh mục BNN nhưng nguyên nhân xuất phát từ quá trình hoạt động sản xuất, làm việc trong môi trường, công việc độc hại, có nguy cơ mắc bệnh cao. Hiện nay luật BHXH và các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định điều chỉnh đối với trường hợp này.
Với sự ra đời của nhiều loại ngành nghề và các loại bệnh phát sinh từ hoạt động sản xuất ngày càng nhiều khiến danh mục BNN có thể bị chậm so với yêu cầu thực tiễn. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cần có cơ chế xây dựng BNN theo lộ trình thích hợp để danh mục BNN được đầy đủ và đáp ứng nhu cầu cần được hưởng trợ cấp của NLĐ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Từ năm 2007 cho đến nay, với chương trình phòng chống BNN, bên cạnh việc quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu, bổ sung các BNN mới, Bộ Y tế tiếp tục đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, xây dựng kỹ thuật xác định nồng độ chất độc hại trong môi trường lao động cũng như cách đánh giá điều kiện làm việc của NLĐ, xét nghiệm cận lâm sàng khác phục vụ chuẩn đoán BNN. Lực lượng cán bộ làm công tác sức khỏe nghề nghiệp cũng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng.Có thể thấy số lượng BNN được liệt kê vào danh
mục BNN được chi trả bảo hiểm ngày càng tăng, sự thay đổi này phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Việc bổ sung các BNN ngày càng đảm bảo tốt hơn quyền lợi của NLĐ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hiện nay nước ta mới có 30 BNN nằm trong danh mục BNN được bảo hiểm; việc bổ sung BNN được bảo hiểm vẫn còn chậm và nhiều điểm hạn chế. Nhiều BNN gây ảnh hưởng xấu đến NLĐ nhưng vẫn còn chưa nằm trong danh mục BNN bảo hiểm. Ví dụ như đối với các công nhân làm trong dây chuyền của các nhà máy chế biến thủy sản, bắp chân của họ thường tăng từ 0,5 cm đến 1,5 cm sau một ca đứng làm việc, như vậy là có nguy cơ bị bệnh giãn tĩnh mạch. Hay như trong ngành biểu diễn nghệ thuật, các diễn viên múa, diễn viên xiếc có thể bị các bệnh như bệnh gai đốt cột sống cổ, đốt sống lưng, bệnh về khớp xương…
Có thể thấy, với cách xây dựng danh mục BNN làm căn cứ để xác định thực hiện chế độ BNN như hiện nay có cả ưu và nhược điểm. Ưu điểm của cách này đó là tạo ra một cơ sở rõ ràng cho việc thực hiện chế độ bảo hiểm BNN. Khi NLĐ bị phát bệnh do nguyên nhân từ công việc và thuộc danh mục NLĐ mặc nhiên được hưởng chế độ bảo hiểm BNN. Việc thực hiện được đảm bảo nhanh chóng, đồng bộ, minh bạch. Tuy nhiên, cách thức này cũng có điểm hạn chế, đó là: đối với những trường hợp NLĐ bị các bệnh không có trong danh mục các BNN được quy định nhưng nguyên nhân của việc phát bệnh là do công việc, môi trường làm việc gây nên. Vậy với những trường hợp này họ không được hưởng chế độ bảo hiểm BNN trong khi do công việc họ bị phát bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động nhưng họ lại không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp, hỗ trợ nào bù đắp cho những tổn thất của họ. Đây là một thực trạng cần phải được giải quyết?
Ngoài ra, hiện nay có thực tế có trường hợp NLĐ đã thay đổi công việc nhưng phát bệnh do đã từng làm công việc, môi trường làm việc độc hại. Vậy trong trường hợp này phải giải quyết như thế nào, NLĐ có được hưởng chế
độ BNN hay không?
Các quy định hiện hành quy định về BNN tại Luật BHXH 2014, Luật BHXH số 71/2006/QH11, Bộ Luật Lao động số 10/2012/QH13 và Nghị định số 45/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác chỉ đề cập đến việc bồi thường và tính hưởng BHXH cho NLĐ (tức người đang làm việc), không có điều khoản nào nói rõ hơn quyền lợi của người mắc BNN được phát hiện do nguyên nhân làm việc tại đơn vị cũ nhưng đã nghỉ việc. Hiện nay, vấn đề này hiện vẫn đang bỏ ngỏ chưa có quy định cụ thể.
Thiết nghĩ, trường hợp NLĐ bị bệnh thuộc danh mục BNN trong thời gian làm việc trong điều kiện lao động bình thường hoặc không tiếp xúc với các chất độc hại có liên quan tới bệnh đó thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân và nguồn gốc dẫn đến bệnh. Nếu trước đó NLĐ đã từng làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và bệnh của họ chính là hậu quả của thời gian làm việc đó thì cần lưu ý tới thời gian bảo đảm của BNN. Thời gian bảo đảm của BNN được hiểu là khoảng thời gian nhất định do Nhà nước quy định (tùy từng loại và thể bệnh) tính từ ngày NLĐ rời khỏi môi trường làm việc có yếu tố độc hại có khả năng gây ra BNN. BNN thường tích tụ lâu ngày mới phát bệnh, do đó để kịp thời bảo vệ quyền lợi cho NLĐ đồng thời hiện các BNN ngày càng có xu hướng tăng, thiết nghĩ cần sớm có quy định cụ thể về thời gian bảo đảm BNN. Nếu trong thời gian bảo đảm NLĐ bị bệnh nguyên nhân là do trước làm công việc môi trường độc hại thì được hưởng chế độ BNN. Ngược lại, thờigian bảo đảm đã hết thì NLĐ chỉ được bảo hiểm theo chế độ ốm đau.
Ngoài ra, hiện nay Luật BHXH chỉ quy định NLĐ phải tham gia BHXH mà chưa quy định mức thời gian tối thiểu NLĐ tham gia BHXH là điểu kiện bắt buộc khi giải quyết chế độ TNLĐ, BNN. Nếu đặt trong thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung thì việc không đặt ra điều kiện này là có thể chấp nhận bởi nó phù hợp với cơ chế bao cấp chung của Nhà nước. Song trong
điều kiên hiện nay, khi quỹ BHXH hạch toán độc lập với ngân sách Nhà nước, việc cân đối thu chi trở thành điều kiện quan trọng cho sự tồn tại và tăng trưởng của quỹ thì việc quy định điều kiện bắt buộc về thời gian tham BHXH của NLĐ trước khi hưởng bảo hiểm cần được cân nhắc.