Hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp ở việt nam (Trang 73 - 75)

2.2. Các quy định về hình thức giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ

2.2.1. Hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng

Liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp, Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam (năm 1992), cũng đã có những quy định về việc quyền bình đẳng của công dân (Điều 52); nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế (Điều 22); Quyền tự do kinh doanh của công dân (Điều 57). Cụ thể hóa các quy định này liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành như: Bộ luật dân sự 2005, Bộ Luật tố tụng dân sự 2004, Luật thương mại 2005, Luật doanh nghiệp 2014 và nhiều văn bản pháp luật khác.

Bộ luật dân sự năm 2005 không có quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp thương mại bằng thương lượng, mặc dù vậy Bộ luật này cũng đưa ra những nguyên tắc áp dụng chung đối với các quan hệ dân sự, cơ sở xác lập quyền và nghĩa vụ giữa các bên tranh chấp. Các quy định về hợp đồng cũng là cơ sở pháp lý để các bên tìm ra nguyên nhân phát sinh tranh chấp nhằm đi đến giải quyết thông qua thương lượng.

Giống như BLDS 2005, Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (BLTTDS) cũng không có quy định nào cụ thể nhưng tại Khoản 2, điều 5 Luật này quy định:

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội và Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này [30, Điều 10].

Rõ ràng dù chưa có quy định cụ thể nhưng pháp luật cũng đã công nhận các chủ thể có quyền thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ việc, đây chính là hình thức thể hiện của phương thức giải quyết bằng thương lượng.

Một văn bản pháp luật quan trọng không thể không kể đến chính là luật thương mại 2005. Theo đó, luật này đã ghi nhận “thương lượng” là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng phổ biến và rộng rãi. Nếu như trước kia trong luật thương mại 1997, thương lượng là biện pháp bắt buộc phải tiến hành trước khi muốn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Tòa án thì đến nay đây không còn là phương thức bắt buộc nữa. Việc quy định như vậy cho thấy pháp luật đã tôn trọng sự thỏa thuận của các chủ thể.

Luật đầu tư 2005 cũng quy định “tranh chấp liên quan đến hoạt động

đầu tư tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, Trọng

tài hoặc Tòa án theo quy định pháp luật” .

Có thể thấy, mặc dù không trực tiếp quy định riêng phương thức giải quyết tranh chấp cho tài sản trí tuệ. Song khi phát sinh mâu thuẫn, phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng cũng không ngoại lệ với đối tượng tài sản đặc biệt này. Như đã phân tích, với tính chất và giá trị của tài sản trí tuệ, phương thức thương lượng là phương thức không thể bỏ qua khi mà nó vừa dễ dàng thực hiện cũng như đảm bảo được tính riêng tư bảo mật khi mà thông tin về nó là nguồn tài sản có giá trị.

Bên cạnh những văn bản pháp luật trong nước, Việt Nam cũng ký kết và tham gia các điều ước quốc tế song phương và đa phương liên quan đến giải quyết tranh chấp. Cùng các văn bản pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần giải quyết tranh chấp các tranh chấp thương mại nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng, tạo môi trường kinh doanh an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước. Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Singapore, thương lượng

là giai đoạn bắt buộc phải có trước khi các bên tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài. Nếu thương lượng không thành công thì các bên sẽ giải quyết thông tin trọng tài kinh tế quốc tế do các bên tự thỏa thuận chọn ra. Đối với Hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ, các bên trong quan hệ thương mại được tự do lựa chọn phương thức giải quyết, thương lượng và trọng tài được đánh giá là phương thức lựa chọn phổ biến.

Bên cạnh các Hiệp định song phương này, Việt Nam còn tham gia Nghị định thư DSM – cơ chế giải quyết tranh chấp trong ASEAN; cơ chế giải quyết tranh chấp theo WTO. Các tranh chấp giải quyết theo DSM từ tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực hàng hóa truyền thống đến lĩnh vực dịch vụ mới và sở hữu trí tuệ. Điều này cho thấy, khi càng tiến sâu vào hội nhập quốc tế, quyền sở hữu tài sản trí tuệ luôn là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm.

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa trực tiếp quy định cụ thể riêng giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ mà chỉ dựa vào tính chất vụ việc/ lĩnh vực tranh chấp để chia thẩm quyền giải quyết. Pháp luật cũng chưa có quy định rõ ràng về giá trị pháp lý và hình thức của kết quả thương lượng. Đối với hình thức thương lượng áp dụng riêng cho đối tượng tài sản trí tuệ, pháp luật nên quy định chặt chẽ hơn hiệu lực áp dụng đối với kết quả thỏa thuận sau khi các bên đàm phán thương lượng để đảm bảo quyền lợi cho các chủ sở hữu tài sản trí tuệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp ở việt nam (Trang 73 - 75)