Trong lĩnh vực lập pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp ở việt nam (Trang 95 - 96)

3.3. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp

3.3.1.Trong lĩnh vực lập pháp

Một là, để góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, xét về lâu dài Nhà nước cần ban hành Luật về giải quyết tranh chấp. HIện nay, pháp luật về vấn đề này không nằm trong một đạo luật cụ thể mà nằm rải rác ở các lĩnh vực khác nhau. Luật về giải quyết tranh chấp được hình thành sẽ tạo nên khung pháp lý mang tính nguyên tắc vận dụng vào thực tế giải quyết các vấn đề tranh chấp nói chung, và tranh chấp tài sản trí tuệ nói riêng.

Hai là, pháp luật cũng cần bổ sung các vấn đề về thương lượng trong Luật thương mại 2005. Trong trường hợp thương lượng thành công thì cần phải có quy định về hiệu lực thi hành để đảm bảo các bên trong quan hệ tranh chấp nghiêm túc thực hiện. Pháp luật có thể quy định thương lượng như một hợp đồng, nội dung thương lượng phải được lập thành một văn bản để ràng buộc pháp lý với nhau. Đồng thời, pháp luật cần quy định đây là phương thức giải quyết tranh chấp bắt buộc được áp dụng đầu tiên khi có tranh chấp xảy ra. Ba là, hòa giải cũng được cần được quy định về hiệu lực thi hành nếu hòa giải thành. Cũng giống như thương lượng, hòa giải chỉ là phương thức do các bên tự nguyện thỏa thuận thực hiện và không có cơ chế ràng buộc. Do đó, có thể quy định trong trường hợp khi hai bên không thể tự thương lượng với nhau thì cần tiến hành hòa giải trước khi đưa ra trọng tài hoặc tòa án giải quyết.

Bốn là, pháp luật về trọng tài thương mại cũng cần quy định mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết của trọng tài để giảm bớt công việc cho Tòa án. Cụ thể trước kia các tranh chấp kinh doanh thương mại chỉ thuộc thẩm quyền của Trọng tài khi các chủ thể có đăng ký kinh doanh (tức là phải là các doanh nghiệp). Để trọng tài có thể phát huy vai trò của mình cũng như đảm bảo các bên được lựa chọn cơ chế giải quyết tối ưu, pháp luật cần mở rộng thẩm quyền của trọng tài để trọng tài có thể giải quyết tất cả các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại, không phân biệt chủ thể tranh chấp có đăng ký kinh doanh hay không đăng ký kinh doanh.

Năm là, bên cạnh việc ghi nhận pháp luật về giải quyết tranh chấp, pháp luật cũng cần quy định cụ thể khái niệm về “tài sản trí tuệ” trong Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp. Trong xã hội ngày nay, giá trị kinh tế mà tài sản đặc biệt này mang lại lợi ích không nhỏ. Để giải quyết tranh chấp loại tài sản đặc biệt này, pháp luật cần quy định chi tiết về tài sản trí tuệ và phân loại chúng. Hơn nữa, quyền tác giả và quyền liên quan là loại tài sản đặc thù, khác biệt với các tài sản sở hữu công nghiệp của sở hữu trí tuệ, trong đó đặc biệt khác về cơ chế xác lập, thực thi bảo hộ. Do đó, có thể xem xét tách riêng Luật Bản quyền tác giả và Luật liên quan đến quyền Sở hữu công nghiệp [42, tr.8].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về giải quyết tranh chấp tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp ở việt nam (Trang 95 - 96)