Đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 66 - 68)

3.1. Yêu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật Hình sự về

3.1.3. Đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam

Người chưa thành niên là thế hệ tương lai của đất nước, họ cần đi học để được trang bị kiến thức nhằm góp phần xây dựng đất nước trong tương lai nên việc đối tượng này tham gia lao động không được nhà nước, xã hội khuyến khích. Tuy nhiên, nếu pháp luật quy định theo hướng cấm hoàn toàn họ tham gia lao động sẽ không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Việt Nam có đặc điểm là nước có nền nông nghiệp lâu đời, sản xuất mang tính chất tự cung, tự cấp là chủ yếu, giao lưu thương mại giữa các vùng miền và với nước ngoài không được phát triển mạnh. Quy mô sản xuất kinh doanh của người Việt nhỏ, chủ yếu mang tính chất gia đình. Vì vậy, các gia đình sản xuất nhỏ hoặc làm nghề truyền thống thường coi người chưa thành niên trong gia đình là người lao động. Thực tế, việc người chưa thành niên tham gia lao động trong gia đình vừa để học tập, tiếp thu nghề nghiệp truyền thống gia đình, vừa để góp phần trực tiếp tăng thu nhập cho gia đình. Mặt khác, xuất phát từ nhận thức của người lớn, ngoài giờ học, người chưa thành niên tham gia làm việc cùng cha mẹ là cần thiết, giúp các em trưởng thành, có thêm kỹ năng, phát triển thể lực, trí tuệ và nhân cách. Ngoài ra, quá trình đổi mới cũng thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng nhu cầu sử dụng người lao động, trong đó có cả người lao động chưa thành niên. Với một số đặc điểm về kinh tế, xã hội trên ở Việt Nam, pháp luật cũng nên thừa nhận việc tham gia lao động của người chưa thành niên.

Hiện nay, Việt Nam mới bước qua chuẩn nghèo, hệ thống an sinh xã hội chưa đủ khả năng để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội,

trong đó có người chưa thành niên thuộc gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập không ổn định, họ không có điều kiện đi học nên phải tham gia lao động để mang lại nguồn thu nhập giúp đỡ gia đình. Nếu người chưa thành niên có nhu cầu lao động nhưng không được thừa nhận khiến việc họ tham gia lao động sẽ không được pháp luật bảo vệ, dễ dẫn đến hiện tượng lạm dụng, bóc lột sức lao động từ phía người sử dụng lao động. Điều này sẽ đi ngược lại nguyên tắc bảo vệ người lao động chưa thành niên. Do vậy, hiện tại cũng như trong thời gian tới, để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, pháp luật nên tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động chưa thành niên có nhu cầu lao động được chính thức tham gia quan hệ lao động, tôn trọng quyền được tham gia quan hệ lao động của họ thông qua việc quy định về mở rộng các ngành nghề, công việc nhẹ nhàng, phù hợp với người lao động chưa thành niên, quy định chặt chẽ các điều kiện lao động, đảm bảo an toàn lao động, tôn trọng các quyền lao động như quyền được lựa chọn việc làm, nơi làm việc phù hợp, quyền được hưởng sự bảo vệ từ phía nhà nước, người sử dụng lao động…

Mặt khác, thực tế ở Việt Nam, (qua kết quả khảo sát đánh giá danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại cấm sử dụng lao động chưa thành niên thuộc Cục An toàn lao động năm 2006 và báo cáo các số liệu khảo sát tình hình trẻ em và lao động chưa thành niên phải làm việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm năm 2005 của Vụ Lao động – Việc làm) khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình, các làng nghề là những nơi thu hút lao động chưa thành niên và đây cũng là nơi chủ yếu diễn ra các vi phạm với người lao động chưa thành niên. Điều này cho thấy cần tập trung hướng các quy định tới khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình, làng nghề. Đặc biệt, cần chú trọng tới các quy định về hỗ trợ phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động chưa thành niên ở khu vực này,

cụ thể hóa các quy định về điều kiện sử dụng lao động, về đảm bảo an toàn lao động căn cứ vào đặc thù của khu vực này, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình…

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 66 - 68)