Chủ thể của tội phạm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 55 - 57)

Chủ thể của tội phạm là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự quy định là một tội phạm cụ thể trong trường hợp người đó có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật.

Theo luật hình sự hiện hành thì chủ thể của tội phạm chỉ có thể là con người cụ thể. Pháp nhân, tổ chức không phải là chủ thể của tội phạm. Quy định pháp nhân, tổ chức không phải là chủ thể của tội phạm là một sự bất cập cần phải sửa đổi. Trên thực tế có không ít trường hợp pháp nhân gây thiết hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng không thể xử lý pháp nhân đó về mặt hình sự mà chỉ xử lý bằng các biện pháp khác như xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại theo quy định của luật dân sự… Ví dụ: Công ty Vedan xả nước thải làm ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng sông Thị Vải, ảnh hưởng đặc biệt lớn đến đời

sống, sản xuất, sức khoẻ của nhân dân nhưng họ cũng không bị xử lý về hình sự mà chỉ phải bồi thường thiệt hại.

Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em bằng thuật ngữ “người nào…” nghĩa là con người cụ thể là chủ thể của tội phạm này chứ không phải là pháp nhân hay tổ chức. Thuật ngữ “người nào…” được hiểu là người sử dụng lao động trẻ để làm các công việc nặng nhọc nguy hiểm hoặc sử dụng trẻ em tiếp xúc với các chất độc hại. Theo quy đinh tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2012 thì “Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan của nền kinh tế nước ta hiện nay. Điều này chứng tỏ rằng, quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về vấn đề này là bất cập.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành nếu chủ thể của tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em là cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì với trường hợp này, chủ thể phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi từ 16 trở lên. Nếu người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động trẻ em theo hợp đồng lao động để làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc sử dụng họ tiếp xúc với các chất độc hại gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì các pháp nhân tổ chức đã nêu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cá nhân nào đó đại diện cho pháp nhân, tổ chức nói trên có hành vi phạm tội thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi 16 trở lên. Những người này thường là người đứng đầu pháp nhân, tổ chức, hợp tác xã hoặc chủ hộ gia đình.

Có ý kiến cho rằng tội phạm này có chủ thể đặc biệt vì ngoài các dấu hiệu có năng lực trách nhiệm hình sư, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự họ còn phải là người sử dụng lao động. Chúng tội không đồng ý với ý kiến này vì người sử dụng lao động có thể là bất kỳ ai thuê, mướn lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc sử dụng trẻ em tiếp xúc với các chất độc hại gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dấu hiệu “sử dụng lao động” không phải là dấu hiệu của chủ thể đặc biệt vì bất kỳ người nào khi cần thực hiện một công việc nào đó đều có thể thuê, mướn, ký hợp đồng lao động với người lao động miễn là cá nhân sử dụng lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Những dấu hiệu thuộc về nhân thân người phạm tội không có ý nghĩa đối với việc xác định tội danh nhưng có ý nghĩa đối với việc lượng hình. Do vậy khi điều tra, truy tố, xét xử tội này cần làm rõ những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc về nhân thân người phạm tội cùng với những tình tiết khác để quyết định hình phạt một cách chính xác.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)