Khách thể của tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 38 - 41)

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự quy định bảo vệ và bị tội phạm xâm hại tới. Trong bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại nhiều quan hệ xã hội nhưng không phải tất cả các quan hệ xã hội đó là khách thể của tội phạm mà chỉ những quan hệ xã hội có tầm quan trọng nhất định được luật hình sự bảo vệ để tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm. Trong quy định của Điều 8 Bộ luật Hình sự 1999, khi định nghĩa về tội phạm nói chung đã liệt kê các quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ. Trong số các quan hệ xã hội được liệt kê tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 1999 thì “những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa” là nhóm quan hệ xã hội có cùng tính chất được một nhóm các quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại của một nhóm tội phạm. An toàn công cộng là một trong những loại quan hệ xã hội thuộc “lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN”. An toàn công cộng theo nghĩa rộng là an toàn ở những nơi sinh hoạt công cộng, đông người. Theo nghĩa hẹp thì an toàn công cộng là an toàn trong các lĩnh vực cụ thể như: an toàn trong giao thông vận tải, an toàn trong lao động sản xuất, an toàn trong quản lý vũ khí, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn đối với sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần của trẻ em…

Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em xâm hại đến an toàn đối với sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần của trẻ em. Việc sử dụng trẻ em vào những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bình thường về

Trẻ em là lớp người ở độ tuổi đang lớn xét về mặt thể chất và đang hình thành nhân cách. Lý trí và ý chí của các em cũng đang được bồi đắp và củng cố để có thể nhận thức và điều khiển hành vi của mình trong những hoàn cảnh cụ thể. Nếu sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại sẽ làm chậm hoặc không thể phát triển được về thể chất (chiều cao, cân nặng, sức mạnh cơ bắp, sự dẻo dai, sự chịu đựng…) về tinh thần (tư duy, lý trí, ý chí, quan niệm…).

Có ý kiến cho rằng khách thể của tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em xâm hại quyền lao động của trẻ em đã được quy định tại Hiếp pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia.

Điều 55 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động”.

Điều 5 Bộ luật lao động 2012 quy định: “1. Người lao động có các quyền sau đây:

a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể…”

Điều 49 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyên lao động như sau: “Cá nhân có quyền lao động.

Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.”

Điều 8 Bộ luật lao động 2012 quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật”. Tại khoản 7 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “7. Lạm dụng lao động trẻ em, sử dụng trẻ em làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại, làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;”

Như vậy, trong các văn bản pháp luật nêu trên đều có quy định quyền lao động, quyền có việc làm của công dân, đồng thời cũng quy định cấm sử dụng lao động trẻ em trong những trường hợp “lao động trẻ em tồi tệ nhất”. Chúng tôi cho rằng hành vi phạm tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em tuy có xâm hại đến quyền lao động của trẻ em nhưng đó không phải là khách thể trực tiếp của tội phạm này. Nếu coi quyền lao động của trẻ em là khách thể trực tiếp thì sẽ không phản ánh đúng bản chất của tội phạm này. Suy cho cùng hành vi vi phạm quy định về lao động trẻ em sẽ làm cho sự phát triển về thể chất, tinh thần, tâm lý của trẻ em không bình thường. những công việc mà tính chất hoặc các điều kiện của nó có thể xâm hại đến sức khoẻ, an toàn và đạo đức của trẻ. Tại Điều 3 Công ước 182 cũng nêu rõ đó là “những công việc mà tính chất hoặc các điều kiện của nó có thể xâm hại đến sức khoẻ, an toàn và đạo đức của trẻ”. Như vậy không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm luật xếp tội phạm này vào chương “các tội xâm phạm an toàn công công, trật tự công cộng”.

Đối tượng tác động của tội phạm này là trẻ em. Theo Điều 1 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em thì “trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”. Như vậy, Bộ

luật Lao động năm 2012 cho phép sử dụng lao động trẻ em nhưng với điều kiện phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại các điều từ 161 đến 165 Bộ luật Lao động năm 2012. Người dưới 15 tuổi chỉ được làm các nghề, công việc nhẹ nhàng, không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm sinh lý trẻ em. Pháp luật tạo điều kiện để trẻ em có quyền lao động, có thu nhập cho bản thân và gia đình và nhất là để các em trau dồi kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp và rèn luyện sức khoẻ.

Điều 2 Công ước 182 khuyến cáo các quốc gia thành viên của công ước: “Trong Công ước này, thuật ngữ “trẻ em” sẽ áp dụng cho tất cả những người dưới 18 tuổi.” Như vậy, Việt Nam cần phải sửa lại quy định về độ tuổi của trẻ em cho phù hợp với Công ước 182 và xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Khi xác định tuổi trẻ em cần căn cứ vào các giấy tờ tùy thân như: Giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân (nếu họ đã làm chứng minh), hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ hộ tịch, học bạ và các giấy tờ tuỳ thân khác có liên quan khác. Trong trường hợp không có các giấy tờ tùy thân hoặc tuy có nhưng các giấy tờ này không giống nhau về ngày tháng năm sinh thì phải điều tra, trưng cầu giám định y khoa để xác định xem người lao động đó có phải là trẻ em hay không. Sở dĩ phải chứng minh điều này vì trong khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự chỉ quy định trừng phạt người có hành vi sử dụng trẻ em vào các công việc nặng nhọc, nguy hiểm… mà không quy định người phạm tội phải biết rõ người mà mình sử dụng vào các công việc nặng nhọc, nguy hiểm là trẻ em.

Nghĩa vụ chứng minh người bị hại là trẻ em thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm các quy định về sử dụng lao động trẻ em trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)