pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Từ những phân tích, đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật tại Chương 2 và thực tiễn việc áp dụng pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết VADS tại mục 3.1 của Chương này, Luận văn đã làm rõ những vướng mắc, bất cập do các quy định của pháp luật mang lại trong quá trình áp dụng pháp luật. Để dẫn đến phát sinh những vướng mắc, bất cập đó là do một số những nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan của vấn đề; cụ thể:
3.2.1. Nguyên nhân khách quan
- Do các quy định của BLTTDS 2015 về tạm đình chỉ giải quyết VADS còn tồn tại một số bất cập nhất định. Trong khi đó, HĐTP – TANDTC còn chậm trễ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng để thống nhất cách hiểu và áp dụng trong hệ thống Tòa án, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Đây là nguyên nhân do sự lỏng lẻo, chưa rõ ràng, thống nhất pháp luật mang lại và là nguyên nhân hàng đầu cần giải quyết;
- Do số lượng các VADS Tòa án thụ lý hàng năm ngày càng tăng, mỗi Thẩm phán phải giải quyết một số lượng lớn các vụ án nên cũng không có đủ
điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án và việc áp dụng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các Thẩm phán lại chịu áp lực lớn mỗi dịp tổng kết công tác năm, tổng kết thi đua vào khoảng tháng 11 hàng năm dẫn đến việc khó tránh khỏi việc Tòa án chạy theo thành tích, tìm giải pháp tình thế đối với án quá hạn bằng việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Nguyên nhân này xuất phát chính từ yếu tố con người, quản lý hành chính và tổ chức Tòa án chưa hợp lý, các Thẩm phán còn mắc bệnh thành tích, thiếu trách nhiệm nghề nhiệp… từ đó dẫn đến việc lạm dụng tạm đình chỉ giải quyết VADS để làm giải pháp tình thể, tránh án quá hạn, tính lại từ đầu thời gian tố tụng, gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án, xam hại nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của đương sự;
- Nhìn chung về mặt cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các Tòa án có cải thiện, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít Tòa án vẫn còn hạn chế về vấn đề này; chế độ lương, chính sách phúc lợi đối với cán bộ, công chức Tòa án chưa thực sự tương xứng với tính chất, đặc thù nghề nghiệp dẫn đến một số Thẩm phán không thực sự tận tâm, toàn lực vì công việc, thậm chí đã không ít Thẩm phán tự từ bỏ vị trí và xin ra khỏi ngành.
Nguyên nhân này xuất phát từ chính sách của Nhà nước và từ chính các Thẩm phán, cán bộ Tòa án. Cơ chế, chính sách Nhà nước về chế độ lương, thưởng, phúc lợi xã hội… đối với các Thẩm phán, cán bộ Tòa án không tốt, không tương xứng dẫn đến đời sống của họ khó khăn, từ đó họ phải tìm cách kiếm thêm thu nhập từ việc khác, thậm chí nhận hối lộ của đương sự để tăng thu nhập và họ khó có thể tập trung toàn lực, toàn tâm cho công việc giải quyết vụ án của mình, thậm chí xin ra khỏi ngành. Bên cạnh đó, việc quản lý thu chi, đầu tư vào các cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công việc của Tòa án cũng rất quan trọng; khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc còn hạn chế thì các Thẩm phán, cán bộ Tòa án không có đủ điều kiện để bảo đảm cho công việc của mình và quyền lợi của đương sự;
- Việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong nhiều vụ án còn khó khăn; chế tài xử lý trách nhiệm đối với việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc phối hợp, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án chưa nghiêm khắc, triệt để, dẫn đến việc chậm trễ trong trả lời Tòa án và kéo dài thời gian giải quyết vụ án đến khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án Tòa án buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Nguyên nhân này xuất phát từ sự quy định lỏng lẻo, chưa nghiêm khắc của pháp luật trong chế tài xử lý vi phạm và thái độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện pháp luật. Từ việc pháp luật không có chế tài nghiêm khắc, đủ để dăn đe và tính cưỡng chế của pháp luật dẫn đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện pháp luật đã coi thường pháp luật, không tuân thủ pháp luật, xâm hại đến quyền lợi chính đáng của đương sự và kết quả giải quyết vụ án của Tòa án.
3.2.2. Nguyên nhân chủ quan
- Công tác kiểm sát đối với thực hiện việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự của VKS chưa sát sao, chặt chẽ dẫn đến việc bỏ lọt các sai phạm của Tòa án khi ban hành các Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS.
Việc bao che, dung túng, dễ dãi bỏ qua và làm ngơ với các sai phạm của cấp trên đối với cấp dưới, của giữa các cơ quan với nhau và thái độ, trách nhiệm làm việc không nghiêm túc của cơ quan Kiểm sát thực hiện chức năng, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự để lại hậu quả nghiêm trọng, bỏ lọt các sai phạm của Tòa án khi ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đương sự;
- Trình độ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của một số Thẩm phán còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xét xử. Đây là nguyên nhân do Thẩm phán. Thẩm phán là người đóng vai trò quyết định chính trong việc xem xét, đánh giá, giải quyết vụ án, bảo đảm kết quả của việc giải quyết vụ án và quyền lợi của đương sự. Thế nhưng, trong thực tiễn
lại có không ít các Thẩm phán với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp kém, nhiều hạn chế đã dẫn đến kết việc không đáp ứng được đủ các yêu cầu đặt ra đối với mỗi vụ án, kết quả giải quyết vụ án không chính xác và xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án và các bên có liên quan;
- Công tác kiểm tra hoạt động xét xử của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới chưa nghiêm túc, còn tình trạng bao che, dung túng và bỏ qua các vi phạm trong việc xét xử. Nguyên nhân này xuất phát từ yếu tố con người. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp Tòa án cấp trên khi phát hiện ra các sai phạm trong việc giải quyết vụ án nhưng đã cố tình làm ngơ, bao che, dung túng cho các sai phạm để dẫn đến việc sai phạm nối tiếp sai phạm, xâm phạm đến quyền lợi của đương sự và tính đúng đắn của việc giải quyết vụ án;
- Công tác tổng kết thực tiễn thực hiện pháp luật của ngành Tòa án còn nhiều hạn chế, chưa tìm ra được những giải pháp khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình giải quyết VDS. Có thể nói, nguyên nhân này do cả yếu tố con người, trình độ của các Thẩm phán, cán bộ có liên quan còn hạn chế và trách nhiệm nghiên cứu, tìm ra các vướng mắc và giải pháp khắc phục còn chưa cao, làm chống đối dẫn đến kết quả của việc tổng kết chưa làm rõ được hết các vướng mắc, bất cập của pháp luật, thực tiễn và các sai phạm để từ đó đưa ra giải pháp hoặc phát hiện ra nhưng đưa ra giải pháp hời hợt, hoặc cố tình làm ngơ với các vấn đề còn tồn đọng và phát sinh;
- Trình độ hiểu biết, nhận thức về pháp luật nói chung và về pháp luật tố tụng dân sự nói riêng của người dân còn nhiều hạn chế, nên dẫn đến việc có nhiều trường hợp Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS trái pháp luật nhưng cũng không biết và không khiếu nại đối với Quyết định đó. Nguyên nhân này xuất phát từ cả do con người và chính sách của Nhà nước.