Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 51 - 53)

2.1. Căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

2.1.8. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật

Điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS quy định căn cứ tạm đình chỉ giải quyết VADS gồm “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Đây là quy định mở mà BLTTDS chưa quy định, nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó; hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên; hoặc phát sinh lý do mà Tòa án cần thiết phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án mới bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Khoản 18 Điều 70 BLTTDS 2015 quy định đương sự có quyền “đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết VADS”. Theo đó, một số trường hợp đương sự đề nghị và có thể được Tòa án chấp nhận khi đương sự đề nghị như: Phải đi công tác nước ngoài; cần có thời gian thu thập chứng cứ; ốm đau; sinh đẻ;...v.v, mà họ không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng được, kèm theo đơn đề nghị là giấy tờ để chứng minh cho việc đề nghị là có căn cứ như giấy xác nhận của cơ sở y tế, cơ quan, tổ chức cử đi công tác… [27].

Ví dụ: Ngày 30/5/2018, ông A có đơn khởi kiện vụ án dân sự về việc

tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ, người bị kiện là ông B. Ngày 6/6/2018, Toà án thụ lý vụ án. Ngày 05/10/2018, ông B có đơn xin tạm đình chỉ vụ án do đang bị bệnh phải nằm viện điều trị trong một thời gian dài. Ngày 06/10/2018, Toà án áp dụng điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 để ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS với lý do: Bị đơn có đơn xin tạm đình chỉ. Tuy nhiên, ngày 01/11/2018, VKS nhận được Phiếu kiểm sát kèm theo Quyết định tạm đình chỉ giải giải quyết vụ án nêu trên. Ngày 15/01/2019, VKS đã yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKS nhận thấy: Ngày 05/10/2018, ông B có đơn xin tạm đình chỉ vụ án do đang bị bệnh

phải nằm viện điều trị trong một thời gian dài nhưng trong hồ sơ không có bất cứ tài liệu hợp pháp nào chứng minh việc ông B đang phải nằm viện để điều trị bệnh, Tòa án đã không xem xét đề nghị của ông B có hợp lý, phù hợp với căn cứ được pháp luật quy định hay không đã ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật.

Trong ví dụ trên, ông B đã vận dụng quy định tại khoản 18 Điều 70 BLTTDS 2015 để thực hiện quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Tòa án vận dụng điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 để ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS. Tuy nhiên, mặc dù đây là quyền của đương sự, nhưng việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án lại ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự khác trong vụ án và kết quả giải quyết vụ án. Do vậy, khi đương sự (chẳng hạn như ông B trong ví dụ trên) đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án phải xem xét đề nghị đó có hợp lý, có phù hợp với quy định của pháp luật không… Nếu cần thiết và phù hợp thì Tòa án mới chấp nhận đề nghị của đương sự và ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Trong ví dụ trên, đề nghị của ông B chỉ có thể được chấp nhận khi ông B có tài liệu hợp pháp chứng minh mình đang phải nằm viện điều trị bệnh một thời gian dài, không thể tham gia tố tụng và cũng không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay ông B được, nhưng Tòa án vẫn ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà không xem xét đến những điều này.

Qua phân tích ví dụ trên, cho thấy quy định về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết VADS tại điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015 chưa rõ ràng, cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc vận dụng căn cứ này nên dẫn đến nhận thức và thực hiện pháp luật không thống nhất, có tình trạng đương sự lạm dụng quyền này để đề nghị Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS và tình trạng Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS không đúng quy định của pháp luật. Điều đó, gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của các đương sự khác trong vụ án và ảnh hưởng đến

kết quả giải quyết vụ án. Đây là một bất cập và là một kẽ hở lớn của pháp luật, cần phải nhanh chóng có giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật [9].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)