Trường hợp đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 33 - 38)

2.1. Căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

2.1.1. Trường hợp đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất,

hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể

Trường hợp này là căn cứ tạm đình chỉ giải quyết VADS được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015: “Đương sự là cá nhân đã chết,

cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó”.

- Trường hợp đương sự là cá nhân đã chết mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó:

Căn cứ này được áp dụng khi một trong các đương sự là cá nhân đang tham gia vào việc giải quyết vụ án đã chết mà chưa có người (bao gồm: cơ quan, tổ chức, cá nhân) kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó. Thực tiễn trong việc giải quyết các vụ án cho thấy, trong một số trường hợp, khi Tòa án đang tiến hành giải quyết vụ án thì có đương sự là cá nhân chết nhưng chưa có người thừa kế, kế thừa quyền và nghĩa vụ của cá nhân đó, việc này làm gián đoạn tiến trình tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Trường hợp khi chưa xác định được người thừa kế, kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng hoặc người thừa kế chưa sẵn sàng kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đã chết để tham gia tố tụng thì Tòa án cần hoặc phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, để xác định và đưa người kế thừa các quyền, nghĩa vụ của cá nhân đã chết vào tham gia tố tụng, bảo đảm quyền tham gia tố tụng, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ [25, tr. 31].

Khoản 1 Điều 68 BLTTDS 2015 quy định: “Đương sự trong vụ án dân

sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”.

Theo đó, trong quá trình giải quyết VADS nếu có một bên đương sự

(bao gồm: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là cá

nhân chết mà chưa xác định được người thừa kế, kế thừa quyền và nghĩa vụ của đương sự đó thì Tòa án sẽ phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, phạm vi áp dụng tạm đình chỉ giải quyết vụ án đã được mở rộng hơn và đã khắc phục được hạn chế so với những quy định trước đây trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết VADS. Trước đây, việc tạm đình chỉ giải quyết VADS chỉ được áp dụng đới với trường hợp nguyên đơn và bị đơn chết, không áp dụng đối với trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, Tòa án cũng chỉ được ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS trong trường hợp đương sự chết nhưng quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ thuộc trường hợp được thừa kế theo quy định của pháp luật.

Khoản 1 Điều 25 BLDS 2015 quy định: “Quyền nhân thân được quy định

trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”;

Khoản 1 Điều 74 BLTTDS 2015 quy định: “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.” [24].

Theo các quy định trên, trong trường hợp quyền, nghĩa vụ của đương sự đã chết là quyền, nghĩa vụ về nhân thân thì không được kế thừa; chỉ trong trường hợp quyền, nghĩa vụ của đương sự đã chết là quyền, nghĩa vụ về tài sản thì mới được kế thừa, người thừa kế mới được tham gia tố tụng. Do vậy, nếu quan hệ đương sự đang yêu cầu Tòa án giải quyết là quan hệ về tài sản, mà trong quá trình giải quyết vụ án có đương sự bị chết, thì Tòa án phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; nếu quan hệ đương sự đang yêu cầu Tòa án giải quyết là quan hệ nhân thân, mà trong quá trình giải quyết vụ án có đương sự bị chết, thì Tòa án phải ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 thì trong trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; và/hoặc trường hợp cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó thì Tòa án phải ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án [18]. Đây là một điểm cần lưu ý để xác định chính xác được Tòa án phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hay Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, pháp luật TTDS Việt Nam hiện hành chưa có quy định đối với trường hợp đương sự là cá nhân chết trong quá trình giải quyết vụ án mà quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó thuộc diện được thừa kế nhưng không có người thừa kế hoặc có người thừa kế nhưng người đó không được kế thừa.

Thực tiễn cho thấy, có trường hợp trong thời gian giải quyết vụ án xuất hiện sự kiện một bên đương sự là cá nhân chết, cá nhân đó có để lại tài sản nhưng không có người thừa kế hoặc có người thừa kế nhưng người đó không được kế thừa. Chẳng hạn như trong vụ án về kiện đòi tài sản, theo quy định của pháp luật thì quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó được được thừa kế. Nhưng, nếu phát sinh trường hợp cá nhân đã chết đó không có người thừa kế để kế thừa các quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó; hoặc cá nhân đó có người thừa kế nhưng người đó thuộc diện bị truất quyền thừa kế, do đó không được kế thừa các quyền, nghĩa vụ tụ tụng của cá nhân đã chết. Khi đó, Tòa án sẽ giải quyết như thế nào đối với tài sản và các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự là cá nhân đã chết? Hiện tại, chưa có quy định nào hướng dẫn việc áp dụng pháp luật trong trường trường hợp này.

Điều 622 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp không có người thừa kế

theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.” [24].

Theo đó, trong trường hợp đương sự là cá nhân đã chết mà không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật; hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì quyền và nghĩa vụ của cá nhân đã chết thuộc về Nhà nước. Trường hợp này, Tòa án cần có hướng dẫn chi tiết theo hướng phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và đại diện Cơ quan Nhà nước nhận quyền tài sản sẽ kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cá nhân là đương sự đã chết.

- Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó:

Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 22 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTP - TANDTC thì “Trường hợp cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp đã có Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ quan, tổ chức đó nhưng cơ quan, tổ chức mới chưa được thành lập hoặc đã thành lập nhưng chưa có đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật đối với loại hình cơ quan, tổ chức đó [14].

“Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp chưa xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 và khoản 5 Điều 74 BLTTDS 2015.

Như vậy, căn cứ này được áp dụng trong trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng thì bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa xác định được người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó để đưa vào tham gia tố tụng; khi đó, Tòa án phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS cho đến khi xác định được người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó và đưa vào tham gia tố tụng.

Việc xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 74 BLTTDS 2015; cụ thể:

- Trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức đó được xác định như sau:

+ Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng;

+ Trường hợp cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó hoặc đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó tham gia tố tụng;

+ Trường hợp tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì cá nhân, tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó tham gia tố tụng.

- Trường hợp thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

- Trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

- Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại

diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng [18].

So sánh với Điều 74 BLTTDS 2015, thì căn cứ tạm đình chỉ quy định tại Điều 214 BLTTSD 2015 còn bỏ sót các trường hợp Tòa án phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS khi chưa xác định được người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015: Chỉ quy định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; không quy định trường hợp cơ quan, tổ chức đang tham gia tố tụng phải chấm dứt hoạt động (ví dụ: doanh nghiệp bị Phòng Đăng ký kinh doanh thu hồi hoặc bị Tòa án tuyên hủy Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp…); trường hợp tổ chức chuyển đổi hình thức tổ chức, thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho tổ chức mới; trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân (ví dụ: doanh nghiệp tư nhân; chi nhánh, địa điểm kinh doanh của công ty) đang tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện tham gia tố tụng chết. Như vậy là không phù hợp với quy định tại Điều 74 BLTTDS 2015 về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.

Trên thực tế có xảy ra các trường hợp trên. Vậy, khi xảy ra các trường hợp trên thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Do đó, cần có văn bản hướng dẫn thi hành/áp dụng một số điều của BLTTDS 2015, có bổ sung thêm các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết VADS trên cho phù hợp với Điều 74 BLTTDS 2015 [8, tr. 287].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)