1.6. Lược sử pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về tạm đình chỉ giải quyết vụ
1.6.5. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay
Trong giai đoạn này, Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung toàn diện BLTTDS nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách Tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp nhằm bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật tổ chức TAND, khắc phục các hạn chế, tăng cường tranh tụng, bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của họ [33, tr. 28].
Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp thứ 10 ngày 25/11/2015, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua BLTTDS (được gọi là BLTTDS 2015). Các vấn đề tạm đình chỉ giải quyết VADS được quy định cụ thể tại các Điều 214, Điều 215, Điều 216 và một số Điều khác có liên quan của Bộ luật này. Về cơ bản, những quy định tại BLTTDS này đã khắc phục được thiếu sót, hạn chế trong quy định về tạm đình chỉ giải quyết VADS so với những quy định trước đây. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng thực tiễn, BLTTDS 2015 cho thấy đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập về tạm đình chỉ giải quyết VADS, cần tiếp tục được nghiên cứu để đưa ra các giải pháp khắc phục và hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về vấn đề này.
Kết luận Chương 1
Trong chương này, cơ sở lý luận về tạm đình chỉ giải quyết VADS đã được xây dựng như: Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của tạm đình chỉ giải quyết VADS; cơ sở khoa học và phân loại căn cứ tạm đình chỉ của tạm đình chỉ giải quyết VADS; quá trình phát triển của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về tạm đình chỉ giải quyết VADS. Những vấn đề lý luận này là cơ sở trong việc hình thành các quy định của pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết VADS và việc áp dụng các quy định của pháp luật về vấn đề này trong thực tiễn.
Theo đó, tạm đình chỉ giải quyết VADS là việc Tòa án tạm ngừng giải quyết VADS khi có căn cứ do pháp luật quy định, khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Tòa án tiếp tục giải quyết VADS đó.
Tạm đình chỉ giải quyết VADS chỉ làm gián đoạn tạm thời tiến trình tố tụng đang được tiến hành do xuất hiện những tình tiết, sự kiện pháp lý nhất định trong một thời hạn nhất định, không làm chấm dứt việc giải quyết vụ án; mọi hoạt động tố tụng sẽ được khôi phục khi căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn và Tòa án ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trong thời hạn pháp luật quy định; tạm đình chỉ giải quyết VADS được áp dụng ở Tòa án
cấp sơ thẩm; Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Tạm đình chỉ giải quyết VADS có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; hạn chế những sai lầm có thể xảy ra trong quá trình giải quyết vụ án và bảo đảm VADS được xem xét, giải quyết khách quan, chính xác và đúng đắn. Cơ sở khoa học của tạm đình chỉ giải quyết VADS là nhằm bảo đảm quyền bảo vệ, quyền tham gia tố tụng của đương sự và người đại diện hợp pháp của đương sự; bảo đảm mối liên hệ giữa các Bản án, Quyết định của Tòa án và bảo đảm tính chính xác, đúng đắn trong việc giải quyết vụ án và nhằm bảo đảm trật tự công, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết vụ án.
Xuất phát từ ý nghĩa và cơ sở khoa học của tạm đình chỉ giải quyết VADS, ngay từ những văn bản quy định về thủ tục tố tụng dân sự đầu tiên của Việt Nam như Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các VADS năm 1989, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996 đã có những quy định về tạm đình chỉ giải quyết VADS. Đặc biệt, kể từ khi ban hành các BLTTDS 2004, BLTTDS 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 và BLTTDS 2015 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật này, các quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về tạm đình chỉ giải quyết VADS ngày một hoàn thiện hơn, góp phần tích cực vào công cuộc cải cách Tư pháp và việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và tính chính xác, đúng đắn của việc giải quyết vụ án.
CHƯƠNG 2
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM VỀ TẠM ĐÌNH CHỈ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ
Trên cơ sở lý luận về tạm đình chỉ giải quyết VADS tại Chương 1 và trong khuôn khổ là một đề tài Luận văn, tác giả xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu tập trung chủ yếu vào các quy định của BLTTDS 2015 về tạm đình chỉ giải quyết VADS. Do đó, tại chương này, Luận văn chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá các quy định của BLTTDS 2015 về tạm đình chỉ giải quyết VADS trong tố tụng dân sự Việt Nam, có đối chiếu với một số quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.