Việc Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS nếu như không phù hợp, không đúng với quy định của pháp luật có thể dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của đương sự. Do vậy, bên cạnh việc xây dựng những quy định của pháp luật về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết VADS một cách cẩn trọng, phù hợp với thực tiễn thì pháp luật cũng cần phải xây dựng những quy định nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân, trao cho chủ thể của vụ án phương tiện để kiểm sát tính chính xác, đúng đắn của việc tạm đình chỉ giải quyết VADS.
Do đó, cần có quy định ghi nhận đương sự có quyền được nhận Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, Quyết định tiếp tục giải quyết VADS của Tòa án; đương sự có quyền kháng cáo, khiếu nại hoặc kiến nghị/đề nghị VKS kháng nghị đối với những Quyết định này của Tòa án và VKS có quyền kháng nghị, kiến nghị đối với những Quyết định này của Tòa án.
Khoản 1 Điều 21 BLTTDS 2015 quy định: “Viện kiểm sát kiểm sát việc
tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.”.
Theo quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 27 Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn: Kiểm sát Bản án, Quyết định của Tòa án; kháng nghị, kiến nghị đối với Bản án, Quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng [20].
Khoản 4 Điều 83 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ có quyền kiến nghị theo quy định pháp luật; khoản 5, khoản 6 Điều 58 BLTTDS 2015 quy định Kiểm sát viên có quyền kiểm sát Bản án, Quyết định của Tòa án; kiến nghị, yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTDS.
Phù hợp với những quy định trên, BLTTDS 2015 đã có những quy định cụ thể đối với việc tạm đình chỉ giải quyết VADS:
Khoản 2 Điều 214 BLTTDS 2015 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải gửi Quyết định đó cho VKS cùng cấp”;
Khoản 5 Điều 215 BLTTTDS 2015 quy định: “Quyết định tạm đình chỉ
giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.”
Điều 216 BLTTDS 2015 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi Quyết định đó VKS cùng cấp.”.
Những quy định trên của BLTTDS 2015 nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý của công dân; đương sự trong vụ án có quyền khiếu nại, kiến nghị/đề nghị VKS kháng nghị đối với Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, Quyết định tiếp tục giải quyết VADS của Tòa án; đồng thời cũng thể hiện được chức năng thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự của VKS; VKS có quyền kháng nghị, kiến nghị đối với Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, Quyết định tiếp tục giải quyết VADS của Tòa án. Theo đó, nếu có căn cứ xác định Tòa án ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, Quyết định tiếp tục giải quyết VADS không phù hợp, không đúng với quy định của pháp luật, VKS xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc kiến nghị đối với những Quyết định này của Tòa án.
Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án. Sau khi có Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.
Như vậy, có thể thấy rằng, BLTTDS 2015 tuy không quy định cụ thể là sau khi ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự, Thẩm phán phải gửi VKS các văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu của Thẩm phán nhằm kịp thời đưa vụ án ra xét xử, nhưng nội hàm vấn đề đã chứa đựng điều đó. Bởi lẽ, xét về bản chất, việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án chỉ làm gián đoạn tạm thời việc giải quyết VADS do xuất hiện tình tiết, sự kiện nhất định chứ không làm chấm dứt việc giải quyết vụ án đó. Do đó, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát giải quyết vụ án vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thời gian tạm đình chỉ vụ án.
Ngoài ra, tại Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của VKSND tối cao về việc ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự cũng quy định, hướng dẫn chi tiết về việc kiểm sát đối với Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS [42]:
- Theo Điều 17 Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của VKSND tối cao thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát chặt chẽ thời hạn gửi Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 214 BLTTDS; các căn cứ Tòa án ra Quyết định tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 214 BLTTDS và các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm kịp thời báo cáo lãnh đạo VKS xem xét kháng nghị phúc thẩm hoặc kiến nghị.
+ Trường hợp tại phiên tòa, khi HĐXX ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về quyết định tạm đình chỉ. Nếu
phát hiện vi phạm thì sau phiên tòa, báo cáo lãnh đạo VKS xem xét kháng nghị phúc thẩm hoặc kiến nghị. Khi thực hiện kiểm sát việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải lập phiếu kiểm sát, đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 4 Điều 215 BLTTDS.
- Về kiểm sát việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm. Theo Điều 38 Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của VKSND tối cao thì: Khi nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên họp phúc thẩm xem xét Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Kiểm sát viên nghiên cứu nội dung kháng cáo, kháng nghị; tài liệu, chứng cứ kèm theo; nội dung Quyết định; căn cứ, thẩm quyền ra Quyết định.
+ Trường hợp tại phiên họp phúc thẩm xem xét Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật, trình bày, hỏi, tranh luận, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị và phát biểu ý kiến của VKS theo quy định tại Điều 35 và Điều 37 của Quy chế này. Kiểm sát viên Kiểm tra biên bản phiên họp, yêu cầu ghi sửa đổi, bổ sung biên bản phiên họp nếu cần thiết và ký xác nhận theo quy định tại Điều 24 của Quy chế này.
Theo đó, khi kiểm sát các Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần kiểm sát chặt chẽ về thời hạn gửi Quyết định, trình tự, thủ tục, nội dung; các căn cứ pháp luật được áp dụng… VKS cùng cấp phải thực hiện nghiêm quy định sau khi nhận được Quyết định, phải đọc kỹ để phát hiện vi phạm, trường hợp cần thiết thì phải khẩn trương xác minh, làm rõ, mời đương sự đến làm việc để làm rõ những vi phạm, thiếu sót của Tòa án để phục vụ cho việc xem xét kháng nghị, kiến nghị và lập phiếu kiểm sát báo cáo lãnh đạo VKS, bảo đảm quyền lợi chính đáng của đương sự.
Kết luận Chương 2
Trên cơ sở của lý luận về tạm đình chỉ giải quyết VADS tại Chương 1, Chương 2 của Luận văn đã đi vào phân tích, đánh giá một cách chuyên sâu, có thệ thống và toàn diện các quy định của BLTTDS 2015 về tạm đình chỉ giải quyết VADS như: Căn cứ tạm đình chỉ giải quyết VADS; Quyết định và thời điểm ban hành Quyết định tạm đình chỉ gải quyết VADS; thẩm quyền ban hành Quyết định và quy trình tạm đình chỉ giải quyết VADS; thời hạn và hậu quả pháp lý của tạm đình chỉ gải quyết VADS; Quyết định tiếp tục giải quyết VADS và Kiểm sát Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS.
Qua nghiên cứu và phân tích, đối chiếu với các quy định trước đây của BLTTDS 2004 về tạm đình chỉ giải quyết VADS cho thấy, BLTTDS 2015 đã quy định tương đối đầy đủ và bao quát được các trường hợp Tòa án cần hoặc phải ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS. Các quy định của BLTTDS 2015 về tạm đình chỉ giải quyết VADS đã kế thừa những điêm tích cực của các quy định trước đây tại BLTTDS 2004; kết hợp với sửa đổi, bổ sung một số quy định mới phù hợp với thực tế hơn; cho thấy sự hoàn thiện và mang lại hiệu quả áp dụng pháp luật cao hơn của BLTTDS 2015.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực trạng quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về tạm đình chỉ giải quyết VADS cho thấy, ngoài có thêm nhiều quy định thể hiện tính tích cực thì BLTTDS 2015 cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Vấn đề này gây ra những vướng mắc, bất cập cho việc áp dụng các quy định của BLTTDS 2015 về tạm đình chỉ giải quyết VADS trong thực tiễn. Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật để thấy được sự tác động của những hạn chế này và chỉ ra những nguyên nhân của nó, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục là cần thiết và là tiền đề cho việc nghiên cứu ở Chương 3 của Luận văn.
CHƯƠNG 3
THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ TẠM ĐÌNH CHỈ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ