Bất cập trong quy định pháp luật về HĐQT và thành viên HĐQT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh pháp luật về quản trị công ty cổ phần ở việt nam và nhật bản (Trang 72 - 75)

3.2. Hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật Việt Nam về

3.2.2. Bất cập trong quy định pháp luật về HĐQT và thành viên HĐQT

Các quy định hiện tại của pháp luật Việt Nam quy định về Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần hiện đang tồn tại những bất cập, tạo điều kiện thuận lợi để HĐQT thu vén lợi ích riêng và hoạt động với mục tiêu phục vụ lợi ích của những cổ đông lớn. HĐQT là những người được cổ đông ủy quyền để duy trì và phát triển doanh nghiệp, mang lại lợi ích lớn nhất cho công ty cổ phần cũng như các cổ đông. Những thành viên trong HĐQT của công ty cổ phần phải là những người có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp tốt, làm việc tận tâm chuyên nghiệp vì lợi ích chung của cả công ty. Thành viên Hội đồng quản trị luôn được trả những mức lương rất cao cho công việc của mình. Lợi ích mà các thành viên HĐQT nhận được có thể rất lớn. Với quyền lực trong tay, trên thực tế, không ít các trường hợp HĐQT tại nhiều công ty cổ phần luôn tìm cách nâng cao lợi ích cá nhân cho các thành viên HĐQT, nâng cao các quyền cho thành viên HĐQT, thông qua các quyết định chủ yếu vì lợi ích của các thành viên HĐQT.

Trên thực tế, có rất nhiều những trường hợp các thành viên HĐQT có sự liên kết với nhau để tạo ra một quyền lực chi phối rất lớn đối với công ty

cổ phần. Các quyết định về quản trị công ty hoàn toàn do nhóm cổ đông lớn này đưa ra. Nhóm các cổ đông lớn khi đã liên kết lại với quyền lực quá lớn như trên có khả năng vô hiệu hóa Ban kiểm soát và Ban giám đốc trong việc giám sát và điều hành hoạt động của công ty. Nhóm cổ đông lớn là các thành viên HĐQT khi làm được điều này sẽ dễ dàng trong việc thu vén lợi ích cho riêng mình. Họ sẽ quản trị công ty cổ phần mà không hề quan tâm đến nhóm các cổ đông thiểu số còn lại, HĐQT lúc này sẽ che giấu toàn bộ các thông tin liên quan đến nội bộ công ty mình, gây khó khăn nhất định đối với quyền được tiếp cận thông tin minh bạch của các cổ đông thiểu số.

HĐQT chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động của công ty tuân thủ pháp luật, tuân thủ điều lệ và các quy định nội bộ của công ty, đối xử bình đẳng đối với tất cả cổ đông và tôn trọng lợi ích của người có quyền lợi liên quan đến công ty. Là cơ quan quản lý công ty và được bầu ra với kỳ vọng và vì lợi ích của tất cả cổ đông, nhưng thực tế tại nhiều công ty, HĐQT đang đóng 3 vai trò: vừa nắm quyền đại diện cổ đông lớn/ đa số, vừa quản lý công ty, vừa kiểm soát cả ban kiểm soát. Chính vì quyền lực lớn như vậy, nên trong nhiều trường hợp và tại nhiều công ty cổ phần, HĐQT bị chi phối, kiểm soát mạnh và phục vụ cho lợi ích của cổ đông đa số tại công ty.

Về bầu dồn phiếu với thành viên HĐQT, bầu chủ tịch HĐQT: Theo quy định, tùy quy mô của công ty và các yêu cầu về số lượng thành viên HĐQT cần phải có, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ mỗi 10% vốn điều lệ trở lên có quyền đề cử người vào HĐQT. Việc lựa chọn sẽ tính từ cao đến thấp, cho đến khi có đủ số lượng thành viên HĐQT theo quy định mà không phụ thuộc việc phải có tỷ lệ đồng ý 65% của ĐHĐCĐ. Với quy định này, tại các công ty, nơi mà cổ đông đa số chi phối (tỷ lệ từ 65% trở lên) và khống chế số lượng thành viên HĐQT chỉ từ 3 – 5 theo điều lệ, thì số lượng thành viên trúng cử bằng bầu dồn phiếu sẽ bị cổ đông đa số chi phối, đại diện của nhóm cổ đông thiểu số sẽ không có cơ hội trúng cử vào HĐQT.

Hiện Luật Doanh nghiệp 2014 cũng không quy định rõ số lượng hữu hạn các ứng cử viên mà cổ đông đa số được quyền đề cử là áp dụng cho cả nhiệm kỳ hay cho mỗi lần bầu. Việc bầu chủ tịch HĐQT bởi HĐQT cũng bị chi phối mạnh bởi nhóm cổ đông đa số tại công ty. Bởi vậy, Luật Doanh nghiệp cần nâng số thành viên HĐQT lên trên 5 để việc bầu dồn phiếu phát huy hiệu quả, giúp các cổ đông thiểu số có thể cử đại diện vào HĐQT. Mặt khác các quy định về cho phép HĐQT được triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường trong trường hợp xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty cần được quy định cụ thể hơn trong Luật Doanh nghiệp vì lợi ích ở đây có thể bị chi phối bởi cổ đông đa số.

Về quy định cho phép HĐQT có quyền thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty theo khoản 5, Điều 149, Luật Doanh nghiệp 2014 phải được điều chỉnh chặt bởi luật. Đã có nhiều trường hợp, HĐQT, vì sự chủ quan trong nhận định của mình, đã ra các quyết định đầu tư và mở rộng kinh doanh sai lầm, gây thiệt hại cho các cổ đông thiểu số.

HĐQT là cơ quan quản trị cao nhất trong một công ty, bảo vệ lợi ích của công ty, tài sản của cổ đông, đảm bảo việc đầu tư thu lãi và mọi quyết định chiến lược hoạt động của doanh nghiệp phải bắt nguồn hoặc được phê duyệt bởi HĐQT.

Trên thực tế, quyền lực và vai trò của HĐQT có ảnh hưởng quan trọng đến các hoạt động của công ty, khiến cho thiết chế này xứng đáng được quan tâm liên tục, nhưng thông thường mọi sự chú ý, kiểm soát hoạt động của HĐQT chỉ xảy ra khi doanh nghiệp đó có vấn đề. Tại Việt Nam có hướng dẫn và quy tắc hoạt động của HĐQT, nhưng đó thường là quy trình tĩnh, mang nặng tính hình thức hơn là thực chất, đồng thời, chưa có một hệ thống quy tắc

đạo đức hoặc quy trình tương tự trong quản trị công ty để củng cố hệ thống giá trị của HĐQT. Quy trình lựa chọn thành viên HĐQT cũng chưa được xây dựng trong pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, trên thực tế tại nhiều doanh nghiệp, còn có sự lẫn lộn giữa vai trò của Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Trên thực tế, theo quan điểm quản trị hiện đại, Chủ tịch HĐQT độc lập với vai trò điều hành có thể bảo vệ lợi ích cổ đông tốt hơn bằng cách lãnh đạo HĐQT, trong khi Tổng giám đốc chỉ điều hành kinh doanh sẽ giúp loại trừ nhiều mâu thuẫn lợi ích.

Các quy trình hoạt động của HĐQT hiện phần lớn mang tính thủ tục, chưa trở nên nghiêm ngặt do chưa được luật hóa. Hoạt động giám sát của HĐQT chưa được mở rộng hơn, hạn chế ở các báo cáo quản lý và báo cáo tài chính. Quy trình giám sát rủi ro của HĐQT cũng chưa được rõ ràng. Đồng thời, giám sát của HĐQT đối với ban điều hành và đánh giá hiệu quả công tác dường như còn yếu. Ngoài ra, các ủy ban chuyên môn của HĐQT còn hình thức, hoạt động còn hạn chế, chưa tăng được tính hiệu quả và chức năng giám sát.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh pháp luật về quản trị công ty cổ phần ở việt nam và nhật bản (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)