Quyền của công ty du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy chế pháp lý của công ty du lịch ở việt nam (Trang 53 - 59)

2.2. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của công ty du lịch

2.2.1. Quyền của công ty du lịch

Quyền tự do kinh doanh, lựa chọn ngành nghề

Ngoài quyền tự do kinh doanh được quy định trong Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh lữ hành còn được cụ thể hóa trong các quy định của Luật Du lịch 2005. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có quyền:

1. Lựa chọn ngành, nghề kinh doanh du lịch; đăng ký một hoặc nhiều ngành, nghề kinh doanh du lịch.

2. Được nhà nước bảo hộ hoạt động kinh doanh du lịch hợp pháp. 3. Tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch; được đưa vào danh mục quảng bá chung của ngành du lịch.

4. Tham gia hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp về du lịch ở trong nước và ngoài nước [35, Điều 39].

Các công ty du lịch được tự do kinh doanh, lựa chọn ngành nghề, được nhà nước bảo hộ kinh doanh hợp pháp. Các quy định này tương đồng và thống nhất với các quy định tại Điều 7 về quyền của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014 rằng doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm”. Các quy định trên đã thể hiện được quan điểm của nhà nước về tự chủ, tự do kinh doanh của công ty trong lĩnh vực lữ hành. Bên cạnh đó, các công ty du lịch còn được nhà nước quan tâm hơn nữa khi quy định các công ty du lịch có quyền tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch; được đưa vào danh mục quảng bá chung của ngành du lịch, được tham gia hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp về du lịch ở trong nước và nước ngoài. Có thể hiểu, các công ty du lịch ngoài việc được tổ chức, tham gia các hoạt động về xúc tiến thương mại như “hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại” như quy định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Thương mại 2005 thì các công ty du lịch còn được nhà nước hỗ trợ và có quyền tổ chức, tham gia “hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch” theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Du lịch 2005. Việc quy định quyền tuyên truyền quảng bá, tham gia tổ chức, hiệp hội nghề của doanh nghiệp kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh lữ hành nói riêng nhằm giao lưu văn hóa, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới, phấn đấu

trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển (Quyết định 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”).

Tuy nhiên văn bản quy phạm pháp luật về ngành nghề kinh doanh lữ hành vẫn chưa thống nhất nên dẫn đến khó khăn trong việc đăng ký kinh doanh hoặc xin giấy phép đầu tư của doanh nghiệp. Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam quy định tại Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam chưa có mã ngành “kinh doanh lữ hành nội địa” và “kinh doanh lữ hành quốc tế”, mà chỉ có mã ngành “điều hành tour du lịch”. Trong khi đó Điều 43 Luật Du lịch 2005 quy định kinh doanh lữ hành bao gồm kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế, không có quy định về điều hành tour du lịch. Như vậy, ngành nghề kinh doanh lữ hành chưa được khớp với mã ngành kinh tế của Việt Nam. Việc này dẫn đến nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc ghi đúng mã ngành cần đăng ký khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhân đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh. Do đó, khi đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nhiều trường hợp hồ sơ được coi là không hợp lệ khi giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp không ghi cụ thể ngành nghề kinh doanh lữ hành quốc tế.

Công ty du lịch được tự do lựa chọn ngành nghề, có quyền tự chủ trong kinh doanh, kèm theo đó sẽ được Nhà nước bảo hộ hoạt động kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều chương trình du lịch mới được hình thành và phát triển trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì chưa được pháp luật điều chỉnh và bảo hộ, điển hình là chương trình du lịch kết hợp chữa bệnh. Theo báo cáo của Công ty Kiểm toán Deloitte - Tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ nghề nghiệp (professional services firm) hàng đầu thế giới, doanh thu du lịch khám chữa bệnh tại Châu Á có mức tăng trưởng

20-30%/năm, tạo ra thị trường 4 tỉ USD/năm, trong đó các nước Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và Malaysia đóng góp lớn nhất. Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang coi phát triển chương trình du lịch chữa bệnh là chủ trương lớn, nhưng hiện tại Nhà nước ta vẫn chưa quan tâm đúng mức. Khoản 1 Điều 4 Luật Du lịch 2005 quy định chỉ có các hoạt động “tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng” mới là hoạt động du lịch, từ đó dẫn đến các chương trình du lịch với mục đích tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghĩ dưỡng mới được coi là chương trình du lịch và sẽ được nhà nước bảo hộ, đầu tư phát triển. Các chương trình du lịch chữa bệnh không được coi là chương trình du lịch theo luật Việt Nam và sẽ không được quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước. Với trình độ phát triển về kỹ thuật y tế của Việt Nam, đặc biệt là y học dân tộc, đây là một chương trình du lịch có tiềm năng, sẽ bùng nổ phát triển nếu được đầu tư đúng mức. Do đó, loại hình du lịch chữa bệnh đang được pháp luật về du lịch điều chỉnh, cần Nhà nước có chính sách, qua đó phát triển kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh lữ hành nói riêng. ThS. Đoàn Hương Lan và ThS. Nguyễn Tư Lương đã có bài viết về “Du lịch chữa

bệnh tại Việt Nam” đăng trên Tạp chí Du lịch tháng 3/2013, bài viết đã phần

nào có cái nhìn khá bao quát và mới mẻ về du lịch chữa bệnh ở Việt Nam cũng như ở Châu Á, khẳng định vai trò của du lịch chữa bệnh trong ngành kinh tế Du lịch.

Quyền của công ty du lịch theo hợp đồng lữ hành

Thông qua các hợp đồng lữ hành, các công ty du lịch đã cung cấp các dịch vụ du lịch cho khách hàng, thể hiện sự ràng buộc giữa người tiêu dùng dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ trở nên có căn cứ pháp lý cao hơn. Việc ký kết các hợp đồng lữ hành căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của khách hàng và khả năng đáp ứng những nhu cầu đó của công ty du lịch. Mặt khác, cần phải căn cứ vào định hướng từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, và

các ban ngành chức năng đảm bảo cho hợp đồng được ký theo đúng quy định của pháp luật.

Khi xem xét ký kết hợp đồng thì các bên không thể không xem xét dựa vào nhu cầu của thị trường mà mình định ký kết. Để đảm bảo khả năng đáp ứng những nhu cầu của khách du lịch thì công ty du lịch cũng tự trang bị cho mình những khả năng về cơ sở vật chất kỹ thuật đội ngũ nhân lực hướng dẫn viên du lịch, trụ sở giao dịch, các phương tiện tàu thuyền, ôtô, xe khách, ngoài ra còn phải liên hệ với các cơ quan nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí để tổ chức chuyến đi cho khách hàng.

Trong quá trình giao kết hợp đồng, việc lựa chọn hình thức của hợp đồng có vai trò quan trọng đối với các bên. Các bên có thể tự do lựa chọn hình thức giao kết sao cho đơn giản phù hợp với điều kiện của các bên, chẳng hạn như nếu các bên có khoảng cách về địa lý có thể đàm phán giao kết hợp đồng thông qua điện thoại, telex, điện báo… nhằm đảm bảo tính kinh tế và hiệu quả cho các bên. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp đều có thể lựa chọn hình thức giao kết đơn giản được mà nó còn phụ thuộc vào tính chất phức tạp của hợp đồng. Đối với những hợp đồng có giá trị lớn, hoặc các điều khoản cần phải bàn bạc cụ thể chứ không thể thông qua phương tiện điện tử được thì bắt buộc phải được giao kết dưới hình thức văn bản để đảm bảo tính minh bạch chặt chẽ của hợp đồng và cũng là để đảm bảo quyền lợi cho các bên trong giao kết hợp đồng. Khoản 2 Điều 39 Luật Du lịch 2017 quy định: “Hợp đồng lữ hành phải được lập thành văn bản”, cho dù đó là những hợp đồng rất đơn giản được giao kết với một cá nhân tiêu dùng dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp hợp đồng được giao kết dưới hình thức lời nói vì đó là những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ du lịch của công ty và giữa các bên có sự tín nhiệm lớn; hoặc hợp đồng cũng không được ký kết dưới hình thức văn bản để giảm thiểu các thủ tục rườm rà, tránh gây

phiền phức cho đôi bên, và thực trạng này hiện nay tồn tại tương đối nhiều ở các công ty du lịch.

Hợp đồng dịch vụ du lịch được giao kết giữa một bên là cá nhân người tiêu dùng dịch vụ du lịch với một bên là pháp nhân công ty, hoặc giữa tập thể người tiêu dùng dịch vụ du lịch với pháp nhân công ty. Về cơ bản khi giao kết hợp đồng thì người tiêu dùng dịch vụ du lịch chủ yếu là nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt của mình, ít khi nhằm mục đích kinh doanh và không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Còn nhà cung cấp dịch vụ là các công ty du lịch thì khi cung cấp các dịch vụ này là nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, mục đích lợi nhuận được đặt lên hàng đầu vì trong quá trình tạo ra và đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì các công ty du lịch muốn tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Như vậy, việc giao kết hợp đồng dịch vụ du lịch được thực hiện giữa một bên là thương nhân và một bên không phải là thương nhân, nên việc áp dụng Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Nếu khách hàng đồng ý áp dụng Luật Thương mại thì Luật Thương mại sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng, còn nếu không hợp đồng sẽ được luật dân sự điều chỉnh [36, Điều 1].

Ngoài nội dung của hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự, hợp đồng lữ hành còn có những nội dung sau đây: mô tả rõ ràng số lượng, chất lượng, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch; Điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng; Điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng; Điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch (Khoản 3 Điều 39 Luật Du lịch 2017). Như vậy, điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch là điều khoản bắt buộc trong hợp đồng lữ hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều khoản này đang bị nhiều công ty du lịch xem nhẹ và chỉ xem là hình thức, hoặc một số trường hợp các công ty du lịch cố tình không để điều khoản này vào hợp

đồng. Trong trường hợp khách du lịch không để ý hoặc quá tin tưởng công ty du lịch, quyền lợi của khách du lịch sẽ bị ảnh hưởng nếu có tai nạn xảy ra trong chuyến du lịch.

Luật Du lịch 2005 quy định: “Khách du lịch mua chương trình du lịch

thông qua đại lý lữ hành thì hợp đồng lữ hành là hợp đồng giữa khách du lịch và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành giao đại lý, đồng thời có ghi tên, địa chỉ của đại lý lữ hành" [35, Điều 52, Khoản 4]. Với sự phát triển của ngành kinh

tế du lịch, số lượng đại lý du lịch mở ra ngày càng nhiều. Nhiều khách du lịch lựa chọn các chương trình du lịch của công ty du lịch thông qua đại lý du lịch, và sẽ kí kết hợp đồng lữ hành với công ty du lịch thông qua đại lý. Tuy nhiên, thực tế việc kí kết hợp đồng này diễn ra khá phức tạp khi khách du lịch mua chương trình du lịch thông qua đại lý du lịch, nhưng lại giao kết hợp đồng lữ hành với công ty du lịch. Chính sự phức tạp đó dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp khách du lịch mua chương trình du lịch thông qua đại lý lữ hành mà không hề kí kết hợp đồng lữ hành.

Ngoài các quyền trên, công ty du lịch còn có quyền “xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức thực hiện các dịch vụ du lịch, chương trình du lịch cho khách du lịch theo phạm vi kinh doanh quy định trong giấy phép” (Điều 37 Luật Du lịch 2017).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quy chế pháp lý của công ty du lịch ở việt nam (Trang 53 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)