1.2. Quy chế pháp lý của công ty du lịch
1.2.2. Yêu cầu đặt ra đối với quy chế pháp lý của công ty du lịch
Việc xây dựng quy chế pháp lý cho công ty du lịch trong hoạt động kinh doanh lữ hành là hết sức cần thiết. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích về đất đai, tín dụng đối với cá nhân đầu tư vào một số lĩnh vực du lịch. Cần có các quy định về các lĩnh vực nhà nước thực hiện và các lĩnh vực nhà nước hỗ trợ để phát triển du lịch, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác xúc tiến, quảng bá quốc gia, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch...
Thông qua việc xây dựng quy chế pháp lý của công ty du lịch ở Việt Nam, vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch nói chung và du lịch lữ hành nói riêng được đảm bảo bằng các chính sách khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích dân cư tham gia hưởng lợi từ du lịch, du lịch được xem như là công cụ để xóa đói giảm nghèo
Xây dựng quy chế pháp lý về công ty du lịch để xác định nội dung phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Cụ thể, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh lữ hành, về đại lý lữ hành, hợp đồng lữ hành; quy định về đảm bảo an toàn cứu hộ cho khách du lịch tham gia chương trình du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Quy chế pháp lý về công ty du lịch phải thể hiện là một bản cam kết giữa nhà nước với Nhân dân và việc thi hành Luật phải được thực hiện như là nhà nước thực hiện các cam kết quốc gia về du lịch. Theo hướng này, du lịch phải được phát triển bền vững và phát triển có trách nhiệm. Trên cơ sở đó, sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong quản lý du lịch cần phải được xử lý nghiêm minh.
Cần tiến hành rà soát, củng cố lại hệ thống văn bản pháp luật về du lịch, chấn chỉnh lại công tác áp dụng pháp luật theo hướng nhất quán, tránh quản lý và áp dụng pháp luật một cách manh mún, cục bộ, làm phá vỡ tính pháp chế. Xây dựng nhà nước pháp quyền, không thể coi nhẹ tính pháp chế. Theo hướng này, chỗ nào làm chưa đúng thì phải mạnh dạn khắc phục và tổ chức lại cho đúng.
Đặc biệt, quy chế pháp lý về công ty du lịch đòi hỏi sự đặc thù bởi công ty du lịch là một loại hình công ty đặc thù kinh doanh du lịch lữ hành. Để tránh vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật trong hoạt động của công ty du lịch, hệ thống quy phạm pháp luật du lịch cần hoàn thiện những quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh, thủ tục đăng kí kinh doanh, cơ cấu tổ chức hoạt động, chấm dứt hoạt động kinh doanh du lịch,...Ngoài ra quy chế của công ty du lịch trong hợp đồng lữ hành, hợp đồng đại lý lữ hành; quy chế công ty du lịch là thành viên của các Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành cần được bổ sung và hoàn thiện một cách có hệ thống, thuận tiện trong việc áp dụng, bù đắp lỗ hổng của pháp luật du lịch [33].