2.1. Các quy định về điều kiện kinh doanh lữ hành, giấy phép
2.1.2. Về giấy phép kinh doanh
Việc Nhà nước thiết lập hệ thống những cơ quan đăng ký kinh doanh với sự phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của những cơ quan này có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự thống nhất, không chồng chéo trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi phải tiếp xúc với các cơ quan công quyền trong việc đăng ký kinh doanh. Thông qua đó, nhà nước cũng có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải xây dựng một hệ thống cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh tập trung, thống nhất, liên thông từ cơ quan trung ương đến địa phương, có như vậy mới tạo được sự thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Nhân lực của các cơ quan đăng kí kinh doanh còn thiếu, chuyên môn chưa đủ đáp ứng nhu cầu và chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị kĩ thuật hiện đại để có thể đáp ứng được nhu cầu đăng ký kinh doanh lữ hành đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Từ đó nhận thấy, cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ để hình thành một đội ngũ đăng ký viên có trình độ chuyên môn giỏi và có ý thức chấp hành pháp luật tốt. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị làm việc cho đội ngũ nhân viên ở các văn phòng đăng ký kinh doanh để có thể thiết lập và lưu trữ một hệ thống dữ liệu chính xác, đầy đủ về đăng ký kinh doanh phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Các văn bản pháp luật quy định về thẩm quyền đăng ký kinh doanh hiện nay còn nhiều thiếu sót. Nghị định số 37/2003/NĐ-CP ngày 10/04/2003 của Chính phủ mới chỉ qui định về xử lý vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp mà chưa đề cập đến vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký kinh doanh và việc xử lý hành vi vi phạm đó như thế nào. Việc thiết lập các chế tài nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động đăng ký kinh doanh là rất cần thiết, phần nào giảm thiểu tình trạng thủ tục rườm rà, phiền hà sách nhiễu do các cơ quan nhà nước mang lại cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Hoạt động đăng ký kinh doanh đúng thẩm quyền, đúng pháp luật sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển.
Hệ thống đăng kí kinh doanh lữ hành ở nước ta vẫn còn cồng kềnh và mang tính manh mún, kém hiệu quả gây nhiều phiền nhiễu cho các doanh nghiệp. Việc đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động quản lý của nhà nước, của rất nhiều cơ quan trong lĩnh vực kinh tế, do vậy đòi hỏi có sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong việc xem xét, giải quyết các yêu cầu của các cá nhân, tổ chức.
Về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; Bản sao giấy đăng ký kinh doanh, phương án kinh doanh lữ hành, chương trình du lịch cho khách quốc tế, giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành, bản sao thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng của hướng dẫn viên với công ty du lịch, giấy chứng nhận tiền ký quỹ. Công ty gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đến cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh hoàn thành việc thẩm định hồ sơ và gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương để xem xét, cấp giấy phép; trường hợp không đủ tiêu chuẩn để đề nghị cấp giấy phép thì cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho doanh nghiệp biết;
Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ và văn bản đề nghị của cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương có trách nhiệm xem xét, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho công ty; trường hợp từ chối cấp giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh và doanh nghiệp biết [35, Điều 48]
Về nội dung giấy phép kinh doanh lữ hành
Nội dung giấy phép kinh doanh lữ hành của công ty du lịch bao gồm các nội dung sau: Tên doanh nghiệp;địa chỉ trụ sở chính, email, website, điện thoại, fax của công ty; số tài khoản ký quỹ và ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh lữ hành; phạm vi kinh doanh lữ hành; họ, tên, giới tính, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, số thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của công ty; số giấy phép, ngày, tháng năm cấp giấy phép;
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu giấy phép kinh doanh lữ hành thống nhất trên toàn quốc. Cơ quan cấp giấy phép sau khi cấp, đổi, cấp lại, đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành cho doanh nghiệp phải cập nhật thông tin của doanh nghiệp vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử về doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.
Về phí cấp giấy phép kinh doanh lữ hành
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành phải nộp phí theo quy định của pháp luật hiện hành.Việc thu, nộp phí cấp, đổi,
cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được cấp theo phạm vi kinh doanh
Tùy thuộc vào phạm vi kinh doanh mà công ty du lịch quốc tế sẽ được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Bao gồm: kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam; kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài; kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài [35, Điều 47].
Các trường hợp không cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh lữ hành trái pháp luật đã bị xử phạt hành chính về hành vi đó trong thời gian chưa quá mười hai tháng tính đến thời điểm đề nghị cấp giấy phép; Doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong thời gian chưa quá mười hai tháng tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép [35, Điều 47].
Sáu là, thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành
Đây là thủ tục mới được quy định trong Điều 36 Luật Du lịch 2017. Có nhiều lý do dẫn đến việc các công ty du lịch bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành như: doanh nghiệp chấm dứt hoạt động; doanh nghiệp không đáp ứng một trong các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; doanh nghiệp không kinh doanh lữ hành trong mười hai tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan cấp giấy phép; doanh nghiệp không gửi báo cáo hoạt động kinh doanh lữ hành đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh lữ hành trong thời gian 12 tháng liên tục; doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định về áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch, gây thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng của khách du lịch; doanh nghiệp vi phạm quy định về phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức
khác hoặc cho người khác sử dụng tư cách pháp nhân của mình để hoạt động kinh doanh; lợi dụng chức vụ quyền hạn nhận hối lộ, sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch, khách du lịch; giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành; không đổi giấy phép theo quy định [35, Điều 47].
Có hai trường hợp công ty du lịch bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành: trường hợp công ty chấm dứt kinh doanh lữ hành khi công ty chấm dứt hoạt động và các trường hợp còn lại. Quy trình thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành được tiến hành như sau:
Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, thủ tục thu hồi giấy phép: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành theo mẫu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kèm theo giấy phép kinh doanh lữ hành đã được cấp và báo cáo về các hợp đồng lữ hành đang còn hiệu lực, phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng lữ hành còn hiệu lực đến cơ quan cấp giấy phép; Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ do doanh nghiệp gửi đến, cơ quan cấp giấy phép ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành đối với doanh nghiệp, gửi quyết định thu hồi giấy phép cho doanh nghiệp; Cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, du lịch, thuế, đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và công bố thông tin doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trên trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ; Sau khi hoàn thành trách nhiệm đối với khách du lịch theo các hợp đồng lữ hành đã ký kết, doanh nghiệp báo
cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép về việc hoàn thành trách nhiệm kèm theo các tài liệu chứng minh việc hoàn thành các trách nhiệm đó. Cơ quan cấp giấy phép xem xét và có văn bản để doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định.
Thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành đối với các trường hợp còn lại: Cơ quan cấp giấy phép thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản giải trình; Sau 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn giải trình, doanh nghiệp không gửi văn bản giải trình hoặc giải trình không phù hợp, cơ quan cấp giấy phép ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành của doanh nghiệp, gửi quyết định thu hồi giấy phép cho doanh nghiệp; Cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, du lịch, thuế, đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và công bố thông tin doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép trên trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, doanh nghiệp phải nộp lại giấy phép đã được cấp cho cơ quan cấp giấy phép và báo cáo về các hợp đồng lữ hành đang còn hiệu lực, phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng lữ hành còn hiệu lực; Sau khi hoàn thành trách nhiệm đối với khách du lịch theo các hợp đồng lữ hành đã ký kết, doanh nghiệp báo cáo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép về việc hoàn thành trách nhiệm kèm theo các tài liệu chứng minh việc hoàn thành các trách nhiệm đó. Cơ quan cấp giấy phép xem xét và có văn bản để doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ theo quy định của pháp luật.
Về đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
Công ty du lịch được phép đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong các trường hợp: thay đổi phạm vi kinh doanh lữ hành quốc tế; thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; thay đổi tên doanh nghiệp, tên giao dịch, tên viết tắt của doanh nghiệp; thay đổi loại hình doanh nghiệp.
Hồ sơ đề nghị đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế bao gồm: Đơn đề nghị đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đã được cấp cho doanh nghiệp; Giấy tờ liên quan đến các nội dung quy định .
Thủ tục đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được quy định như sau: Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có sự thay đổi một trong các nội dung quy định ở trên, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đến cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương; Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương có trách nhiệm xem xét, đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh biết [35, Điều 49].
Sự ra đời của Luật Du lịch 2005 là bước ngoặt lớn đối với ngành kinh doanh du lịch, đóng góp vai trò to lớn trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và kinh doanh lữ hành nói riêng. Trong khi chờ các văn bản hướng dẫn Luật, Tổng cục Du lịch đã có Công văn số 324/TCDL-LH thông báo tạm dừng cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, với lý do chờ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 92/2007 (văn bản quy phạm pháp luật do Tổng cục Du lịch chủ trì soạn thảo theo chỉ đạo của Bộ chủ quản). Sau khi có nhiều ý kiến của các cơ sở quản lý và doanh nghiệp du lịch, Tổng cục Du lịch lại ký văn bản 345/TCDL-LH thông báo tiếp tục cấp phép trở lại cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc tạm dừng này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của các công ty du lịch gửi hồ sơ và các thủ tục thẩm định xin cấp phép.
Từ đầu năm 2006, ngành du lịch đã ngừng cấp mới, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định 92/2007/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 7/2007 thì việc cấp giấy
phép cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam đã phân cấp cho sở quản lý du lịch địa phương, nhưng các sở du lịch đều chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể các mẫu chuẩn trong việc cấp phép, lệ phí cấp phép. Điều này gây khó khăn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập văn phòng đại diện, nhằm nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh hoặc đôn đốc thực hiện hợp đồng ký kết với đối tác nước Việt Nam.
Khoản 1 Điều 46 Luật Du lịch 2005 quy định điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế phải “có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương cấp”. Trên thực tế, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc công ty lữ hành quốc tế đã bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh, bao gồm cả việc ký quỹ đặt cọc để bảo đảm việc đền bù cho khách du lịch nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật. Đối với công ty lữ hành nội địa không yêu cầu phải có giấy phép và không phải ký quỹ đặt cọc (căn cứ vào quy định tại Điều 44 Luật Du lịch 2005). Như vậy, sự không đồng bộ với hệ thống pháp luật và ngay chính bản thân các quy định của Luật Du lịch 2005 đã tạo nên sự không công bằng giữa các công ty kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa.