Về giải quyết tranh chấp đối với lao động giúp việc gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật lao động giúp việc gia đình và thực tiễn thi hành tại thành phố hà nội (Trang 58 - 60)

2.1. Thực trạng quy định của pháp luật về lao động giúp việc

2.1.3. Về giải quyết tranh chấp đối với lao động giúp việc gia đình

Khi xảy ra tranh chấp giữa NSDLĐ và NLĐ hoặc giữa NLĐ với thành viên trong hộ gia đình, thì NLĐ trước tiên là thương lượng giải quyết. Khi không thống nhất được có thể yêu cầu hòa giải viên lao động hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp LĐ cá nhân.

Theo quy định tại khoản 1 điều 201 BLLĐ thì tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động là một trong các trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, quy định như trên đồng nghĩa là không giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa LĐGVGĐ với NSDLĐ cho hòa giải viên lao động. Đây thực sự là một thiếu sót bởi việc không quy định bắt buộc thì một trong hai bên có thể kiện thẳng ra Tòa án để giải quyết.

Bởi lẽ, mối quan hệ giữa LĐGVGĐ và NSDLĐ có tính chất đặc biệt, mang tính cá nhân khép kín. Do đó khi xảy ra tranh chấp quyền lợi dễ dẫn đến việc “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” do đó nhiều khi chưa rõ nguyên nhân từ phía nào, lỗi do ai thì hàng xóm láng giềng đã biết. Theo tâm lý đám đông, chuyện “bé xé ra to” khiến cho mọi thứ phức tạp, do đó khó giải quyết được mâu thuẫn dẫn đến những hậu quả khó lường. Nếu lúc này, hai bên không thương lượng được dẫn nhau ra tòa để giải quyết thì thực sự chưa phải là sự lựa chọn cần thiết. Có nhiều trường hợp bỏ qua một sự lựa chọn giải quyết có nhiều ưu điểm như hòa giải với sự tham dự của bên thứ 3; quá trình hòa giải không chịu sự chi phối bởi các quy định có khuôn mẫu, bắt buộc của pháp luật về thủ tục hòa giải; kết quả hòa giải hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào đảm bảo thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hòa giải. Thủ tục hòa giải được tiến hành nhanh gọn không gò bó và tiết kiệm được thời gian. Chi phí thấp. Các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn bất kỳ người nào làm trung

gian hòa giải cũng như địa điểm tiến hành hòa giải do đó có thể tìm một trung gian hòa giải có hiểu biết chuyên môn về vấn đề đang tranh chấp; Hòa giải mang tính thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các mối quan hệ lao động vì lợi ích của cả hai bên nên nhìn chung ít gây hại đến quan hệ hợp tác của các bên. Với những đặc tính ưu việt và phù hợp với đặc thù mối quan hệ giúp việc gia đình, thiết nghĩ nên quy định bước hòa giải là bắt buộc trong giải quyết tranh chấp giữa “gia chủ” và LĐGVGĐ.

Ngoài ra, 41/100 trường hợp cho biết từng có bất đồng giữa chủ và người GVGĐ, phần lớn các bất đồng được hai bên tự giải quyết, số phải đưa ra chính quyền không nhiều, số đưa ra tòa án để giải quyết thì lại càng không bởi xuất phát từ việc không có căn cứ xác định mối quan hệ như hợp đồng lao động do chủ yếu là hợp đồng bằng lời nói. Hơn nữa trình độ hiểu biết của NLĐGVGĐ còn hạn chế bởi vậy họ có tâm lý “ ngại” đấu tranh đòi quyền lợi mà thường cam chịu vì nghĩ mình phận người ở nên “thấp cổ bé họng”.

Theo thống kê của các cơ quan tư pháp thì phần lớn án lao động liên quan đến sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng, tranh chấp về bảo hiểm, tiền lương, tiền thương, còn tranh chấp liên quan đến lao động giúp việc thì không có. Nếu có liên quan đến NLĐ giúp việc gia đình thì sẽ là án hình sự về tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích nhưng số lượng thống kê chính thức thì không có, chỉ những vụ việc được gia chủ trình báo hoặc nguồn tin báo nhân dân với cơ quan chức năng thì mới được đưa ra ánh sáng.

Ví dụ Vụ Nguyễn Thị Thơm; sinh năm 1990; HKTT: thôn 1, Trực Mỹ, xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nơi ở: số 42 vườn hoa 1/6, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Nghề nghiệp: giúp việc. Bị cáo Nguyễn Thị Thơm đã 03 lần có hành vi chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lén lút đối với chị Phạm Xuân Anh. Thơm thực hiện hành vi phạm tội

với tổng giá trị tài sản là 403.100.000đ. Trong đó có 01 lần bị cáo chiếm đoạt tài sản có giá trị trên 200.000.000đ. Bản án hình sự sơ thẩm số 451/2014/HSST ngày 25/12/2014 của tòa án nhân dân quận Đống Đa xử phạt Nguyễn Thị Thơm 08 năm tù [34].

Vụ Trần Thị Tuyết Minh;sinh năm 1964, trú ở ngõ 95 Kim Mã - phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, phạm tội Cố ý gây thương tích. Nạn nhân của bà Minh là bà Phạm Thị Phương làm giúp việc cho nhà chủ với mức lương 1,5 triệu đồng/ tháng, ở Ứng Hòa, Hà Nội. Bị cáo Tuyết Minh có hành vi ngược đãi bà Phương bằng các hành vi bắt ăn phân, đánh đập, xả nước sôi vào người. Bị cáo Minh bị xét xử 18 tháng tù giam đồng thời phải bồi thường cho bà Phương số tiền 120.000.000đ [28].

Qua ví dụ trên, cho thấy các tranh chấp liên quan đến lao động GVGĐ hiện nay chủ yếu được phát hiện và xử theo chế tài luật hình sự. Ngoài ra các tranh chấp khác về tiền lương, về chế độ làm việc có thể giải quyết theo quy định luật dân sự và luật lao động nhưng chưa được quan tâm áp dụng trên thực tế bởi chính những đặc điểm rất riêng của loại hình lao động GVGĐ như sự thỏa thuận của các bên là tối thượng hay có những NLĐ GVGĐ không coi việc ký hợp đồng bằng văn bản là cơ sở quan trọng để được giải quyết khi xảy ra mâu thuẫn dẫn đến sự phát triển kém bền vững của loại hình lao động này hoặc do các bên chưa nắm rõ các quy định liên đến quyền và nghĩa vụ của chính họ, bởi vậy mà thiếu căn cứ để giải quyết khi có tranh chấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật lao động giúp việc gia đình và thực tiễn thi hành tại thành phố hà nội (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)