Phân loại lao động giúp việc gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật lao động giúp việc gia đình và thực tiễn thi hành tại thành phố hà nội (Trang 25 - 29)

1.1. Quan niệm về lao động giúp việc gia đình

1.1.3. Phân loại lao động giúp việc gia đình

Một là, lao động theo công việc được đảm nhiệm như: chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, chăm sóc gia đình… lau dọn nấu bếp, trông trẻ, chăm sóc người già, làm vườn, quản gia, bảo vệ.

Định nghĩa trên của ILO năm 2011 thì thuật ngữ “lao động giúp việc gia đình” dùng để chỉ rất nhiều loại công việc khác nhau liên quan đến 2 lĩnh vực quan trọng là: chăm sóc gia đình và công việc gia đình. Danh sách công việc cụ thể mà người lao động GVGĐ đảm nhận thuộc các nhóm công việc: Quản gia, nấu ăn, chăm sóc trẻ em, chăm sóc thành viên trong gia đình, bảo vệ, trông coi nhà cửa, làm vườn [30, tr. 2].

Ở Mỹ, Quy chế tiền lương của bang California đưa ra những ví dụ về những nghề trong hộ gia đình” (bầu bạn, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, bảo mẫu, chăm sóc bệnh nhân..vv), trong khi “người phục vụ cá nhân” là những người được một chủ hộ gia đình hoặc người sử dụng lao động của bên thứ ba được pháp luật công nhận trong ngành công nghiệp chăm sóc thuê để làm việc trong hộ gia đình nhằm hỗ trợ người già hoặc những người khuyết tật vận động hoặc tinh thần cần được giám sát.

Pháp luật ở một số nước quy định những danh mục các nhiệm vụ mà người LĐGVGĐ có thể thực hiện, mà không liệt kê chúng trong các phân nhóm nghề riêng biệt. Costa Rica. Điều 139 của Nghị định No. 1910-G of 1999 liệt kê dọn dẹp, nấu ăn, là quần áo, giặt giữ và trợ giúp. Italy. CCN. Điều 10,

liệt kê dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu bếp, dọn dẹp, chuồng ngựa và chăm sóc ngựa, giúp đỡ các động vật trong nhà, chăm sóc trẻ sơ sinh, phối hợp đa chức năng trong hộ gia đình bao gồm dọn dẹp, giặt giũ, nấu ăn, giúp đỡ động vật, bảo vệ an ninh trong hộ gia đình, là quần áo, phục vụ bàn ăn, làm vườn, lái xe, trợ giúp những người tự phục vụ, trợ giúp những người bị khuyết tật, lái xe, nấu bếp quản lý tài sản của tổ tiên để lại, hành động giống một người quản gia. Thỏa ước tập thể của Pháp quy định đặc biệt chi tiết đối với công việc khi chăm sóc trẻ em (chuẩn bị các bữa ăn, giặt là, mặc quần áo, lau chùi vệ sinh, dẫn đi chơi và làm bạn với trẻ, dọn dẹp các phòng ngủ, nhà tắm và nhà bếp, và đóng góp vào sự phát triển của trẻ) [30].

Nhìn chung trong hệ thống chính sách luật pháp của các nước trên thế giới, đối tượng LĐGVGĐ được điều chỉnh bao gồm những người thực hiện các công việc của hộ gia đình hoặc làm việc giống như người chăm sóc, nấu ăn, làm vườn hoặc người giặt là, bao hàm cả những người sống cùng gia đình chủ và những người không sống cùng gia đình chủ (Philippines), hay người LĐGVGĐ bao gồm người trông nom nhà cửa, người chăm sóc trẻ em, người trông nom người già và người ốm, hoặc bất kỳ ai được thuê để làm việc trong nhà/việc nhà (bang New York).

Tại Việt Nam, hoạt động GVGD cũng được quy định trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 10/2007/QĐ- TTg ngày 23/01/2007. Tuy nhiên trong danh mục nghề quốc gia được các Bộ, ngành xây dựng thì nghề GVGĐ vẫn chưa được bổ sung. Các cơ quan chuyên môn cũng đang nghiên cứu để đưa ra được danh mục các nhiệm vụ tối thiểu mà người LĐGVGĐ cần thực hiện.

Hai là, lao động theo thời gian làm việc.

Xét về tiêu chí thời gian làm việc thì lao động GVGĐ có thể phân làm hai loại: Giúp việc gia đình có xác định thời gian và giúp việc gia đình không xác định thời gian.

- Lao động GVGĐ làm việc theo hình thức không xác định thời gian: Trong loại hình lao động này, NLĐ thường ở chung với chủ nhà, được chủ nhà nuôi ăn, nuôi ở và được trả lương theo tháng. Do khác nhau về lối sống, về văn hóa vùng miền nên khi tham gia hoạt động lao động này có thể nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp giữa NLĐ và NSDLĐ. Ngoài ra, những NLĐ cũng là đối tượng bị xâm phạm và lợi dụng sức lao động do họ có lúc vừa làm vừa được nghỉ ngơi nhưng có khi làm việc bất chợt theo yêu cầu của chủ nhà. Cũng vì do đặc thù công việc, nên thời gian làm việc của NGV thường dài hơn 8h/ngày đối với NGV không ở cùng gia chủ. Kết quả khảo sát của GFCD, 2012 cho thấy, tỷ lệ số NGV có thỏa thuận về thời gian làm việc với gia chủ là 30,8%. Trong đó, 61,1% NGV cho biết họ làm nhiều hơn 8h/ngày và 35% số NGV cho rằng họ làm việc trên 10h/ngày. Theo kết quả nghiên cứu “Việc làm bền vững đối với LĐGVGĐ ở Việt Nam”, ILO, 2011, có 22,6% NGV có thời gian làm việc vào cả ban ngày và ban đêm và 7,7% NGV làm việc vào ban ngày song phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng làm việc vào ban đêm. Tính trung bình số giờ làm việc ban ngày của NGV là 10.30h/ngày, thời gian làm việc ban đêm là khoảng 0.30h.

- Lao động GVGĐ làm việc theo hình thức xác định thời gian:

Người LĐGVGĐ còn có thể làm việc theo giờ thỏa thuận, điều đó có nghĩa là họ không ở chung với gia chủ. Hình thức làm việc này hiện nay cũng rất được ưa chuộng bởi những ưu điểm rõ rệt đem lại cho cả NLĐ &NSDLĐ như hạn chế mâu thuẫn và xung đột cho cả 2 bên. Công việc thực hiện được yêu cầu rõ ràng, chi phí trả cho người giúp việc thấp vì các gia đình chỉ thanh toán theo giờ hay khối lượng công việc. NSDLĐ dễ dàng tìm người GVGĐ phù hợp theo yêu cầu. NLĐ có thể cũng một lúc thực hiện công việc cho nhiều hộ gia đình khác nhau, tuy nhiên khó khăn của họ là thuê chỗ ở ổn định để làm việc [17, tr. 17].

Ba là, lao động một gia đình hoặc nhiều hộ gia đình.

Người LĐGVGĐ có thể chọn lựa cách làm việc tại một hộ gia đình hoặc nhiều hộ gia đình theo hình thức hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hoặc hàng tháng. Thực tiễn đã chỉ ra rằng LĐGVGĐ theo giờ ở nhiều hộ gia đình là loại hình đang được ưa chuộng bởi những mặt tích cực mà nó đem lại, hạn chế được nhiều rủi ro. Cụ thể, không ít gia đình tránh được xích mích khi có osin sống chung do khác biệt văn hóa, cách sinh hoạt... Ngoài ra, trường hợp osin ăn cắp, dẫn đối tượng trộm cắp vào nhà rất ít xảy ra khi osin không ở lại. Đối với người LĐGVGĐ dễ tránh được những nguy hiểm như lạm dụng tình dục, lạm dụng thời gian làm việc, bị cưỡng bức bóc lột khi làm việc. Tăng cường trách nhiệm của 2 bên khi tham gia quan hệ này.

Bốn là, lao động dựa trên mối quan hệ việc làm.

Người LĐGVGĐ sống cùng gia đình chủ; Người LĐGVGĐ không sống cùng gia đình chủ nhưng vẫn làm việc toàn thời gian; Người LĐGVGĐ làm theo giờ. Đối với 3 nhóm giúp GVGĐ này, điều kiện sống và làm việc của người lao động theo các nhóm khác nhau là khác nhau. Hình thức chủ yếu là người LĐGVGĐ sống cùng gia chủ để tiện thực hiện các công việc bất cứ khi nào đồng thời cũng hạn chế những chi tiêu cho người LĐGVGĐ như tiền nhà thuê, tiền ăn uống chi phí đi lại vì đã được gia chủ “ đại thọ”. Nhưng hiện nay, khi mà nhu cầu về loại hình lao động nay có xu hướng ngày càng tăng thì những bất cập đã bộc lộ, thực tế đã chỉ ra loại hình giúp việc theo giờ đang chiếm ưu thế bởi những ưu điểm về giảm chi phí cho gia chủ, hạn chế sự tiếp xúc mâu thuẫn mà nhu cầu của 2 bên vẫn được đáp ứng.

Năm là, phân loại theo nguồn cung cấp người lao động giúp việc gia đình

Căn cứ vào nguồn cung cấp người lao động GVGĐ có 04 nguồn lao động như sau:

- Qua bà con, họ hàng ở quê;

- Qua bạn bè, người thân;

- Qua quảng cáo hoặc gặp gỡ ngẫu nhiên.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ người lao động tìm việc làm qua trung tâm giới thiệu việc làm chỉ chiếm 6,2% (IFGS). Thực tế cho thấy, qua bạn bè/người quen giới thiệu là chủ yếu, cả người lao động và người sử dụng đều thấy có sự tin tưởng nhau hơn trong quan hệ lao động, cả hai bên sẽ biết được những thông tin cơ bản về nhau như gia cảnh, nhân thân, công việc phải làm, mức lương,…. mà những thông tin này khó được đảm bảo qua các cơ sở giới thiệu việc làm. Thứ hai, với tâm lý làm việc tạm thời, nhiều người lao động không muốn sự ràng buộc khi tìm việc qua các cơ sở giới thiệu việc làm (phải nộp hồ sơ xin việc hoặc bản photo giấy tờ tùy thân).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật lao động giúp việc gia đình và thực tiễn thi hành tại thành phố hà nội (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)