1.2. Sự điều chỉnh của pháp luật đối với lao động giúp việc gia đình
1.2.1. Khái niệm và vai trò của pháp luật về lao động giúp việc gia đình
- Khái niệm pháp luật lao động giúp việc gia đình:
Là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa người lao động là người giúp việc gia đình và người sử dụng lao động về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiêu chuẩn lao động,an toàn lao động, vệ sinh lao động, kỉ luật lao động, trách nhiệm vật chất và giải quyết tranh chấp lao động.
- Vai trò của pháp luật đối với lao động giúp việc gia đình
Thứ nhất, pháp luật là phương tiện chính thức hóa các giá trị xã hội của quyền con người nói chung và quyền của người lao động GVGĐ nói riêng.
Các quyền trên khi được luật hóa cũng chính là sự thừa nhận chính thức của xã hội; được bảo vệ và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước và mang tính bắt buộc chung; không có sự thừa nhận này thì quyền của người
lao động GVGĐ chưa thực sự trở thành quyền của họ. Sự xuất hiện những quy định về lao động GVGĐ trong Bộ luật lao động Việt Nam năm 2012 chính là sự chuẩn phê một cách chính thức lao động GVGĐ chính là một nghề trong xã hội, các quan hệ phát sinh từ loại hình lao động này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về lao động GVGĐ đã được quy định trong BLLĐ năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ hai, pháp luật là công cụ pháp lý sắc bén của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người lao động GVGĐ.
Cùng với những quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Hiến pháp năm 2013, Nghị định số 27/2014/NĐ-CP được ban hành là một trong những quyết sách đúng đắn, kịp thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với một trong những lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội - lĩnh vực lao động, việc làm. Đồng thời củng cố thêm hành lang pháp lý cụ thể hơn một số quyền của NLĐGVGĐ, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa NLĐGVGĐ và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định. Cụ thể: trong quy định tại BLLĐ không có quy định riêng về quyền của NLĐ nhưng từ quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ đối với NLĐ có thể thấy rõ quyền của người GVGĐ như được NSDLĐ thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã giao kết trong HĐLĐ; được trả khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; NSDLĐ phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của NLĐ trong gia đình; NLĐ được tham gia học văn hóa, học nghề, được bố trí chỗ ăn, ở, sạch sẽ, hợp vệ sinh; được trả tiền tàu xe đi đường khi thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Đồng thời, có thể thấy quy định của pháp luật hiện nay đối với lao động GVGĐ đã đảm bảo đúng tính thần của mục tiêu an sinh xã hội là “Tăng cường tính bình đẳng trong thị trường lao động thông qua hỗ trợ tốt hơn người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương tham gia đào tạo, có việc
làm, nâng cao điều kiện làm việc và cải thiện cuộc sống, mở rộng tỷ lệ tham gia bảo hiểm tự nguyện” (Mục tiêu số 1 – Chiến lược An sinh xã hội Việt Nam
giai đoạn 2011 – 2020) góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, văn minh,
không có sự loại trừ, phân biệt, đảm bảo sự đoàn kết, chia sẻ và tương trợ cộng đồng đối với các lĩnh vực của đời sống, thúc đẩy sự đồng thuận, bình đẳng và công bằng xã hội…
Thứ ba, pháp luật là cơ sở để đảm bảo việc thực hiện các cam kết giữa NSDLĐ và người lao động GVGĐ.
Bộ luật Lao động năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013, lần đầu tiên giúp việc gia đình được công nhận là một nghề và được luật hóa, giúp cải thiện điều kiện, chế độ làm việc cho người lao động, đồng thời bảo vệ quyền của họ và cả người sử dụng lao động.
Bộ luật đã bổ sung nhiều quy định như người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người GVGĐ. Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày. Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời gian làm việc hằng ngày, chỗ ở. Người GVGĐ sẽ được đảm bảo về quyền lợi cũng trên cơ sở pháp lý vững chắc. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động yên tâm khi giải quyết mâu thuẫn khi có tranh chấp xảy ra vì có cơ sở về thông tin người lao động, có căn cứ đòi bồi thường khi người GVGĐ làm hỏng đồ đạc.. Những quy định này thực sự là bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể trong quan hệ lao động GVGĐ, tạo cơ sở đảm bảo việc thực hiện các cam kết của các bên.
Thứ tư, pháp luật là cơ sở để quan hệ lao động giúp việc gia đình phát triển bền vững.
Việc luật hóa các quy định liên quan đến lao động GVGĐ bằng những điều khoản cụ thể đã tạo cơ sở pháp lý cho loại hình lao động này, việc thực thi những quy định này một cách nghiêm túc sẽ góp phần tạo sự ổn định và phát triển bền vững trong loại hình lao động GVGĐ. Khi quyền và lợi ích của các chủ thể được đảm bảo thì NLĐGVGĐ sẽ yên tâm làm việc, nhận thấy đây là một nghề chính thức mà hết lòng phấn đấu hoàn thành công việc, từng bước nâng cao chất lượng tay nghề đáp ứng được những nhu cầu ngày càng phong phú trong xã hội hiện đại; đối với các gia chủ khi nhận thức của họ cũng coi đây là một nghề thì sẽ có thái độ phù hợp, tôn trọng NLĐ, hợp tác có thiện chí giúp cho mối quan hệ giữa chủ nhà và “ô sin” tốt đẹp và bền vững hơn.
Như vậy, chúng ta thấy pháp luật về lao động GVGĐ có vai trò hàng đầu trong việc bảo vệ quyền của người lao động GVGĐ. Để phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của pháp luật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động GVGĐ và gia chủ thì cần tìm hiểu thực trạng các quy định này đi vào đời sống như thế nào? Có cần những giải pháp gì để hoàn thiện hơn trên thực tế khi thi hành; giúp cho loại hình này ngày càng phát triển bền vững.