Căn cứ xác định TTM được bảo hộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 03 (Trang 51 - 54)

2.2. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công

2.2.1. Căn cứ xác định TTM được bảo hộ

Về nguyên tắc, để xác định một hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật SHTT hay không, đầu tiên phải xác định xem đối tượng mà hành vi đó xâm phạm đến có phải là đối tượng được bảo hộ bởi pháp luật SHTT hay không. Vì thế, trong quá trình xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM, việc đầu tiên phải xem xét đến đó là xem xét các căn cứ xác định TTM được pháp luật SHCN bảo hộ.

Theo quy định tại Điều 6.4 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP thì đối với TTM, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng TTM đó. Theo đó, việc xác định một đối tượng được bảo hộ với tư cách là TTM cần căn cứ vào quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ mà đối tượng đó được đưa vào sử dụng.

Khác với nhóm đối tượng SHCN xác lập quyền SHCN thông qua cơ chế đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó thời hạn bảo hộ được ấn định chính xác trong văn bằng bảo hộ và đối với một số đối tượng SHCN, để được gia hạn thời hạn bảo hộ quyền theo một khoảng thời gian nhất định theo quy định, chủ thể quyền phải thực hiện việc nộp lệ phí để duy trì hiệu lực của văn bằng bảo hộ, đối với TTM thì thời hạn bảo hộ quyền SHCN đối với TTM không bị ấn định trong một khoảng thời gian cụ thể nào, cũng không phải thông qua thủ tục hành chính hay cơ quan hành chính nào để gia hạn thời hạn bảo hộ quyền SHCN đối với TTM đó mà quyền SHCN đối với TTM của chủ sở hữu được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng TTM trong hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu.

Quá trình sử dụng TTM của chủ sở hữu được thể hiện dưới rất nhiều phương thức khác nhau (trong các hoạt động điều hành, quản lý nội bộ của chủ sở hữu TTM – nếu là tổ chức, pháp nhân; trong các giao dịch với đối tác, bạn hàng, khách hàng, người tiêu dùng, người lao động....) và được thực hiện

bởi nhiều chủ thể khác nhau: không chỉ riêng chủ sở hữu TTM mà còn là hoạt động của người đại diện hợp pháp (theo pháp luật, theo ủy quyền) của chủ sở hữu. Tất cả các hoạt động này của chủ sở hữu TTM đều được ghi nhận lại trong các vật hữu hình mang tin, có giá trị chứng cứ chứng minh hữu hiệu cho chủ sở hữu TTM trong công cuộc yêu cầu công nhận sự bảo hộ về quyền của mình đối với TTM, các chứng cứ có giá trị chứng minh gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đăng ký mã số thuế, điều lệ công ty đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, các văn bản ủy quyền/ phân quyền; các hợp đồng, văn bản, tài liệu phát sinh trong hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu TTM với đối tác, khách hàng, bạn hàng.

Thông thường, quá trình hoạt động của chủ thể kinh doanh được xác định trong khoảng thời gian chủ thể kinh doanh tồn tại và có các hoạt động kinh doanh với một tư cách nhất định cho đến khi chủ thể chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới TTM đó. Về nguyên tắc, TTM gắn liền với nhân thân của chủ thể quyền mang TTM đó, nó là một loại tài sản vô hình có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với sự tồn vong của chủ thể kinh doanh mang TTM đó trong các hoạt động kinh doanh. Do đó, một khi chủ thể sở hữu TTM không còn tồn tại thì kể từ thời điểm chủ sở hữu TTM chấm dứt sự tồn tại của mình, TTM cũng sẽ không còn xuất hiện trong các hoạt động kinh doanh nữa. Trong pháp lý, có rất nhiều sự kiện pháp lý làm chấm dứt sự tồn tại của chủ thể kinh doanh, chẳng hạn: (i) đối với doanh nghiệp: đó là khi doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, (ii) đối với hộ kinh doanh: đó là khi hộ kinh doanh bị chấm dứt hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Theo đó, thời điểm chấm dứt sự tồn tại của chủ thể kinh doanh là: kể từ thời điểm xoá tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc kể từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, quyền của chủ

thể đối với TTM sẽ được ghi nhận, thể hiện thông qua các tài liệu, giấy tờ thể hiện thời gian thực tế mà TTM được chủ thể quyền sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu TTM.

Cùng với quá trình sử dụng, phạm vi lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh cũng là một trong những căn cứ quan trọng để xác định một đối tượng có phải là TTM được bảo hộ hay không. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh được hiểu là toàn thể nội dung ngành, nghề kinh doanh mà một doanh nghiệp tiến hành đầu tư, hoạt động theo quy định của pháp luật và thông thường, được thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đăng ký mã số thuế, điều lệ công ty đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý khác. Còn, khu vực kinh doanh: “là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng” [27, Đ 4.21]. Căn cứ để chứng minh một TTM được sử dụng tại khu vực kinh doanh là: các hợp đồng giao dịch với bạn hàng, khách hàng, đối tác, trong đó thể hiện rõ địa chỉ của đối tác, khách hàng, bạn hàng mà chủ thể kinh doanh xác lập, thực hiện giao dịch kinh doanh cùng; phạm vi mà người tiêu dùng biết đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, danh tiếng của chủ sở hữu TTM; địa điểm đặt các biển quảng cáo, địa điểm tổ chức các sự kiện quảng cáo, tiếp thị về sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của chủ thể kinh doanh…

Như vậy, để chứng minh được việc sử dụng TTM một cách hợp pháp trên thực tế, chủ sở hữu TTM phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh TTM thuộc phạm vi được pháp luật bảo hộ, trong đó trong đó xác định cụ thể về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mang TTM, hình thức sử dụng và quá trình sử dụng TTM để cơ quan tài phán căn cứ vào đó để xem xét, xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM. Chỉ khi cung cấp được các văn bản, tài liệu quy định về sự

thành lập, cơ cấu, tổ chức, hoạt động nội bộ cũng như các văn bản, hợp đồng, thỏa thuận ghi nhận quá trình giao dịch với các chủ thể kinh doanh khác, người tiêu dùng với một TTM xác định và nhất định thì quyền của chủ thể kinh doanh với TTM đó mới có cơ sở được xác định, được ghi nhận và có căn cứ nhận được sự bảo hộ quyền đối với TTM đó trước các chủ thể thứ ba khác có khả năng xâm phạm TTM.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 03 (Trang 51 - 54)