Nguyên nhân tồn tại hành vi xâm phạm quyền sở hữu công

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 03 (Trang 79 - 87)

nghiệp đối với TTM

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM ngày một gia tăng như hiện nay, trong đó bao gồm cả các nguyên nhân gián tiếp liên quan đến cơ chế thực thi quyền SHTT nói chung cũng như các nguyên nhân trực tiếp liên quan đến cơ chế bảo hộ quyền SHCN đối với TTM nói riêng, cụ thể như sau:

Những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM: (i) do “siêu lợi nhuận” mà hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM mang lại cho chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thông qua các hành vi “ăn theo”, làm “nhái”, làm giả các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp chân chính đã có chỗ đứng, uy tín và danh tiếng trên thị trường tiêu dùng; (ii) do sự thiếu ý thức trong việc tự bảo vệ quyền SHCN đối với TTM của chính chủ sở hữu TTM; hạn chế trong trình độ và hiểu biết về tác hại của xâm phạm SHTT đối với sức khoẻ, lợi ích của cộng đồng, xã hội; sự thiếu đồng bộ trong việc chú trọng chiến lược xây dựng TTM chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ so với chính sách bảo hộ TTM; sự bị động trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, trong việc yêu cầu các cơ quan Tòa án dân sự, Tòa án hình sự và cơ quan trọng tài xử lý nghiêm minh, áp dụng các chế tài xử lý mạnh tay đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM mà ỷ lại, phó mặc cho cơ quan hành chính xử lý theo quy định

pháp luật hành chính với mức phạt, chế tài xử lý hết sức nhẹ nhàng, không đáng kể; (iii) sự chồng chéo trong nhiệm vụ, quyền hạn và sự thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHCN đối với TTM khiến hiệu lực thực thi đối với việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM bị phân tán, vai trò của tòa án mờ nhạt hơn so với các cơ quan hành chính trong việc xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT nói chung và xâm phạm quyền SHCN đối với TTM nói riêng.

Nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ chính sự bất cập, thiếu đồng bộ trong cơ sở pháp lý – đó là tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu quy định pháp luật về việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Cụ thể như sau:

Thừa ở chỗ: hiện đang tồn tại đồng thời quy định của các ngành luật khác nhau cùng điều chỉnh tên gọi của một chủ thể kinh doanh, bên cạnh quy định về TTM trong pháp luật về SHTT, pháp luật về cạnh tranh, là quy định về tên doanh nghiệp trong pháp luật doanh nghiệp. Các đối tượng này, tuy cùng là tên gọi của một chủ thể kinh doanh nhưng có khác biệt cơ bản, đặc biệt là trong cơ chế xác lập, bảo hộ quyền, dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn trong cách hiểu, cách tự bảo vệ tên riêng của các chủ thể kinh doanh, thậm chí trong ý thức của cả các cơ quan thực thi pháp luật, khiến cho việc bảo hộ không đạt được hiệu quả cao.

Thiếu ở chỗ: Liên quan đến việc xác định hành vi phạm quyền SHCN đối với TTM hiện nay, mặc dù pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ về các yếu tố làm căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM. Tuy nhiên, lại không có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề pháp lý liên quan đến các yếu tố này, đó là:

 Thứ nhất, liên quan đến việc xác định dạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM, bao gồm:

- Quy định về các hành vi không bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM: Để đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích của các chủ thể có liên quan đến các đối tượng quyền SHTT, pháp luật luôn đặt ra những ngoại lệ đối với hành vi sử dụng đối tượng quyền SHTT của người thứ ba mà không phụ thuộc vào sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu. Trong quy định liên quan đến quyền SHCN đối với TTM, hành vi sử dụng TTM của chủ thể thứ ba không bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM của chủ sở hữu nếu hành vi của người thứ ba là hành vi sử dụng một cách trung thực

tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ. Tuy được quy định cụ thể về ngoại lệ này, nhưng pháp luật SHTT hay pháp luật chuyên ngành khác lại không có giải thích cụ thể về việc thế nào là hành vi sử dụng trung thực, các căn cứ pháp lý, dấu hiệu nhận biết hành vi sử dụng trung thực là gì? Theo đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến hành vi sử dụng TTM, sẽ không có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý tranh chấp trong trường hợp này, việc phán quyết sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, quyết định chủ quan của cơ quan có thẩm quyền tài phán. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, trong những trường hợp pháp luật không có quy định, hướng dẫn cụ thể, việc phán quyết của cơ quan tài phán cũng sẽ trở nên lung túng và không nhất quán. Chính vì vậy, ngoài việc quy định những trường hợp nào được coi là ngoại lệ của hành vi sử dụng TTM, pháp luật cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về phương thức nhận diện hành vi thỏa mãn những ngoại lệ đó để làm cơ sở cho không chỉ hoạt động xử lý của cơ quan có thẩm quyền mà còn để bảo đảm hoạt động kinh doanh của các chủ thể có liên quan đến TTM đó.

- Quy định về hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại – là dạng hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM điển hình được liệt kê cụ thể tại Điều 129.2 Luật SHTT. Nhưng, tại Điều 129 quy định về hành vi xâm phạm quyền

SHCN đối với TTM lại không có giải thích về khái niệm chỉ dẫn thương mại. Trong khi đó, tại Điều 130.2 Luật SHTT quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh – là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng (Điều 3.4 Luật Cạnh tranh), lại có giải thích về cách hiểu những dấu hiệu nào được coi là chỉ dẫn thương mại. Theo cách quy định tại các điều khoản này của Luật SHTT, sẽ phát sinh một số vấn đề pháp lý như sau:

Chỉ dẫn thương mại nêu tại khoản 2 Điều 129 Luật SHTT có được hiểu chính là Chỉ dẫn thương mại nêu tại khoản 3 Điều 130 Luật SHTT hay không? Nếu câu trả lời là có, thiết nghĩ, Luật SHTT cần cơ cấu lại hình thức thế hiện của 02 điều khoản này bằng việc quy định chúng là giống nhau, là một và được áp dụng chung cho cách hiểu trong cả hai trường hợp. Còn nếu câu trả lời là không thì cần có quy định bổ sung để giải thích được nội hàm của hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại theo quy định tại Điều 129.2 Luật SHTT có khác gì so với quy định về khái niệm tương tự tại Điều 130.2 Luật SHTT để xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 130.2 Luật SHTT thì chỉ dẫn thương mại bao gồm TTM, tức là, hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại liệt kê tại khoản 3 Điều 130 Luật SHTT sẽ bao gồm hành vi sử dụng TTM. Tuy nhiên, căn cứ vị trí của các điều khoản này – quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì sẽ thấy xuất hiện mâu thuẫn, đó là hành vi sử dụng TTM được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 130 Luật SHTT và được coi là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM theo quy định tại Điều 129.2 Luật SHTT. Vậy trong trường hợp này, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM sẽ được áp dụng theo quy

định nào, chế tài pháp luật nào để xử lý, pháp luật về SHTT hay pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh? Thiết nghĩ, các nhà nghiên cứu lập pháp, các nhà lập pháp cần cơ cấu lại về nội hàm của khái niệm chỉ dẫn thương mại cũng như cơ cấu lại vị trí tồn tại của điều khoản về chỉ dẩn thương mại theo hướng tách bạch các dấu hiệu có tính chất chỉ dẫn thương mại không bao gồm các đối tượng quyền SHCN (nhãn hiệu, TTM, chỉ dẫn địa lý) để tránh trường hợp xảy ra xung đột về pháp luật giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết và cơ chế giải quyết nếu phát sinh tranh chấp.

 Thứ hai, liên quan đến quy định về các căn cứ để xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM: Pháp luật hiện hành quy định về các tiêu chí là căn cứ pháp lý để xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM bao gồm: đối tượng bị xem xét; yếu tố trong đối tượng bị xem xét; chủ thể thực hiện hành vi và cuối cùng là địa điểm thực hiện hành vi. Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP thì để xác định được vi phạm, cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào các tài liệu chứng minh quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng một cái tên xác định trong suốt quá trình kinh doanh của chủ thể. Theo đó, có hai vấn đề đặt ra là: một là, liên quan đến khả năng thay đổi theo hướng mở rộng khu vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh không phải là một hoạt động tĩnh, mà hoạt động kinh doanh của một chủ thể luôn biến đổi không ngừng, đặc biệt là khả năng “bành trướng” thị trường tiêu thụ, phân phối sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình, khả năng đó tỷ lệ thuận với sự mở rộng khu vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Trên “chặng đường” mở rộng hoạt động kinh doanh của một chủ thể kinh doanh; nếu trong một phạm vi khu vực kinh doanh nào đó, cũng đã và đang tồn tại một TTM trùng hoặc tương tự tới mức có thể gây nhầm lẫn với TTM của chủ thể kinh doanh đang thực hiện mở rộng phạm vi hoạt động thì cơ chế bảo hộ đối với các TTM

trong trường hợp này sẽ được đặt ra như thế nào? Liệu rằng tại khu vực này, TTM của chủ thể kinh doanh đang mở rộng thị trường có bị ngăn cấm, hạn chế hay trong trường hợp tiêu cực hơn, hành vi đó liệu có bị coi là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM của chủ sở hữu đã tồn tại trước đó và đang có hoạt động kinh doanh tại khu vực này? Trong trường hợp này, việc xác định phạm vi khu vực kinh doanh dự kiến sẽ mở rộng trong tương lai của mỗi chủ thể kinh doanh có TTM trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với TTM của chủ thể kia sẽ được xác định như thế nào? Căn cứ trên những cơ sở nào? Hay sẽ mạnh ai nấy làm? Vấn đề thứ hai liên quan đến việc xác định phạm vi lãnh thổ xảy ra hành vi bị nghi ngờ là hành vi xâm phạm – trên mạng Internet: tại Việt Nam, các quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT trên Internet đã có nhưng chưa đủ mạnh để ngăn chặn. Việc bảo vệ quyền SHTT và các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung được đề cập trong pháp luật công nghệ thông tin tại khoản 3 Điều 12 và Điều 69 Luật Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nội dung tồn tại trong quy định pháp luật về công nghệ thông tin hiện hành mới chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, dẫn chiếu đến quy định của pháp luật SHTT, đối tượng được đề cập chủ yếu là phần mềm, chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu – đối tượng quyền tác giả mà chưa đề cập cụ thể đến đối tượng quyền SHCN hay liệt kê về các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với các đối tượng quyền SHTT nói chung và quyền SHCN đối với TTM nói riêng, về căn cứ, cơ sở, cách thức để xác định hành vi xâm phạm, về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phối hợp, hỗ trợ trong việc xác định và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong môi trường internet... khi được “soi xét” dưới lăng kính chuyên ngành công nghệ thông tin, dưới góc độ môi trường “số hóa”. Chính sự thiếu sót đó dẫn đến việc: mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam

cũng đã tận dụng tối đa các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền nhưng không mấy hiệu quả. Vì ngay từ khâu thu thập chứng cứ vi phạm để yêu cầu xử lý đã hết sức khó khăn, nhất là đối với tình trạng bên vi phạm đưa thông tin vi phạm “thoắt ẩn”, “thoắt hiện” trên Internet như hiện nay, đó là: thông tin chứa đựng các dấu hiệu vi phạm được nhanh chóng đưa lên thì cũng nhanh chóng được gỡ xuống ngay khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xem xét, sau đó sẽ lại được đưa lên các website ngay khi cuộc điều tra, xem xét chấm dứt. Điều này ảnh hướng lớn đến công tác thực thi pháp luật các cơ quan chức năng, đồng thời làm mất đi tính nghiêm minh, chặt chẽ của pháp luật trong việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM.

 Thứ ba, liên quan đến thời hạn bảo hộ quyền SHCN đối với TTM. Mặc dù không được xem xét là một căn cứ, tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá một hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền SHCN nói chung và đối với TTM nói riêng, nhưng có thể nhận thấy rằng: thời hạn bảo hộ là một trong những yếu tố, căn cứ quan trọng trong việc quá trình xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN. Bởi lẽ, về nguyên tắc, các đối tượng quyền SHTT nói chung, chỉ được hưởng sự bảo hộ trong một thời hạn nhất định và sau thời hạn đó, các hành vi sử dụng đối tượng quyền SHTT có thể không bị coi là hành vi xâm phạm. Như đã phân tích tại các mục trên, vấn đề về thời hạn bảo hộ được xác định tương đối dễ dàng đối với các đối tượng SHCN được xác lập thông qua thủ tục đăng ký, trên cơ sở hiệu lực của văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, đây là vấn đề tương đối khó xác định đối với các đối tượng quyền SHCN mà cơ sở xác lập quyền không thông qua thủ tục đăng ký, trong đó, đối với TTM, nó được xác định thông qua các tài liệu ghi nhận quá trình sử dụng TTM trong hoạt động kinh doanh của chủ thể. Theo đó, vấn đề đặt ra là: khi hoạt động của chủ thể kinh doanh chấm dứt, việc sử dụng lại TTM đó của chủ thể khác có bị xem là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với TTM không?

Ngoài ra, pháp luật hiện hành không quy định về chế độ pháp lý cho những TTM cũ – những TTM trong quá khứ đã từng và hiện tại không còn là đối tượng của quyền SHCN. Theo quy luật thông thường, những TTM cũ này có thể một lần nữa được các chủ thể quan tâm lựa chọn làm chỉ dẫn thương mại cho mình bởi pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm sử dụng TTM đã từng được bảo hộ trong quá khứ. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể được quan niệm một cách dập khuôn thuần túy rằng: khi không có chủ sở hữu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 03 (Trang 79 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)