Nguyên nhân từ chủ thể áp dụng pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hình phạt tiền trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 94 - 95)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÌNH PHẠT TIỀN

3.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc áp dụng

3.2.3. Nguyên nhân từ chủ thể áp dụng pháp luật

Thứ nhất, sự thiếu hụt đội ngũ Thẩm phán xét xử: Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng mạnh, số lượng các vụ án mà ngành Tòa án phải giải quyết hàng năm rất lớn, ví dụ: Theo thống kê của Vụ Thống kê – Tổng hợp TAND tối cao trong năm 2012 tổng số vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm là 67.369 vụ, năm 2013 là 67.153 vụ và năm 2014 là 65.848 vụ. Thực tế này cùng với tình trạng thiếu Thẩm phán xét xử làm cho công việc của Tòa án các cấp ngày càng quá tải, áp lực công việc ngày càng tăng. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn đọng án, có những sai sót trong áp dụng pháp luật, làm hạn chế hiệu quả áp dụng pháp luật nói chung, hiệu quả áp dụng hình phạt tiền nói riêng.

Thứ hai, năng lực và kinh nghiệm của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân: Năng lực và kinh nghiệm thực tế trong công tác của đội ngũ Thẩm phán ở nước ta hiện nay chưa đồng đều, nhất là đối với các Thẩm phán ở những địa phương vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn không có điều kiện cập nhật thông tin pháp luật mới cũng như học tập nâng cao trình độ, năng lực. Một số Thẩm phán cũng chưa tích cực học tập, nghiên cứu quy định pháp luật để củng cố kiến thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Nhiều cán bộ bằng lòng với kiến thức đã có, không thường xuyên cập nhật kiến thức mới nên còn lúng túng, thậm chí đã phạm sai lầm khi giải quyết các vụ án.

Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm trong tất cả các loại án. Tuy nhiên, kiến thức pháp luật của Hội thẩm nhân dân hiện nay cũng chưa được cao, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chưa thực sự hiệu quả, gây ảnh hưởng đến chất lượng xét xử và áp dụng hình phạt, trong đó có hình phạt tiền.

Thứ ba, tinh thần trách nhiệm và tư cách đạo đức của một số Thẩm phán: Thực tiễn hiện nay cho thấy một bộ phận Thẩm phán bàng quan, tắc trách trong xét xử, sa sút về phẩm chất, thiếu ý thức rèn luyện trong công tác, vi

phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá về đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp, trong đó có đội ngũ Thẩm phán trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nhận định: “Trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số bộ phận cán bộ sa sút phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp” [19]. Thông tin về những vi phạm pháp luật của một số Thẩm phán là tín hiệu cảnh báo chất lượng xét xử của cơ quan thực thi pháp luật. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, việc nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật là vô cùng cần thiết trong thời gian tới.

Thứ tư, điều kiện, phương tiện làm việc của các Tòa án: Hiện nay, chế độ chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ngành Tòa án nhìn chung còn rất hạn hẹp, chưa tương xứng với tính chất đặc thù của hoạt động xét xử. Đời sống của cán bộ thực thi pháp luật còn rất khó khăn, nhất là trong tình hình lạm phát, suy thoái về kinh tế như hiện nay. Thực tế này đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp về trình độ và ý thức pháp luật của cán bộ ngành Tòa án, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực thi pháp luật.

3.3. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền ở Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện các quy định của BLHS năm 1999 về hình phạt tiền đồng thời qua việc phân tích tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả của việc áp dụng các quy định về hình phạt tiền trên thực tế trong phạm vi cả nước, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về hình phạt tiền như sau:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hình phạt tiền trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 94 - 95)