Nguyên nhân từ pháp luật thực định

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hình phạt tiền trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 87 - 92)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÌNH PHẠT TIỀN

3.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc áp dụng

3.2.1. Nguyên nhân từ pháp luật thực định

BLHS năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2000, tính đến nay đã được thi hành gần 16 năm, tuy nhiên việc áp dụng các quy định về hình phạt tiền trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. BLHS dù mới được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 nhưng đã bộc lộ những bất cập, một số quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay cũng như yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó có một số quy định về hình phạt tiền, cụ thể:

Thứ nhất, quy định tại Điều 30 BLHS hiện hành không đưa ra định nghĩa về hình phạt tiền và cũng không nêu rõ nội dung, phạm vi áp dụng của hình phạt này. Điều đó dẫn đến sự không thống nhất trong nhận thức cũng như trong việc áp dụng hình phạt này trên thực tế.

Thứ hai, những quy định giữa Phần chung và Phần các tội phạm trong BLHS về hình phạt tiền còn chưa thống nhất. Trong khi phần chung quy định áp dụng hình phạt tiền đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì phần các tội phạm lại quy định áp dụng hình phạt tiền đối với cả tội phạm nghiêm trọng. Khi

quyết định hình phạt áp dụng đối với người phạm tội, Tòa án phải căn cứ cả vào các quy định tại Phần chung và quy định về tội phạm tương ứng trong Phần các tội phạm của BLHS. Việc quy định không thống nhất như trên dễ dẫn đến tình trạng Tòa án lựa chọn không áp dụng hình phạt tiền đối với các tội nghiêm trọng bởi nếu áp dụng thì sẽ trái với quy định chung về hình phạt tiền, mà thay vào đó lựa chọn hình phạt không tước tự do khác như cải tạo không giam giữ.

Thứ ba, phạt tiền khi quy định là hình phạt chính và hình phạt bổ sung đều được quy định là chế tài lựa chọn cùng các hình phạt chính khác như: tù có thời hạn, cảnh cáo… (khi áp dụng là hình phạt chính), hoặc các hình phạt bổ sung khác như: tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn…(khi được áp dụng là hình phạt bổ sung). Do vậy khi quyết định hình phạt, Tòa án thường có xu hướng không áp dụng hình phạt tiền. Điều đó khiến cho phạm vi áp dụng hình phạt tiền bị thu hẹp rất nhiều.

Thứ tư, “BLHS hiện hành chưa có sự phân biệt rạch ròi giữa hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính và hình phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung về mức tiền phạt” [41]. BLHS năm 1999 đã quy định mức khởi điểm của hình phạt tiền là một triệu đồng, không phân biệt hình phạt chính hay bổ sung. Trong khi đó hình phạt chính phải có mức độ nghiêm khắc hơn hình phạt bổ sung. Việc quy định như vậy không những không phân biệt rõ được tính nghiêm khắc của hình phạt tiền với tư cách hình phạt chính và với tư cách hình phạt bổ sung mà còn làm ảnh hưởng nhất định đến quá trình cá thể hóa hình phạt đối với người phạm tội. Hình phạt tiền được quy định trong BLHS năm 1999 có thể là hình phạt chính có thể là hình phạt bổ sung nên khi quy định về hình phạt này cần phân định rõ sự khác nhau về mức độ nghiêm khắc ngay trong Điều 30 Bộ luật này. Có như vậy mới thực hiện triệt để nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.

Thứ năm, khoảng cách giữa mức tiền phạt tối thiểu và mức tiền phạt tối đa trong một số điều luật của BLHS hiện hành còn chưa hợp lý. Mặc dù khoảng cách này đã được thu hẹp hơn so với BLHS năm 1985 nhưng vẫn tồn tại sự chênh lệch khá lớn. Đa số các điều luật quy định áp dụng hình phạt tiền có mức chênh lệch giữa mức tối đa và tối thiểu là 10 lần, có 5 điều luật quy định mức chênh lệch lên tới 20 lần (Khoản 1 Điều 172, khoản 2 Điều 201, khoản 1 Điều 220, khoản 1 Điều 224, khoản 1 Điều 225), cá biệt có 1 điều luật quy định mức chênh lệch 30 lần (Khoản 1 Điều 249) và 1 điều luật quy định mức chênh lệch 50 lần (Khoản 1 Điều 178). Với khoảng cách này, một mặt tạo điều kiện cho Tòa án lựa chọn một mức phạt phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhưng mặt khác nó lại dễ dẫn đến sự tùy tiện, thiếu thống nhất trong việc áp dụng hình phạt, khiến cho nguyên tắc cá thể hóa hình phạt chưa được phát huy tối đa trên thực tế.

Thứ sáu, mức phạt tiền còn thấp. Theo quy định của BLHS Việt Nam hiện hành thì mức phạt tiền tối thiểu là 1 triệu đồng và mức phạt tiền cao nhất ở mỗi điều luật cũng rất thấp. Mặc dù Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã tăng mức tiền phạt ở một số tội danh nhưng vẫn chưa phù hợp với sự tăng lên của giá cả thị trường, nhất là trong điều kiện kinh tế phát triển không ngừng như ngày nay.

Vụ Constantin Bengeanu (quốc tịch Rumani) và các đồng phạm có thể coi là vụ án điển hình phản ánh thực tế này. Có thể tóm tắt nội dung vụ án như sau:

“Amaranath Bandara (quốc tịch Sri Lanka), Edmundo T Cabando (quốc tịch Philippines) phạm tội điều khiển phương tiện hàng hải, vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nội dung vụ án như sau: Constantin Bengeanu là thuyền trưởng tàu SIMA PRIDE (quốc tịch Singapore). Hành trình của tàu là từ cảng Keelung Đài Loan đến cảng Cát

Lái Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Tàu SIMA PRIDE rời cảng Keelung từ ngày 25-02-2006, đến tối ngày 27-02-2006 thì tàu SIMA PRIDE đến hải phận Việt Nam (tọa độ 10o14’600N, 107o2800E). Lúc này, Constantin Bengeanu ngồi trên đài chỉ huy của tàu, còn Amaranath Bandara và Edmundo T Cabando làm công việc thuộc ca trực. Khi tàu SIMA PRIDE đến vùng biển tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, thuyền trưởng Constantin Bengeanu đã không thông báo cho cảng vụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu biết. Đến khoảng 21h06’, tàu SIMA PRIDE đã đâm vài một chiếc ghe mang biển số BV 7094TS tại tọa độ 10o14’N, 107oE làm 08 người chết, 08 người bị thương, ghe bị vỡ. Tài sản trên ghe bị chìm xuống biển, thiệt hại về tài sản trị giá là 4.772.800.000 đồng. Sau khi gây tai nạn, tài SIMA PRIDE tiếp tục hành trình cập cảng Cát Lái Thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên tòa sơ thẩm hình sự ngày 08-02-2007, Tòa án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã quyết định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các bị cáo. Phạt bị cáo thuyền trưởng 700.000.000 đồng, hai bị cáo còn lại thì phạt một bị cáo 650.000.000 đồng và một bị cáo 600.000.000 đồng, các bị cáo còn lại phải bồi thường thiệt hại” [33].

Điều 223 BLHS năm 1999 quy định mức phạt tiền cao nhất là tám trăm triệu đồng. Do vậy, trường hợp mà thiệt hại do các bị cáo gây ra lớn hơn nữa giống trường hợp trong vụ án trên thì mức phạt tiền cao nhất quy định tại Điều 223 BLHS năm 1999 lại quá thấp so với thiệt hại xảy ra và không đủ sức răn đe tội phạm.

Thứ bảy, đối với một số tội phạm, BLHS năm 1999 quy định mức phạt tiền theo số lần giá trị hàng phạm pháp hay số thu lợi bất chính, ví dụ phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế đối với tội trốn thuế (Khoản 1 Điều 161), phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính đối với tội cho vay nặng lãi (Khoản 3 Điều 163)… Việc quy định phạt theo cách trên là rất khó áp dụng, vì con số này thường không chính xác, chỉ dựa vào lời khai của người

bị kết án mà thực tế ít khi họ khai đúng sự thật nên hiệu quả, mục đích của hình phạt không được bảo đảm.

Thứ tám, quy định về mức tiền phạt trong nhiều điều luật chưa thể hiện được sự phân hóa trách nhiệm, cá thể hóa hình phạt. Có những tội phạm có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn nhưng mức hình phạt lại được quy định thấp hơn. Ví dụ như Tội buôn lậu (Điều 153) có tính chất nguy hiểm cao hơn so với Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 154) nhưng mức khởi điểm phạt tiền bổ sung đối với Tội buôn lậu là 03 triệu đồng (khoản 5) trong khi đối với Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới lại là 05 triệu đồng (Khoản 4).

Thứ chín, tại khung hình phạt đối một số loại tội nhà làm luật đã quy định mức phạt tiền khi được áp dụng là hình phạt bổ sung bằng hoặc cao hơn khi được áp dụng là hình phạt chính. Ví dụ, Điều 125 BLHS về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác có quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính với mức hình phạt từ 01 triệu đến 05 triệu đồng, nhưng với phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung thì mức phạt lại cao hơn, đó là từ 02 triệu đến 20 triệu đồng. Hay tại Điều 267 BLHS về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì mức tối đa và tối thiểu của phạt tiền là hình phạt chính lại ngang bằng với phạt tiền là hình phạt bổ sung.

Thứ mười, cách thức thi hành hình phạt tiền cho phép nộp thành nhiều lần nhưng không quy định số lần tối đa khiến cho người bị kết án đôi khi cố tình không chịu thi hành án mặc dù có khả năng thi hành. Bên cạnh đó, pháp luật hình sự, pháp luật thi hành án dân sự…cũng chưa quy định những biện pháp cưỡng chế thích đáng khi người bị kết án cố tình không thi hành án, hoặc nếu có quy định các biện pháp cưỡng chế thì các biện pháp ấy lại thiếu tính khả thi vì những quy định đó rất chung chung, chưa có cơ chế thực thi rõ ràng, nghiêm khắc đủ để các đối tượng tự giác thực thi hình phạt.

Mười một, hình phạt tiền được xếp ở vị trí thứ hai trong hệ thống hình phạt của BLHS hiện hành, chỉ nặng hơn hình phạt cảnh cáo nhưng nhẹ hơn hình phạt cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Tuy nhiên, BLHS năm 1999 có quy định việc trừ thời hạn tạm giam, tạm giữ vào thời gian chấp hành hai hình phạt này nhưng với hình phạt tiền thì lại không quy định. Việc BLHS không quy định về vấn đề đó có thể dẫn đến trường hợp người phạm tội đã bị tạm giam, tạm giữ nhưng khi xét xử, Tòa án áp dụng hình phạt tiền đối với họ thì lại không thể khấu trừ thời hạn tạm giam, tạm giữ cho người bị kết án. Nếu áp dụng hình phạt tù có thời hạn với người phạm tội để có thể khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam cho họ thì lại không đảm bảo được sự công bằng vì hình phạt tù có thời hạn là hình phạt có mức độ nghiêm khắc cao hơn hình phạt tiền.

Mười hai, BLHS năm 1999 quy định khi quyết định hình phạt tiền và mức phạt cụ thể thì Tòa án phải xem xét đến tình hình tài sản của người phạm tội nhưng pháp luật không có quy định về các biện pháp để chứng minh tài sản của người phạm tội. Điều này gây khó khăn cho Tòa án trong việc quyết định hình phạt tiền và mức phạt tiền cũng như hoạt động thi hành án phạt tiền, làm cho hình phạt tiền đã tuyên thiếu tính khả thi, không đạt được mục đích của hình phạt tiền.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hình phạt tiền trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 87 - 92)