Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÌNH PHẠT TIỀN
2.1. Hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính
2.1.1. Phạm vi và điều kiện áp dụng
hình phạt chính, khi nào thì áp dụng là hình phạt bổ sung chưa được quy định cụ thể, điều đó gây khó khăn cho việc áp dụng hình phạt tiền trên thực tế. Khắc phục hạn chế này, BLHS năm 1999 đã có những quy định mới rõ ràng hơn, quy định riêng các trường hợp phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung ở các khoản 1 và khoản 2 của Điều 30 Bộ luật này.
Phù hợp với thực tế hiện nay, BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thể hiện xu hướng là mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm mà không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tước tự do của người phạm tội. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính cần được quy định một cách chặt chẽ, không những phải đảm bảo được mục đích chung của hình phạt là vừa trừng trị vừa giáo dục, cải tạo người phạm tội, mà còn cần tránh tình trạng vận dụng hình phạt này tràn lan, gây ra suy nghĩ tiêu cực rằng người nhiều tiền có thể nộp tiền thay cho hình phạt tù.
BLHS năm 1999 quy định “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm các tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác do bộ luật này quy định” [54, Điều 30, Khoản 1].
Như vậy, BLHS năm 1999 quy định phạm vi áp dụng hình phạt tiền không phải căn cứ vào tính chất của tội phạm như tính chất vụ lợi, tính chất tham nhũng… mà căn cứ theo nhóm tội nhất định – căn cứ vào khách thể của tội phạm. Theo đó, hình phạt tiền được áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Trường hợp thứ nhất: Áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Người phạm tội đã có những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm những quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế, xâm phạm đến các quan hệ xã hội đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Những quy định của nhà nước trong lĩnh vực này
có thể là những quy định chung cho toàn bộ hệ thống kinh tế, nhưng cũng có thể chỉ có tính chất riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ví dụ: Tội buôn lậu (Điều 153 BLHS); Tội trốn thuế (Điều 161 BLHS); Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS)…
- Trường hợp thứ hai: Áp dụng đối với các tội ít nghiêm trọng xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Trong 55 tội quy định tại chương Các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng (chương XIX) thì hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính chủ yếu với các tội có tính chất vụ lợi, dùng tiền làm phương tiện phạm tội, ví dụ: Tội đánh bạc (Điều 248 BLHS); Tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250 BLHS)…; hoặc các tội phạm khác tuy không có tính chất vụ lợi hoặc dùng tiền làm phương tiện phạm tội, nhưng việc áp dụng hình phạt tiền vẫn đảm bảo được mục đích của hình phạt, ví dụ: Các tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông (Điều 202, 208, 216 BLHS); Các tội về tin học (Điều 224, 225, 226 BLHS).
- Trường hợp thứ ba: Áp dụng đối với người phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Đó là các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng xâm phạm hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Ví dụ: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 BLHS); Tội vi phạm các quy định về xuất bản phát hành sách báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình hoặc các ấn phẩm khác (Điều 271 BLHS).
- Trường hợp thứ tư: Áp dụng đối với các tội phạm khác do BLHS năm 1999 quy định. Đây là những trường hợp không xâm phạm các tội thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn công cộng, trật tự quản lý hành chính nhưng nhà làm luật cho rằng khi áp dụng hình phạt tiền vẫn đạt được mục đích của hình phạt. Ví dụ: Các tội phạm về môi trường như
Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 BLHS); Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân như Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 132 BLHS); Các tội phạm về ma túy như Tội vi phạm các quy định về quản lý sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 201 BLHS)…
Trong các nhóm tội trên, ngoài các tội phạm ít nghiêm trọng mà điều luật quy định cho phép áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính còn có những trường hợp điều luật quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với cả các tội nghiêm trọng. Ví dụ: Trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tại khoản 1 Điều 155 BLHS năm 1999 quy định về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm: “Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi… thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm” [54]. Mức cao nhất của khung hình phạt áp dụng với tội này là 05 năm tù (phạm tội nghiêm trọng), nhưng điều luật cũng quy định có thể áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng này. Tương tự như vậy, đối với nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, đối với tội tổ chức đua xe trái phép, tại Điều 206 BLHS năm 1999 cũng quy định hình phạt tiền có thể áp dụng là hình phạt chính trong khi mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là 05 năm tù.
Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với cả tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường. Việc mở rộng phạm vi áp dụng như vậy là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giải quyết được mâu thuẫn giữa quy định tại Phần chung và Phần các tội phạm như đã đề cập ở trên, đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Một trong những nội dung sửa đổi lớn của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này là bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; việc bổ sung này hoàn toàn khác với quy định pháp luật hình sự của Nhà nước ta từ trước đến nay khi mà trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân người phạm tội. Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội tại Chương XI với nhiều nội dung như: Nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân phạm tội; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân; hình phạt, các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân phạm tội… Điều 76 Dự thảo quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 32 tội danh cụ thể. Hình phạt tiền được Dự thảo quy định áp dụng là hình phạt chính đối với pháp nhân phạm tội trong hầu hết 32 tội danh này, chỉ duy nhất có 01 tội không quy định áp dụng hình phạt tiền, đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 313 Dự thảo). Điều đó chứng tỏ hình phạt tiền giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đấu tranh, phòng và chống tội phạm do pháp nhân thực hiện.
Chỉ khi điều luật có quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thì phạt tiền mới được áp dụng là hình phạt chính. BLHS năm 1999 không cho phép áp dụng hình phạt tiền thay cho các hình phạt khác và ngược lại. Điểm đ khoản 2 Điều 50 BLHS năm 1999 quy định: “Phạt tiền không tổng hợp với các hình phạt khác, các khoản phạt tiền được cộng lại thành hình phạt phải chấp hành” [54]. Chủ thể bị áp dụng hình phạt tiền là người từ đủ 16 tuổi trở lên, không áp dụng đối với người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Khi Tòa án xét xử không được xử phạt liên đới đối với hình phạt tiền, có nghĩa là Tòa án không được tuyên các bị cáo phải cùng nhau nộp số tiền phạt mà phải cá thể hóa đối với từng bị cáo.
Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về điều kiện áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Điều này
dễ dẫn đến tình trạng hình phạt tiền được lựa chọn áp dụng là hình phạt chính đối với các bị cáo thay vì chọn các hình phạt khác. Trong khi đó Viện kiểm sát lại không có căn cứ để kháng nghị. Ví dụ: Bị cáo H phạm tội đánh bạc, bị điều tra, truy tố, xét xử theo khoản 1 Điều 248 BLHS, về nhân thân bị cáo có một tiền án về tội đánh bạc, chưa được xóa án tích. Tòa án xét xử quyết định xử phạt bị cáo H 5.000.000 đồng. Rõ ràng trong vụ án này, nếu Tòa áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với bị cáo thì sẽ vi phạm Điều 60 BLHS và Nghị quyết số 01/2007/NĐ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vì không đảm bảo điều kiện về nhân thân. Do vậy, Tòa đã áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo. Việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính để xử phạt bị cáo là quá nhẹ, chưa nghiêm, chưa đạt được mục đích của hình phạt, nhưng Viện kiểm sát không có căn cứ để kháng nghị. Thậm chí, thực tế có những vụ án bị cáo phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo và tái phạm cùng loại tội nhưng Tòa án vẫn áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo. Trong hệ thống hình phạt chính thì hình phạt tù nặng hơn hình phạt tiền nhưng thực tiễn áp dụng có nhiều vụ án bị cáo không đủ điều kiện được hưởng án treo nên Tòa án không áp dụng hình phạt tù mà áp dụng hình phạt tiền, vô hình chung ở đây công nhận hình phạt tiền nặng hơn hình phạt tù.
BLHS năm 1999 có 68 tội tương ứng với 75 khung có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, chiếm xấp xỉ 25,9% tổng số các điều luật quy định tội phạm cụ thể (68/263 tội). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2009 đã tăng số tội có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính lên 76 tội tương ứng với 85 khung, chiếm xấp xỉ 27,9% tổng số các điều luật quy định tội phạm cụ thể (76/272 tội), tăng hơn 8 lần so với BLHS năm 1985 (con số này trong BLHS năm 1985 là 9 tội, điều này cho
thấy xu hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam.
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với tội phạm ít nghiêm trọng thuộc các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính. Cụ thể như sau:
- Có 24/35 điều luật có quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVI).
- Có 32/59 điều luật có quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong chương Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (chương XIX).
- Có 7/20 điều luật quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong chương Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (chương XX).
Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính với một số tội phạm khác do BLHS năm 1999 quy định:
- Có 1/9 điều luật có quy định việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong chương Các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân (chương XIII).
- Có 1/13 điều luật có quy định việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong chương Các tội xâm phạm sở hữu (chương XIV).
- Có 10/11 điều luật có quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong chương Các tội phạm về môi trường (chương XVII).
- Có 1/9 điều luật có quy định việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính trong chương Các tội phạm về ma túy (chương XVIII).
Nhằm tạo điều kiện cho Tòa án tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể có thể lựa chọn một hình phạt phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, trong 76 điều luật quy định áp dụng hình phạt tiền là
hình phạt chính nhà làm luật đều quy định hình phạt này trong chế tài lựa chọn với các hình phạt chính khác như cải tạo không giam giữ, cảnh cáo…
Theo quy định tại Phần chung BLHS năm 1999 thì chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính với các tội phạm ít nghiêm trọng nhưng tại phần các tội phạm lại có tương đối nhiều điều luật quy định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng. Hiện nay, BLHS hiện hành có tới 21 điều luật (Phụ lục 1) quy định áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với tội phạm nghiêm trọng. Điều này phản ánh một sự thật là trong BLHS có tới 21 điều luật trái với Điều 30 khoản 1. Nói cách khác, việc quy định như vậy đã gây ra sự không thống nhất giữa các quy định ở Phần chung với các quy định ở Phần các tội phạm trong BLHS năm 1999. Đây là một trong những điểm bất cập mà nhà làm luật cần lưu ý khi sửa đổi, bổ sung BLHS trong thời gian tới.