Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về hình phạt tiền

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hình phạt tiền trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 29 - 35)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÌNH PHẠT TIỀN

1.2. Khái quát lịch sử lập pháp về hình phạt tiền trong pháp luật

1.2.3. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về hình phạt tiền

trong Bộ luật hình sự năm 1985

Trước yêu cầu bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và tăng cường pháp chế XHCN, ngày 27/06/1985 Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua BLHS đầu tiên của nước ta – BLHS năm 1985, có hiệu lực pháp lý kể từ ngày 01/01/1986. Qua bốn lần sửa đổi, bổ sung, BLHS năm 1985 đã thể chế hóa về mặt hình sự đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở thời kì quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội Đảng lần thứ IV đề ra và ra đời trên cơ sở tổng kết, kế thừa các quy phạm pháp luật được ban hành trước đó đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trên cả nước.

Rút kinh nghiệm từ những tồn tại của pháp luật hình sự trước đó khi quy định về hình phạt, BLHS năm 1985 đã quy định khái quát về hệ thống hình phạt. Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLHS năm 1985 thì các hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, cải tạo tại đơn vị kỷ luật của quân đội, tù có thời hạn tù chung thân tử hình. Theo khoản

2 Điều 21 BLHS năm 1985, các hình phạt bổ sung gồm: Cấm cư trú, …, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.

Như vậy, hình phạt tiền trong BLHS năm 1985 được quy định vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung và là một bộ phận cấu thành hệ thống hình phạt, góp phần đa dạng hóa các loại hình phạt, thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật của Nhà nước ta.

* Về phạm vi và điều kiện áp dụng

Phạm vi và điều kiện áp dụng hình phạt tiền được quy định tại Điều 23 BLHS năm 1985 như sau: “Phạt tiền được áp dụng đối với người phạm các tội có tính chất vụ lợi, tham nhũng, các tội có tiền dùng làm phương tiện hoạt động hoặc những trường hợp khác do pháp luật quy định” [48, Điều 23].

Như vậy, theo BLHS năm 1985 thì hình phạt tiền là hình phạt tước đi một khoản tiền nhất định của người bị kết án sung công quỹ nhà nước. Người bị áp dụng hình phạt tiền bị tước đi một phần quyền lợi vật chất, sự tước đi này tác động đến người bị kết án về mặt kinh tế theo chiều hướng bất lợi. Hình phạt tiền tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến lợi ích kinh tế của người phạm tội. Hình phạt tiền được áp dụng trong các trường hợp sau:

- Áp dụng đối với người phạm tội có tính chất vụ lợi; - Áp dụng đối với người phạm tội có tính chất tham nhũng;

- Áp dụng đối với các trường hợp khác do luật định, như: Tội vi phạm các quy định về hàng không (Điều 90), Tội vi phạm các quy định về hàng hải (Điều 91), Tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 201), Tội tổ chức mại dâm, tội làm môi giới mại dâm (Điều 202)…

Tuy Điều 23 không quy định nhưng dựa vào các quy định khác của BLHS năm 1985 thì phạt tiền chỉ được áp dụng là hình phạt chính trong trường hợp điều luật quy định tội phạm cụ thể đó có hình phạt tiền và luật hình sự không cho phép áp dụng hình phạt tiền để thay thế cho hình phạt khác và cũng không cho phép chuyển từ hình phạt chính khác sang hình phạt tiền.

Từ quy định chung tại Điều 23 BLHS năm 1985, hình phạt tiền đã được cụ thể hóa tại phần các tội phạm trong Bộ luật này. Số lượng điều luật quy định về các tội phạm trong BLHS năm 1985 là 209 điều, trong đó số lượng điều luật có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính là 09/209 điều, với tư cách là hình phạt bổ sung thì hình phạt tiền được quy định ở 42/209 điều (phần các tội phạm).

Trong BLHS năm 1985 hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính trong các chương, tội với các điều khoản tương ứng (Phụ lục 1).

Hình phạt tiền là hình phạt bổ sung được quy định tại 42 tội trong BLHS năm 1985. Trong đó có 08 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, 12 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu XHCN, 08 tội thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế, 03 tội thuộc nhóm các tội phạm về ma túy, 04 tội thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, 07 tội thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ.

* Về mức phạt tiền và cách thức nộp tiền phạt

Mức phạt tiền được quy định tại Điều 23 BLHS năm 1985 như sau:

“Mức phạt tiền được quy định theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động giá cả” [48, Điều 23].

Khi phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính, BLHS năm 1985 có hai cách quy định về mức phạt tiền:

- Quy định mức phạt tiền khi được áp dụng là hình phạt chính bằng cách ấn định mức thấp nhất và cao nhất.

Ví dụ:

Khoản 1 Điều 185g BLHS năm 1985 quy định: “…thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng”.

Hay Điều 215 Bộ luật này quy định: “…phạt tiền từ hai trăm năm mươi nghìn đồng đến mười triệu đồng”.

- Quy định mức phạt tiền khi được áp dụng là hình phạt chính bằng cách ấn định mức cao nhất mà không quy định mức thấp nhất.

Ví dụ:

Khoản 1 Điều 90 BLHS năm 1985 quy định: “…bị phạt tiền đến năm trăm triệu đồng”.

Khoản 1 Điều 91 Bộ luật này quy định: “…bị phạt tiền đến ba trăm triệu đồng”.

Khi phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung, BLHS năm 1985 quy định về mức phạt tiền:

- Quy định mức phạt tiền khi được áp dụng là hình phạt bổ sung bằng cách ấn định mức thấp nhất và mức cao nhất.

Ví dụ:

Khoản 2 Điều 229 BLHS năm 1985 quy định: “…phạm một trong các tội quy định tại điều 221, 221a …thì có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng…”.

Hay tại khoản 3 Điều 218 quy định: “…phạm một trong các tội quy định từ điều 199 đến điều 202 thì bị phạt tiền từ một triệu đến năm triệu đồng”.

- Quy định mức phạt tiền khi được áp dụng là hình phạt bổ sung bằng cách quy định mức phạt tiền theo bội số tiền thu lời bất chính hoặc giá trị hàng phạm pháp.

Ví dụ:

Khoản 3 Điều 100 BLHS năm 1985 quy định: “…bị phạt tiền đến mười lần giá trị hàng phạm pháp”.

Hay khoản 2 Điều 289 Bộ luật này quy định: “…phạt tiền từ một đến năm lần giá trị của hối lộ”.

- Quy định mức phạt tiền khi được áp dụng là hình phạt bổ sung bằng cách ấn định mức cao nhất.

Ví dụ:

Khoản 3 Điều 142 BLHS năm 1985 quy định: “…phạt tiền đến ba mươi triệu đồng”.

BLHS năm 1985 không quy định mức phạt tối thiểu mà chỉ quy định mức phạt tối đa là một tỷ đồng (Điều 90, Điều 179). Theo quy định tại Điều 23 BLHS năm 1985 thì khi quyết định hình phạt Tòa án phải căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời xét đến tình hình tài sản của người phạm tội và sự biến động giá cả. Điều đó có nghĩa là hình phạt tiền được tuyên phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, có tính đến khả năng chấp hành hình phạt tiền trong thực tế và mệnh giá của đồng tiền Việt Nam tại thời điểm áp dụng.

Từ những phân tích trên đây có thể đưa ra một số nhận xét về hình phạt tiền trong BLHS năm 1985 như sau:

Trong BLHS năm 1985 có 9 tội tương ứng với 11 khung có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, trong đó có 2 tội thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, 1 tội thuộc các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, 4 tội thuộc nhóm các tội phạm về ma túy, 1 tội trong nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, 1 tội thuộc nhóm các tội xâm phạm về kinh tế. Như vậy, BLHS năm 1985 không quy định hình phạt tiền đối với các tội thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu, là nhóm tội có nhiều tội phạm có tính chất vụ lợi và cũng không quy định hình phạt tiền đối với các tội thuộc nhóm tội phạm về chức vụ là những tội phạm có tính chất tham nhũng.

Số tội phạm có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có khoảng 4,3% trong tổng số các tội được BLHS năm 1985 quy định (9/209 tội). Theo quy định của BLHS năm 1985 thì phạt tiền được quy định là hình phạt chính và chỉ khi không áp dụng là hình phạt chính thì mới có thể áp dụng là hình phạt bổ sung. Bộ luật cũng quy định hình phạt tiền

được áp dụng đối với các tội phạm có tính chất tham nhũng, dùng tiền làm phương tiện hoạt động nhưng trong số các tội có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính lại không có các nhóm tội nói trên. Có thể nhận thấy rằng Điều 23 Phần chung BLHS năm 1985 đã không được cụ thể hóa trong phần các tội phạm, từ đó làm cho phạm vi áp dụng của hình phạt tiền bị thu hẹp lại.

Số tội có phạt tiền là hình phạt bổ sung bắt buộc còn ít, chiếm 26% số tội có phạt tiền là hình phạt bổ sung (11/42 tội). Theo đó có tới 74% số tội có quy định phạt tiền là hình phạt bổ sung nhưng là chế tài tùy nghi, không bắt buộc. Như vậy, Tòa án có thể áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt tiền trong nhiều trường hợp trên thực tế, điều này cũng phần nào thu hẹp phạm vi áp dụng của hình phạt tiền.

Trong BLHS năm 1985 không có quy định về mức tối thiểu của hình phạt tiền, đa số các chế tài có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính cũng không quy định mức thấp nhất (Điều 90 khoản 1, khoản 2; Điều 91 khoản 1, khoản 2; Điều 126; Điều 179) mà chỉ quy định mức cao nhất. Việc không quy định về vấn đề này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện, không đảm bảo được nguyên tắc công bằng và nhất là trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án rất có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật quy định như quy định tại khoản 3 Điều 38 BLHS năm 1985.

Đối với những trường hợp có quy định mức thấp nhất và mức cao nhất thì khoảng cách tối thiểu và tối đa của hình phạt tiền lại quá rộng. Điển hình như tại Điều 215 BLHS năm 1985 thì mức tối đa cao gấp 40 lần mức tối thiểu (10.000.000 đồng so với 250.000 đồng). Điều này dễ dẫn đến tình trạng áp dụng hình phạt tiền một cách tùy tiện.

BLHS năm 1985 quy định hình phạt tiền không được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung ngày 28 tháng 12 năm 1989, ngày 12 tháng 08 năm 1991, ngày 22 tháng 12 năm 1992 và ngày 10 tháng 05 năm 1997. Qua các lần sửa đổi, bổ sung, các quy định liên quan đến hình phạt tiền cũng có những thay đổi đáng kể, nhưng những sự thay đổi đó vẫn chưa hoàn thiện. Điều kiện áp dụng và nội dung của hình phạt tiền chưa được quy định một cách cụ thể, chặt chẽ, phạm vi áp dụng hình phạt tiền chưa được quy định một cách đúng mức đối với các tội phạm về kinh tế, các tội có mục đích vụ lợi, các tội dùng tiền làm phương tiện phạm tội và một số loại tội khác do BLHS năm 1985 quy định. Hình phạt tiền tuy được quy định vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung song hình phạt này được quy định quá ít. Qua các quy định trong BLHS năm 1985 có thể thấy vị trí và vai trò của hình phạt tiền trong hệ thống hình phạt chưa được đánh giá đúng, làm giảm đáng kể hiệu quả trừng trị, giáo dục của hình phạt tiền trên thực tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hình phạt tiền trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 29 - 35)