Chương 2:
Mối quan hệ giữa phạt vi phạm và các chế tài khác
Khi các bên có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng và thỏa thuận này có giá trị pháp lý thì sẽ có hiệu lực ràng buộc các bên. Vậy khi hợp đồng bị hủy bỏ thì sao? Chế tài phạt vi phạm có được áp dụng cùng chế tài hủy bỏ hợp đồng không?
Hủy bỏ hợp đồng là chế tài liên quan đến sự tồn tại của hợp đồng bị vi phạm nhưng chế tài này không đủ để đảm bảo quyền lợi của bên bị vi phạm. Bởi việc vi phạm dẫn đến hủy hợp đồng có thể gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Do đó việc áp dụng chế tài phạt vi phạm cùng với việc hủy bỏ hợp đồng là hoàn toàn phù hợp, việc kết hợp này sẽ giúp bên bị vi phạm hạn chế được thiệt hại phát sinh do hành vi vi phạm gây ra
- Mối quan hệ với bồi thường thiệt hại
Phạt vi phạm là một chế tài có thể áp dụng không cần quan tâm đến thiệt hại thực tế. Bên bị vi phạm nhận được số tiền bị thiệt hại như dự kiến mà không phải chứng minh thực tế mình có bị thiệt hại hay không, chỉ cần
chứng minh là đã có hành vi vi phạm theo đúng quy định trong điều khoản phạt là có quyền đòi khoản tiền phạt
Ví dụ: A thỏa thuận xây cho B một căn nhà và hạn giao nhà là ngày 1/4/2012. Trong hợp đồng, các bên thỏa thuận rằng, đối với mỗi tuần chậm giao nhà, A phải trả cho B một triệu đồng. Cuối cùng A chỉ giao cho B vào ngày 29/4/2012. Như vậy, A phải trả cho B khoản tiền là 4 triệu bất kể việc B có thiệt hại hay không và nếu có thì bất kể thiệt hại là bao nhiêu.
Như vậy, khi hợp đồng có quy định tiền phạt cho việc không thực hiện hợp đồng và không có quy định thêm gì khác thì bên vi phạm hợp đồng phải nộp tiền phạt cho bên bị vi phạm, không phụ thuộc vào việc bên kia có bị thiệt hại hay không, bị thiệt hại nhiều hay ít. Nếu muốn căn cứ vào việc thiệt hại mới phải nộp phạt thì phải quy định trong hợp đồng
Ngoài ra, trong LTM 2005, bên bị vi phạm có thể áp dụng hai chế tài cùng một lúc. Theo Điều 316, “một bên không bị mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tổn thất do vi phạm hợp đồng của bên kia khi đã áp dụng các chế tài khác” và theo Điều 307 khoản 2 “ trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại”.
Tuy nhiên, BLDS 2005 lại không cho phép kết hợp hai loại chế tài này nếu các bên không có thỏa thuận. Sự khác biệt trên có lẽ vì Luật thương mại đã giới hạn mức phạt vi phạm như đã nêu trên nên đã cho phép kết hợp cả hai loại chế tài này. Còn BLDS không giới hạn mức phạt vi phạm nên việc kết hợp hai chế tài này có thể dẫn đến việc bên vi phạm phải trả một khoản tiền rất lớn so với thiệt hại thực tế. Và do vậy BLDS đã không cho phép kết hợp nếu không có thỏa thuận khác