2.3.1. Những kết quả đạt được
Về cơ bản, việc Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là có căn cứ, đúng pháp luật và cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Trong đó, các vụ án đều nhằm củng cố chứng cứ buộc tội đối với bị can, bị cáo; một số trường hợp sau khi điều tra bổ sung không có đủ căn cứ truy tố, xét xử dẫn đến đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.
Việc điều tra bổ sung đã được cơ quan tiến hành tố tụng các cấp thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục Bộ luật hình sự quy định, như: Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung được thể hiện bằng quyết định tố tụng do người có thẩm quyền ký; kết thúc điều tra bổ sung Cơ quan điều tra ban hành kết luận điều tra bổ sung; việc giao nhận hồ sơ, áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn điều tra bổ sung được thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS.
Về cơ bản các yêu cầu điều tra bổ sung đều được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, góp phần đảm bảo việc điều tra, truy tố xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với các yêu cầu điều tra bổ sung không có căn cứ hoặc không cần thiết đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có văn bản trả lại hồ sơ, kịp thời đáp ứng với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo thời hạn theo quy định của BLTTHS.
2.3.2. Những bất cập, hạn chế
Một số địa phương chưa quản lý chặt chẽ các vụ án điều tra bổ sung nên số liệu thống kê chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là số lần trả điều tra bổ sung, thời hạn điều tra bổ sung; chưa làm rõ được số vụ trả hồ sơ đúng, trả sai và trách nhiệm cụ thể của cơ quan, cá nhân liên quan.
Trình tự, thủ tục điều tra bổ sung có nhiều vụ chưa đảm bảo, như: Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và việc kết thúc điều tra bổ sung thể hiện bằng công văn; sau khi điều tra bổ sung thay đổi nội dung truy tố nhưng không ban hành cáo trạng mới thay thế cáo trạng cũ, hoặc có trường hợp lúng túng trong việc giao nhận hồ sơ, vật chứng hoặc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra bổ sung.
Vẫn còn trường hợp lạm dụng việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, để hợp lý hóa về thời hạn tố tụng hoặc ngược lại lo sợ ảnh hưởng đến thành tích nên không củng cố chứng cứ, tài liệu dẫn đến không đảm bảo căn cứ để truy tố, xét xử.
Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ hoặc yêu cầu điều tra bổ sung không khả thi, dẫn đến việc điều tra bổ sung không thực hiện được làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Thực hiện việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung không đúng hướng, không triệt để, không đáp ứng được yêu cầu điều tra bổ sung của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.
2.3.3. Các nguyên nhân của những hạn chế
* Các nguyên nhân khách quan
Hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thiện, thời hạn điều tra ban đầu còn quá ngắn. Xuất phát từ trình độ của điều tra viên, số lượng điều tra viên ít, địa hình nước ta hiểm trở, các phương tiện kỹ thuật còn hạn chế mà thời hạn để điều tra ban đầu quá ngắn dẫn đến việc các điều tra viên không điều tra được kỹ càng;
Trong hoạt động lập pháp cũng như áp dụng pháp luật, nhận thức về bản chất, vai trò của chế định trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn chưa thống nhất, thiếu nhất quán. Chế định trả hồ sơ để điều tra bổ sung được xây dựng trên qua điểm không bỏ lọt tội phạm, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng mà chưa xuất phát từ cơ chế và các chức năng buộc tội của
Viện kiểm sát, chức năng xét xử của Tòa án; Từ quan hệ chế ước giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Vì vậy, các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố và xét xử không khác nhau; trong nhiều trường hợp biến Tòa thành cơ quan buộc tội; đồng thời trong nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng đã "phối hợp" với nhau để kéo dài thời hạn tố tụng, giúp nhau "khắc phục" các sai sót trong tố tụng hình sự... gây thiệt hại cho người tham gia tố tụng, nhất là bị can, bị cáo;
Các quy định của pháp luật về căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Dẫn đến việc hiểu và vận dụng điều luật của các cơ quan tiến hành tố tụng không đồng nhất;
Các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật còn thiếu về số lượng, thậm chí một số văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo.
Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước đã được áp dụng trên thực tế từ nhiều năm nay. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa có cơ chế pháp luật rõ ràng bảo đảm cho người tiến hành tố tụng yên tâm công tác, nhất là trong trường hợp để xảy ra oan, sai dẫn đến một số thẩm phán, Kiểm sát viên có tâm lý quá thận trọng trong việc xử lý tội phạm hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là đối với các vụ án phức tạp, dư luận quan tâm...
* Các nguyên nhân chủ quan
Do chất lượng điều tra vụ án kém xuất phát từ nguyên nhân vừa thiếu vừa yếu của Điều tra viên. Cũng chính vì vừa thiếu vừa yếu nên có nhiều vụ án hình sự được xác định là trọng điểm, có sự chỉ đạo tập trung, nhưng thời gian tiến hành điều tra kéo dài, không chỉ vi phạm thời hạn điều tra, mà còn có nguy cơ xâm phạm quyền con người trong hoạt động tư pháp. Chất lượng điều tra trong một số vụ án còn yếu kém, do đó, hồ sơ bị trả để điều tra bổ sung nhiều lần. Qua các lần trả hồ sơ của Viện kiểm sát, Tòa án thể hiện rõ việc thu thập chứng cứ thiếu; công tác giám định phục vụ cho công tác điều
tra còn hạn chế; việc tham gia tố tụng của luật sư từ giai đoạn điều tra gặp khó khăn do đó dẫn đến tình trạng vi phạm quyền yêu cầu luật sư bào chữa của người bị tạm giữ, bị can.
Có thể nói vụ án Lê Văn Thương và các bị cáo khác ở Bắc Giang bị Viện kiểm sát truy tố về tội "Trộm cắp tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" là một ví dụ điển hình về việc chất lượng một số Điều tra viên yếu kém. Khi trong Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang yêu cầu điều tra bổ sung thêm 10 vấn đề trong đó bao gồm về chứng cứ, về yêu cầu giám định, về vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Là hầu hết các căn cứ quy định tại Điều 280 BLTTHS.
Vai trò của Viện kiểm sát, các kiểm sát viên trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự trong nhiều trường hợpcòn rất bị động. Nhiều vụ án có dấu hiệu vi phạm về thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam; vi phạm nghiêm trọng tố tụng, việc thu thập, đánh giá chứng cứ sơ sài. Cơ chế ủy quyền công tố đang phát sinh nhiều bất cập, dẫn đến khó khăn cho việc tranh tụng tại phiên tòa.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực xét xử của Thẩm phán chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Trong một số trường hợp, Tòa án chưa thật sự đóng được vai trò là trọng tài khách quan, chưa thể hiện bản chất dân chủ theo tinh thần cải cách tư pháp và thực hiện tranh tụng tại phiên tòa. Kết quả tranh tụng tại một số phiên tòa chưa được coi là căn cứ để ra phán quyết.
Khả năng nhận thức, đánh giá chứng cứ của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử còn hạn chế. Nhiều vụ án bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, kéo dài thời hạn giải quyết, thời hạn tạm giam bị cáo.
"Chưa phân biệt được "vi phạm thủ tục tố tụng" và "vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng", giữa "áp dụng sai pháp luật" và "áp dụng sai pháp luật nghiêm trọng" dẫn đến hủy, sửa bản án, quyết định không có căn cứ".
Trách nhiệm trong công tác, năng lực quản lý và điều hành của một số cán bộ lãnh đạo tại các cơ quan tố tụng địa phương còn hạn chế nên ảnh hưởng tới chất lượng điều tra, truy tố, đặc biệt là chất lượng xét xử các loại vụ án, cũng như việc để án tồn đọng quá thời hạn luật định, nhưng không chủ động đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo cấp trên để kiện toàn tổ chức hoặc có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng này...
Chương 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP