hợp đồng kinh doanh, thương mại với các quy định tương ứng trong Luật Dân sự mà vẫn thể hiện được tính đặc thù của bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Từng bước nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật của doanh nghiệp nói chung và người có thẩm quyền trong các cơ quan tố tụng nói riêng về lĩnh vực bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại thông qua việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó giúp mỗi người ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với các quyền, nghĩa vụ dân sự nói chung và trong lĩnh vực thương mại nói riêng.
Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp về hợp đồng nói chung và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại nói riêng. Tuy nhiên, chính trong quá trình thực thi, thực tiễn cuộc sống cho thấy đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, kiến giải các vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại, từ đó tạo tiền đề cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại 2005 trong thời gian tới để đáp ứng các yêu cầu phát triển nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
KẾT LUẬN
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại với bản chất là một chế tài dân sự, ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường góp phần đảm bảo để cam kết của các bên trong hợp đồng kinh doanh, thương mại được thực thi một cách đầy đủ và có hiệu quả mà mục đích chính là thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế. Chính trong sự phát triển của nền kinh tế đó luôn có sự đòi hỏi của thực tiễn là các quy phạm pháp luật điều chỉnh cả ở góc độ hình thức cũng như nội dung các quan hệ kinh doanh, thương mại cần phải được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với các quan hệ mới phát sinh nhằm xây dựng một hành lang pháp lý ổn định, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu hoàn thiện pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại nói riêng luôn là một yêu cầu cấp thiết nhằm huy động các nguồn lực trong nước để phát triển kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng kinh doanh, thương mại nói chung và pháp luật về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại nói riêng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và đó cũng là cam kết để Việt Nam thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của mình, góp phần đẩy nhanh tiến trình giao thương với các nước trên thế giới, thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, đây chính là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.