2.3. Điều kiện về ý chí của các bên chủ thể
2.3.2. Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của ngườ
được cho làm con nuôi
Luật Nuôi con nuôi quy định:
Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết,
mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó [30 Điều 21, Khoản 1].
Quy định này kế thừa khoản 1 Điều 71 Luật HN&GĐ năm 2000. Việc cho con mình làm con nuôi người khác thường là việc làm bất đắc dĩ trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định mà cha mẹ đẻ không đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục cho con. Vì vậy, khoản 3 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định việc cho con làm con nuôi phải xuất phát từ sự tự nguyện và ý chí độc lập của cha mẹ đẻ trên cơ sở lợi ích của đứa trẻ, với mong muốn đứa trẻ sẽ có môi trường sống tốt hơn. Sự tự nguyện này được hình thành trên cơ sở nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và hậu quả pháp lí của việc cho con làm con nuôi, phù hợp với mong muốn và tình cảm của cha mẹ đẻ, phù hợp với lợi ích của người con nuôi. Mọi sự đồng ý cho con làm con nuôi vì mục đích trục lợi đều không phù hợp với bản chất của việc nuôi con nuôi và không phải tự nguyện thật sự. Ngược lại, mọi sự tác động, dụ dỗ, lừa dối, cưỡng ép… để có được sự đồng ý của cha mẹ đẻ trong việc cho con mình làm con nuôi cũng đều không hợp pháp và về nguyên tắc không có giá trị pháp lí. Sự đồng ý đó phải được thể hiện một cách khách quan bằng văn bản và phải được xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp cơ sở nơi cư trú của cha mẹ đẻ. Sự đồng ý của cha mẹ đẻ khi cho con đi làm con nuôi thể hiện qua những trường hợp sau:
- Khi cha mẹ đẻ đều còn sống và có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ đẻ của trẻ em đó trong việc cho con làm con nuôi, kể cả trong trường hợp cha mẹ đẻ đã li hôn, chỉ có một người (cha đẻ hoặc mẹ đẻ) trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đó;
- Khi một người, cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết hoặc bị tuyên bố là đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chỉ cần sự đồng ý của người kia;
- Khi không xác định được cha đẻ của đứa trẻ thì chỉ cần sự đồng ý của người mẹ; khi không xác định được mẹ đẻ của đứa trẻ thì chỉ cần sự đồng ý của người cha đẻ;
Sự đồng ý của cha mẹ đẻ là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lý. Còn nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha mẹ thì phải được sự đồng ý của người giám hộ. Như vậy, người giám hộ chỉ có quyền thể hiện ý chí cho người mà mình giám hộ làm con nuôi khi cả cha mẹ đẻ của người đó đều không xác định được hoặc đều đã chết, bị tuyên bố chết hoặc đều mất năng lực hành vi dân sự. Người giám hộ ở đây có thể là người giám hộ đương nhiên, người giám hộ được cử hoặc người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng. Theo quy định của pháp luật, người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng chỉ có quyền đồng ý cho trẻ em đang sống ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi “trong trường hợp trẻ em có nguồn gốc bị bỏ rơi, bị bỏ lại cơ sở y tế hoặc khi trẻ em đó được đưa vào cơ sở nuôi dưỡng đã có giấy của cha mẹ đẻ đồng ý cho con làm con nuôi hoặc cha mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự (…)”. Giấy thoả thuận đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của người giám hộ phải có xác nhận của uỷ ban nhân dân cơ sở nơi cư trú của người giám hộ.
Luật Nuôi con nuôi còn quy định vai trò của cán bộ tư pháp hộ tịch ở Ủy ban nhân dân xã trong việc tư vấn đối với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ, quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi:
Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó
Nghị định 19/2011/NĐ-CP cũng quy định:
Công chức tư pháp – hộ tịch phải tư vấn để trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình; trường hợp cho trẻ em làm con nuôi là giải pháp cuối cùng, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em thì công chức tư pháp – hộ tịch phải tư vấn đầy đủ cho những người có liên quan về mục đích nuôi con nuôi, quyền nghĩa vụ giữa các bên sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập [8 Điều 9].
Quy định này là cần thiết bởi sự tư vấn của các cán bộ tư pháp hộ tịch sẽ giúp cho cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ hiểu rõ các vấn đề về việc nuôi con nuôi, đặc biệt là hậu quả pháp lý khi xác lập việc nuôi con nuôi, từ đó cha mẹ đẻ sẽ suy nghĩ kỹ lưỡng về việc có nên cho trẻ làm con nuôi hay không. Sau khi tư vấn, cán bộ tư pháp sẽ tiến hành các thủ tục lấy ý kiến của những người trên theo quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Nuôi con nuôi.
Khoản 4 Điều 21 Luật Nuôi con nuôi quy định “Cha mẹ đẻ chỉ được
đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã sinh ra ít nhất 15 ngày” [30]. Quy định này nhằm tránh các trường hợp cha mẹ đẻ và cá nhân khác có sự thỏa thuận cho trẻ làm con nuôi trước khi sinh; hoặc cha mẹ đẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã chấp nhận cho con vừa sinh ra làm con nuôi mà không có sự suy nghĩ kỹ lưỡng. Mặt khác đứa trẻ vừa mới sinh ra còn non yếu, sức đề kháng đang còn kém nên cần đến sự chăm sóc của người mẹ một thời gian để đứa trẻ cứng cáp hơn. Do đó, thời gian 15 ngày sau khi sinh con sẽ là thời gian để đứa trẻ ổn định về sức khỏe đồng thời cũng là thời gian để cha mẹ đẻ suy nghĩ kỹ hơn về việc có nên cho con làm con nuôi của người khác hay không. Điều đó cũng góp phần tạo cơ hội cho trẻ được sống trong gia đình cha mẹ đẻ, gia đình gốc ruột thịt của mình.