Đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các điều kiện nuôi con nuôi theo luật nuôi con nuôi năm 2010 (Trang 56 - 66)

2.4. Đăng ký việc nuôi con nuôi

2.4.2. Đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài bao gồm 4 loại việc sau: đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; đăng ký việc nuôi con nuôi tại khu vực biên giới; đăng ký nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài và công nhận việc nuôi con nuôi đã được tiến hành tại nước ngoài. Tương ứng với các trường hợp đó việc đăng ký nuôi con nuôi có các trình tự, nội dung và thẩm quyền khác nhau.

2.4.2.1. Đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

Việc đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam bao gồm các trường hợp Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam hoặc công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em là người ngoài làm con nuôi và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định 19/2011/NĐ-CP thì trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi người nước ngoài là trẻ em có từ hai nguồn: cơ sở nuôi dưỡng và từ gia đình.

Điều 11 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài là những cơ sở nuôi dưỡng được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật; có đội ngũ nhân viên đủ

tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn trong lĩnh vực chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và am hiểu về lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài và phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài. Như vậy không phải tất cả các cơ sở nuôi dưỡng đều được phép cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, mà tùy theo tình hình của mỗi địa phương mà UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ chỉ định một hoặc một số cơ sở nuôi dưỡng được phép giới thiệu trẻ em ở cơ sở đó làm con nuôi người nước ngoài.

Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước tại Việt Nam do

Sở tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi đăng ký (khoản 2 Điều 9 Luật Nuôi con nuôi năm 2010). Tuy nhiên, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trình tự, thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam:

Theo Điều 17 Nghị định 19/2011/NĐ-CP thủ tục nộp và tiếp nhận hồ sơ của người nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài có 2 trường hợp:

Đối với trường hợp thông thường, người nhận nuôi con nuôi cần chuẩn bị hồ sơ xin nhận con nuôi theo Điều 31 Luật Nuôi con nuôi. Hồ sơ của trẻ được giới thiệu làm con nuôi quy định tại Điều 32 Luật Nuôi con nuôi. Việc lập hồ sơ của trẻ được giới thiệu làm con nuôi do cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.

Trẻ em Việt Nam chỉ được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài sau khi đã thực hiện mọi biện pháp tìm kiếm gia đình thay thế cho trẻ ở trong nước mà không được. Việc tìm gia đình thay thế cho trẻ được thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi. Việc tìm mái ấm được thực hiện ở ba cấp: xã, tỉnh và trung ương. Ở cấp xã, việc tìm gia đình thay thế được thực hiện bằng cách niêm yết tại trụ sở Uỷ ban nhân dân trong

thời hạn 60 ngày; ở cấp tỉnh, được thực hiện bằng cách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh trong thời hạn 60 ngày; ở Trung ương được thực hiện bằng việc đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Nếu hết thời hạn này mà không có người trong nước nhận làm con nuôi, thì trẻ em mới được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài.

Ngoài ra, Điều 36 của Luật Nuôi con nuôi quy định, nếu hết thời hạn trên, trẻ em đang được xem xét để giới thiệu cho làm con nuôi người nước ngoài nhưng Sở Tư pháp chưa giới thiệu cho người xin nuôi con nuôi cụ thể nào đó, mà có người trong nước nhận trẻ làm con nuôi thì vẫn được xem xét, giải quyết. Quy định tìm gia đình thay thế cho trẻ em trong Luật Nuôi con nuôi đã thể hiện được trách nhiệm của các cấp, ngành từ cấp xã, cấp tỉnh và cấp trung ương trong việc tìm gia đình thay thế cho trẻ, đảm bảo cho trẻ có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tạo cơ hội đến mức tối đa để tìm được mái ấm gia đình thay thế trong nước. Luật còn quy định công dân trong nước có nhu cầu và nguyện vọng nhận trẻ em làm con nuôi mà chưa xác định được trẻ em cần nhận làm con nuôi thì có thể đăng ký nhu cầu với Sở Tư pháp nơi thường trú (Điều 16), nếu có trẻ em để giới thiệu thì Sở Tư pháp giới thiệu người đó đến UBND cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét giải quyết. Đây là biện pháp tích cực nhằm bảo đảm việc nuôi con nuôi trong nước, bảo đảm trẻ có cơ hội tìm được mái ấm gia đình thay thế ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định trên đã thể hiện khá rõ yêu cầu tìm gia đình thay thế cho trẻ em tốt nhất là trong nước, đảm bảo các nguyên tắc của việc nuôi con nuôi.

Việc thẩm tra xác nhận trẻ có đủ điều kiện để giới thiệu làm con nuôi nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Nuôi con nuôi và Điều 16 Nghị định 19/2011/NĐ-CP. Theo đó trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ Sở Tư pháp tiến hành thẩm định hồ sơ của trẻ em bao

gồm việc kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của những người có liên quan và đối chiếu với các quy định về đối tượng, độ tuổi của trẻ em được nhận làm con nuôi. Đối với trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài cần được xác minh thì Sở Tư pháp đề nghị Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác minh. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan công an có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản. Nội dung của văn bản xác minh đầy đủ và kết luận rõ ràng về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ. Quy định này là cần thiết đảm bảo việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài có được mái ấm gia đình là lựa chọn đúng nhất, phù hợp với lợi ích của trẻ khi không thể tìm được gia đình trong nước cho trẻ em đó.

Trường hợp xin con nuôi đích danh quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi quy định là trường hợp cá nhân hoặc cặp vợ chồng xin nhận một đứa trẻ đã xác định làm con nuôi mà không phải qua giới thiệu. Việc xin đích danh được thực hiện theo những điều kiện nhất định được Luật Nuôi con nuôi quy định cụ thể và chặt chẽ hơn so với nhận nuôi con nuôi thông thường. Hồ sơ của người nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Nuôi con nuôi và Điều 13 Nghị định 19/2011/NĐ-CP gồm có: các giấy tờ đầy đủ của người nhận nuôi theo quy định như trong trường hợp nhận nuôi con nuôi thông thường. Ngoài ra, người nhận con nuôi đích danh còn chuẩn bị thêm các tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Nuôi con nuôi.

* Trình tự, thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Người xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài nộp hồ sơ xin nhận con nuôi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thủ tục nộp và tiếp nhận hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được thực hiện theo quy định

tại khoản 3 Điều 31 của Luật Nuôi con nuôi và quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định 19/2011/NĐ-CP cụ thể:

- Trường hợp nhận con nuôi đích danh, thì người nhận con nuôi trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Trường hợp có lý do chính đáng mà không thể trực tiếp nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi, người nhận con nuôi ủy quyền bằng văn bản cho người có quan hệ họ hàng, thân thích thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi hoặc gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi qua đường bưu điện theo hình thức gửi bảo đảm.

- Trường hợp nhận con nuôi thông thường, thì người nhận con nuôi thường trú tại nước nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi thông qua tổ chức con nuôi của nước đó được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Nếu nước đó không có tổ chức con nuôi được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ cho Cục Con nuôi thông qua Cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của nước đó tại Việt Nam.

Sau khi xem xét và tiếp nhận hồ sơ Cục Nuôi con nuôi sẽ kiểm tra và thẩm định hồ sơ để xác định người nhận con nuôi đã được cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật của nước đó và người nhận con nuôi đáp ứng đủ điều kiện nuôi con nuôi theo pháp luật Việt Nam (Khoản 1 Điều 18 Nghị định 19/2011/NĐ-CP). Trong qua trình thẩm định hồ sơ, nếu thấy cần thiết, Cục Con nuôi lấy ý kiến của chuyên gia tâm lý, y tế, gia đình, xã hội để xác định người nhận con nuôi có điều kiện tốt nhất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi (khoản 2 Điều 18 Nghị định 19/2011/NĐ-CP) để đảm bảo trẻ được nhận nuôi được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất. Nếu người xin nhận con nuôi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định thì Cục Nuôi con nuôi chuyển hồ sơ của người đó cho Sở Tư Pháp để Sở Tư pháp sẽ giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Việc chuyển hồ sơ phải căn cứ số lượng trẻ em có đủ điều

kiện làm con nuôi nước ngoài và số lượng hồ sơ của người nhận con nuôi đã được chấp thuận.

Trình tự giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài được thực hiện theo quy định Điều 36 Luật Nuôi con nuôi và quy định cụ thể tại Điều 20 Nghị định 19/2011/NĐ-CP. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người nhận con nuôi, Sở Tư pháp xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện vì lợi ích của trẻ em, có tính đến lợi ích của người nhận con nuôi trên cơ sở bảo đảm những yêu cầu cơ bản là: phù hợp với đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em; khả năng hòa nhập và phát triển của trẻ em và điều kiện kinh tế, môi trường gia đình, xã hội và nguyện vọng của người nhận con nuôi. Đồng thời phải đảm bảo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Nuôi con nuôi đó là chỉ được giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài sau khi sau khi kết thúc thời hạn tìm kiếm gia đình thay thế cho trẻ ở trong nước mà không tìm được.

Sau khi hoàn tất thủ tục giới thiệu trẻ em làm con nuôi và có quyết định cho trẻ em đi làm con nuôi ở nước ngoài của UBND cấp tỉnh, người nhận con nuôi phải có mặt ở Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi; trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt tại lễ giao nhận con nuôi thì phải có ủy quyền cho người kia. Sở Tư pháp sẽ đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch và tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp, với sự có mặt của đại diện Sở Tư pháp, trẻ em được nhận làm con nuôi, cha mẹ nuôi, đại diện cơ sở nuôi dưỡng đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ gia đình. Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và đại diện Sở Tư pháp. Ngoài ra, khoản

4, khoản 5 Điều 37 Luật Nuôi con nuôi còn quy định, sau khi giao nhận con nuôi, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi Bộ Tư pháp quyết định cho trẻ em là con nuôi nước ngoài của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, biên bản giao nhận con nuôi, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài. Bộ Tư pháp gửi quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về việc trẻ em được nhận làm con nuôi. Việc thông báo này nhằm mục đích để Bộ Tư pháp, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của trẻ em được biết để theo dõi quá trình phát triển của trẻ ở môi trường mới và để thực hiện biện pháp bảo hộ trẻ em trong trường hợp cần thiết. Quy định này đảm bảo việc trẻ em cho làm con nuôi luôn được theo dõi và bảo vệ khi đang sống ở môi trường hoàn toàn xa lạ với mình, và đang cần thời gian thích nghi với môi trường mới. So với thủ tục đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài của Luật HN & GĐ năm 2000 và Nghị định 68/2002/NĐ-CP, Nghị định 69/2006/NĐ-CP, quy định về trình tự, thủ tục đăng ký trong Luật Nuôi con nuôi và Nghị định 19/2011/NĐ-CP chặt chẽ hơn, đảm bảo thực hiện đúng mục đích nhân đạo của việc nuôi con nuôi.

Điều 38 Luật Nuôi con nuôi quy định khi có yêu cầu từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, Bộ Tư pháp sẽ chứng nhận việc nuôi con nuôi đã được giải quyết theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi và điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam là thành viên để gửi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.

Có thể nói thủ tục đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam là loại việc chủ yếu chiếm số lượng lớn nhất trong các loại việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài là vấn đề cực kỳ hệ trọng, liên quan đến số phận của một con người sẽ phải

sống xa quê hương, đất tổ của mình. Một quyết định không được cân nhắc kỹ lưỡng, thiếu chính xác, nhận thức không đúng về vấn đề nuôi con nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích cơ bản của trẻ em. Vì vậy, việc thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là yêu cầu cần thiết đảm bảo cho lợi ích của những trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài.

2.4.2.2. Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các điều kiện nuôi con nuôi theo luật nuôi con nuôi năm 2010 (Trang 56 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)