Nguyên nhân từ hoạt động quản lý trong lĩnh vực hải quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng theo luật hình sự việt nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn thành phố hải phòng) (Trang 76 - 78)

Để xuất khẩu được hàng hóa qua biên giới, doanh nghiệp phải làm tờ khai hải quan, thuê phương tiện vận tải (chủ yếu bằng ô tô và tàu biển) đưa hàng hóa tới cửa khẩu, làm thủ tục kiểm hóa, kiểm dịch. Muốn hoàn tất được các công đoạn đó tại cửa khẩu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với cán bộ Hải quan, biên phòng, kiểm dịch. Nếu không có sự bảo kê hay tiếp tay của các lực lượng này thì doanh nghiệp không thể thực hiện được hành vi “xuất khống”, “xuất ít, khai nhiều” hoặc quay vòng hàng hóa xuất khẩu mà vẫn có được bộ hồ sơ xuất khẩu hàng hóa hợp lệ. Thủ đoạn phổ biến là dùng tiền, vật chất để mua chuộc, lôi kéo cán bộ Hải quan. Khi đối tượng đã mắc câu, dấn thân vào ý đồ của chúng thì chúng dùng thủ đoạn cao hơn là khống chế. Cán bộ Hải quan há miệng mắc quai, không làm theo yêu cầu của chúng thì sẽ bị tố giác. Trừ một số ít đã có ý đồ làm giàu bất chính, đã cam tâm ngay từ đầu, đa số còn lại bị dụ dỗ, lôi kéo, nhắm mắt làm liều. Cán bộ Hải quan đã trở thành người bao che, tiếp tay cho những kẻ vi phạm. Chỉ đến lúc bị phát hiện, bị bắt giữ mới thấy hối tiếc, khi đó đã quá muộn. Hầu hết tại các cửa khẩu đều

có hiện tượng tiêu cực trong lực lượng Hải quan, chỉ khác ở mức độ vi phạm khác nhau. Điển hình như vụ án Lê Tiến Trung chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước, Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 cán bộ hải quan tại Cảng Hải Phòng để điều tra về tội nhận hối lộ. Ba cán bộ này đã nhận tiền của Trung và các đồng bọn để tiếp tay cho hoạt động buôn lậu của Trung.

Lợi dụng các tư thương có hàng xuất khẩu, người phạm tội còn “mượn” hoặc thuê hàng để có được xác nhận Hải quan. Trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu, thủ đoạn phổ biến là tăng tỉ lệ gia công để tăng chi phí và thuế đầu vào nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng tiền hoàn thuế đầu vào để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Ví dụ như vụ án Hoàng Đại Viên đã thành lập công ty chuyên gia công hàng hóa cho doanh nghiệp Trung Quốc, sau khi nhập quần áo hoàn chỉnh gắn mác “Made in China”, sau đó tháo mác ra và gắn mác “Made in Vietnam”, trong khi đó tờ khai hải quan của công ty này lại ghi là nhập quần áo để gia công hàng xuất khẩu. Ở đây rõ ràng có sự tiếp tay của Hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu.

Tương tự như ngành Hải quan, một số cán bộ ngành Thuế đã lợi dụng sự hiểu biết chính sách, pháp luật thuế nhằm giúp đỡ tạo điều kiện cho những kẻ vi phạm. Những cán bộ thuế này có khi trực tiếp hướng dẫn hoàn thiện những hóa đơn, chứng từ, bảng kê... sao cho đúng luật. Hoặc cán bộ thế thiếu trách nhiệm, không kiểm tra hồ sơ xin hoàn thuế theo đúng quy trình của pháp luật, có trường hợp cán bộ trực tiếp kiểm tra hồ sơ biết rõ là chưa đúng thủ tục, còn thiếu tài liệu, song do có sự thỏa thuận trước mà bỏ qua, vẫn cho doanh nghiệp được hoàn thuế. Đến khi ngành Thuế tự kiểm tra hoặc cơ quan chức năng kiểm tra thì mới bị phát hiện. Điều này cho thấy, công tác cán bộ còn nhiều yếu kém. Ngoài việc nâng cao trình độ, năng lực thì một việc không kém phần quan trọng là nâng cao đạo đức, phẩm chất người cán bộ. Với môi trường công tác dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền thì việc giáo dục ý thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm là luôn luôn cần thiết và cấp thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng theo luật hình sự việt nam (trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn địa bàn thành phố hải phòng) (Trang 76 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)