PHÁP LÝ, THỰC TIỄN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ quyền của việt nam trên biển đông nhìn từ góc độ pháp lý, thực tiễn và lời giải cho bài toán giải quyết tranh chấp biển đông (Trang 59 - 63)

2.1. Cơ sở pháp lý và thực tiễn xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông Đông

2.1.1 Cơ sở pháp lý xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Trong phân định biển cũng như xác lập chủ quyền trên biển, Việt Nam đã dựa trên một nền tảng pháp lý tương đối vững chắc là các quy định của pháp luật quốc tế cũng như các văn bản pháp lý của quốc gia được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc và thực tiễn quốc tế. Tại kỳ họp thứ 5, khóa IX ngày 23/06/1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, chính thức trở thành thành viên thứ 63 của Công ước. Công ước bắt đầu có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 16/11/1994. Theo đó, Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa của mình theo quy định của Công ước, đồng thời có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục với các nước láng giềng. Như vậy, Nhà nước ta đã chính thức hóa cơ sở pháp lý quốc tế về phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa cũng như lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển. Có thể nói Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc là nền tảng pháp lý vững chắc để minh chứng rằng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đã được xác định theo những nguyên tắc, phương pháp phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế.

Để việc phân định biển giữa Việt Nam và các quốc gia láng giếng đi theo một tiếng nói chung trên nền tảng pháp lý cụ thể và có thể đạt được những hiệu quả nhất định, Việt Nam đã đàm phán ký kết nhiều Hiệp định như: Hiệp định về vùng

giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia năm 1983; Hiệp định giữa Thái Lan và Việt Nam trong việc phân định biên giới biển giữa hai quốc gia trong Vịnh Thái Lan ngày 09/08/1997; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngày 25 tháng 12 năm 2000; Hiệp định về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/12/2000 và Nghị định thư bổ sung Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, ngày 29/04/2004; Tuyên bố ASEAN về ứng xử các bên ở Biển Đông năm 2002; Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonexia năm 2003. Sau khi ký kết các Hiệp định, Việt Nam đã tiến hành phân lô cắm mốc, xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia theo các thỏa thuận mà các bên đã thống nhất.

Nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng về biển, đảo như: Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 112/05/1977 về Lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia ngày 17/06/2003; Nghị định 242 – HĐBT ngày 05/08/1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy chế về việc các bên nước ngoài và phương tiện nước ngoài vào nghiên cứu khoa học ở các vùng biển nước CHXHCN Việt Nam; Luật Biển Việt Nam ngày 21/06/2012 .... Các văn bản pháp lý quốc gia này được xây dựng phù hợp với các nguyên tắc và quy định của pháp luật quốc tế, tạo cơ sở cho Việt Nam tiến hành việc xác lập và thực hiện chủ quyền cũng như bảo đảm sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.

2.1.2 Nguyên tắc, phương pháp xác lập chủ quyền trên biển của Việt Nam

2.1.2.1 Nguyên tắc

Tại điều 5 của Luật biên giới quốc gia 2003 có quy định:

“Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Các đường ranh giới ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan”

Như vậy, trong việc phân định biển, Việt Nam chủ trương tôn trọng các nguyên tắc đã được quy định trong Công ước Luật biển 1982 cũng như các quy định trong các điều ước quốc tế được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Theo Công ước Luật biển 1982, khi phân định các vùng biển giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau, chỉ có việc phân định lãnh hải phải tuân theo nguyên tắc đường trung tuyến, còn với các vùng biển khác, không quy định một nguyên tắc bắt buộc chung nào. Tuy nhiên, Công ước vẫn luôn đề cao sự công bằng cũng như giá trị của việc thỏa thuận giữa các quốc gia trong phân định biển. Trong các Hiệp định về phân định biển ký kết với các nước láng giềng, các bên đều thỏa thuận căn cứ nguyên tắc giải quyết là “áp dụng Luật biển quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế" và “theo nguyên tắc công bằng, có tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong vùng để đi đến một giải pháp công bằng”. Chính vì vậy, ngoài nguyên tắc đường trung tuyến, việc phân định biển của Việt Nam còn được thực hiện theo các nguyên tắc thỏa thuận và nguyên tắc công bằng.

Thực tiễn phân định biển của các quốc gia và các án lệ quốc tế sau năm 1982 cho thấy không có một tiêu chí cụ thể và duy nhất nào về “giải pháp công bằng”. Trong mỗi trường hợp phân định cụ thể, ”giải pháp công bằng” được coi là giải pháp mà các bên hữu quan có thể chấp nhận được sau khi xem xét tất cả các yếu tố liên quan trong khu vực phân định và áp dụng linh hoạt các quy định về phân định. Ngoài ra, thực tiễn quốc tế cũng cho thấy không có một giới hạn pháp lý nào trong việc xác định các yếu tố liên quan.

2.1.2.2 Phương pháp

Ngay từ khi Công ước Luật biển 1982 còn đang được thương lượng, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 12/05/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng

đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quy định rõ việc phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng như sau:

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.

Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng và đã đạt được một số kết quả nhất định. Việt Nam đã phân định được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997; phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000; phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia năm 2003. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thỏa thuận tiến hành hợp tác khai thác chung khu vực thềm lục địa chồng lấn với Malaysia năm 1992. Đầu tháng 5/2009, Việt Nam phối hợp với Malaysia nộp Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông và Báo cáo riêng của Việt Nam về khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc Biển Đông.

Để đạt được các thành tựu trên, các bên đã tiến hành thông qua các Hiệp định về phân định biển. Tuy nhiên, không có một phương pháp cụ thể nào được đề xuất cho hoạt động phân định biển, các bên chỉ tiến hành trên cơ sở tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Theo đó hoạt động phân định biển của Việt Nam và các quốc gia được tiến hành theo các phương pháp sau:

- Phân định lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải

Điều 15 của Công ước Luật biển 1982, quy định: "Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thoả thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia cách khác nhau”. Như vậy, phương pháp

đường cách đều (trung tuyến) và biện pháp thỏa thuận giải pháp khác giữa các quốc gia trên cơ sở tính đến các yếu tố như danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt được ghi nhận như một phương pháp để giải quyết vấn đề phân định lãnh hải giữa các quốc gia. Đối với việc phân định vùng tiếp giáp lãnh hải, các quốc gia cũng chấp nhận áp dụng phương pháp dành cho phân định lãnh hải.

- Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa

Theo quy định của Điều 74 và Điều 83 Công ước Luật biển 1982 [14] thì không có phương pháp cụ thể nào áp dụng cho việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các bên thông qua con đường thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng. Chỉ khi các bên không đạt được thoả thuận thì mới sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình như quy định trong Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp quốc và các bên được quyền chọn các biện pháp hoà bình thích hợp. Công ước đã mở ra khả năng áp dụng rộng rãi tất cả các nguồn của luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề này, kể cả tập quán quốc tế cũng như các án lệ quốc tế và thực tiễn phân định giữa các quốc gia, để đạt được “thoả thuận”.

2.1.3 Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông – phù hợp Công ước Luật Biển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ quyền của việt nam trên biển đông nhìn từ góc độ pháp lý, thực tiễn và lời giải cho bài toán giải quyết tranh chấp biển đông (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)