Cơ sở lịch sử, pháp lý xác lập và thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ quyền của việt nam trên biển đông nhìn từ góc độ pháp lý, thực tiễn và lời giải cho bài toán giải quyết tranh chấp biển đông (Trang 112 - 119)

1982, bảo đảm công bằng theo tuyên bố ứng xử Biển Đông và các Hiệp định về phân định biển

2.3. Cơ sở lịch sử, pháp lý xác lập và thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Có thể nói, lịch sử là minh chứng hùng hồn cho thực tiễn xác lập và thực hiện chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Dẫu biết chúng ta cần căn cứ vào cơ sở pháp lý để có những luận cứ đanh thép bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia nhưng chúng ta cũng không thể thờ ơ với những chứng cứ đã được ghi lại trong lịch sử, bởi lẽ người ta có thể biến đổi được tương lai nhưng chẳng thể nào thay đổi được lịch sử. Chính vì vậy, khi đưa ra lời khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, tác giả cũng dùng những bằng chứng lịch sử cũng như những chứng cứ pháp lý làm nền tảng cho lập luận của mình.

2.3.1 Cơ sở lịch sử cho chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa

và Trường Sa

Ngược dòng lịch sử, trở về khoảng thời gian 1787 – 1788, khi vị trí của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ ràng, chính xác thì nhiều sách

địa lý và bản đồ của Việt Nam đã ghi chép các quần đảo này từ lâu đã là lãnh thổ của Việt Nam. Có thể kể đến các tác phẩm như: Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1838; Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII); Đại Nam thực lục tiền biên năm 1844; Đại Nam thực lục chính biên năm 1848; Đại Nam nhất thống chí năm 1882 hay các sách khác thời Nguyễn như Lịch triều hiến chương loại chí năm 1821, Hoàng Việt địa dư chí (1833); Việt sử cương giám khảo lược năm 1876 [88]. Theo các sách sử địa lý cổ và theo ghi chép của các giáo sĩ Phương Tây thì Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa kéo dài nhiều thế kỷ, liên tục từ triều đại này tới triều đại khác mà không có bất kỳ quốc gia nào phản đối. Các đội Hoàng Sa do Nhà nước thành lập trên hai quần đảo đó mỗi năm có mặt đều đặn từ 5 đến 6 tháng để hoàn thành nhiệm vụ do Nhà nước giao chính là bằng chứng đanh thép về việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam.

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, các đơn vị hải quân được cử ra đóng tại các đảo chính trong Trường Sa, các hoạt động xây dựng đèn biển, lập bãi thủy phi cơ cũng được tiến hành, vua Bảo Đại vẫn thực hiện việc quản lý hành chính đối với các địa danh tại hai quần đảo này. Với tư cách đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của các quốc gia khác tại hai quần đảo này.

Khi trở lại Đông Dương sau chiến tranh Thế giới thứ hai, đầu năm 1947, Pháp đã cho quân thay thế và yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ chiếm đóng trái phép cuối năm 1946 cũng như tiến hành xây dựng các trạm khí tượng và đài vô tuyến điện.

Năm 1951, tại Hội nghị Francisco, Việt Nam trong tuyên bố về việc ký hoà ước với Nhật, một lần nữa đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam: “và cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa” [88]. Khi đó, cả 51 quốc gia tham dự hội nghị, không quốc gia nào phản

đối ý kiến hay bảo lưu quan điểm đối với tuyên bố của Việt Nam. Đó cũng chính là một bằng chứng quan trọng minh chứng cho chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Tiếp quản sự chiếm hữu lãnh thổ biển, Chính quyền Sài Gòn đã tiếp tục thực hiện các hoạt động quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tiến hành xây bia chủ quyền cũng như đầu tư khai thác và phát triển tiềm năng từ biển đảo. Năm 1956, 1971, Bộ ngoại giao chính quyền Sài Gòn một lần nữa tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa đồng thời kịch liệt phản đối những hành động chiếm đóng của Trung Quốc tại nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như có những hành động thích đáng nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chủ trương, chiến lược, quyết sách phù hợp để thực hiện và bảo vệ chủ quyền cùa Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng cũng như với biển, đảo của Việt Nam nói chung.

Như vậy, về mặt lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định từ rất lâu, Hoàng Sa và Trường Sa đã là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã chiếm hữu và thực hiện các hoạt động quản lý hành chính cũng như xây dựng, phát triển kinh tế biển đảo, tiến hành các tuyên bố chủ quyền mà không bị bất kỳ quốc gia nào phản đối. Bằng chứng lịch sử mà chúng ta đang có là những minh chứng hùng hồn, đanh thép về thực tiễn xác lập và thực hiện chủ quyền lãnh thổ biển liên tục, thực sự và công khai của Việt Nam. Không quốc gia nào có quyền phán xét lịch sử bởi lẽ, lịch sử luôn phản ánh, ghi nhận hiện thực một cách khách quan nhất.

2.3.2 Cơ sở pháp lý và thực tiễn thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai

quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Với cái nhìn tổng quan về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông nói trên, có thể thấy, với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế cũng như các Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam và các văn bản pháp luật quốc gia. Do

đó, không có bất kỳ lý do gì để nói rằng Việt Nam đang thiếu và yếu về cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn trong những tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, theo tập quán pháp lý phương Tây lúc bấy giờ, sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này là một sự thật thể hiện bằng các hành động cụ thể từ việc chiếm hữu, quản lý, chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ được thực hiện một cách nhất quán, liên tục, hoà bình phù hợp với cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Sau đó, chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được khẳng định dựa trên các cơ sở pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp luật Quốc tế Lausanne năm 1888, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước về Luật Biển 1982 mà các thành viên đã ký kết (trong đó có cả những nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) đều phải tôn trọng. Thêm vào đó, các Tuyên bố của Chính Phủ Việt Nam, các văn bản pháp luật do Quốc Hội Việt Nam ban hành, đều đã nhấn mạnh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không hề nhận được ý kiến phản đối của bất kỳ quốc gia nào.

Nước Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thể hiện:

Thứ nhất, Nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây là chủ thể đầu tiên trong lịch sử đã làm chủ và thực hiện quyền kiểm soát, quản lý, cai trị và khai thác quần đảo Hoàng Sa với tư cách Nhà nước. Trước đó, Hoàng Sa không thuộc hệ thống địa lý hành chính hay chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào. Khi Việt Nam công khai chiếm hữu và thực hiện chủ quyền, không một quốc gia nào phản đối hay tranh chấp với Việt Nam.

Thứ hai, quyền làm chủ và cai trị của các chính quyền kế tiếp nhau của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là liên tục, thực sự rõ ràng và phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Việt Nam đã tổ chức những đơn vị hành chính của Nhà nước Việt Nam một cách liên tục và thích hợp.

được chính quyền kế tiếp nhau của Việt Nam tiến hành bằng nhiều biện pháp. Việc thăm dò, khảo sát, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền, trồng cây, xây đèn biển, đặt đài khí tượng, ... được tiến hành lâu đời và ngày càng được đẩy mạnh. Việc bảo vệ và kiểm tra, kiểm soát đã được thực hiện ngay từ đầu và được các chính quyền kế tiếp nhau đảm nhiệm liên tục.

Bốn là, các chính quyền kế tiếp nhau ở Việt Nam luôn tích cực bảo vệ chủ quyền của mình ở quần đảo Hoàng Sa trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam.

Năm là, chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được nhiều nhà hàng hải, nhà địa lý và các nhà nghiên cứu phương Tây xác nhận từ nhiều thế kỷ trước. Các triều đình Trung Quốc trong nhiều trường hợp đã trực tiếp hoặc gián tiếp công nhận quyền làm chủ và quyền khai thác quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng cũng thừa nhận Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý, căn cứ lịch sử và thực tế chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thực tiễn thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một quá trình liên tục, lâu dài, được bắt đầu tiến hành từ thời kỳ phong kiến và tiếp tục cho đến tận ngày nay. Thể hiện:

- Trong thời kỳ phong kiến, khi mới phát hiện và có danh nghĩa pháp lý với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chính quyền phong kiến Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình bằng cách thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hàng năm, trong nhiều tháng, để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu lượm các tài sản chìm đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn.

- Trong thời kỳ Pháp bảo hộ tại Việt Nam, toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Pháp. Các chuyến khảo sát và nghiên cứu khoa học đã được thực hiện ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1925 và ở Trường Sa từ năm 1927. Chính quyền Pháp ở Đông Dương cử phái đoàn đến treo cờ trên quần đảo Trường

Sa. Sau đó, từ năm 1930 đến 1933, các đơn vị hải quân Pháp đã chiếm cứ các đảo chính của quần đảo này: đảo Trường Sa (13/04/1930), đảo An Bang (07/04/1933), đảo Ba Bình (10/04/1933), nhóm Hai Đảo (10/04/1933), Loai Tạ (11/04/1933), Thị Tứ (12/04/1933) cùng các đảo nhỏ xung quanh các đảo nói trên [88]. Việc chiếm cứ của Pháp được thông báo qua công báo và không gặp bất cứ sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào. Năm 1933, Trường Sa được sát nhập vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1938, Hoàng Sa được sát nhập vào tỉnh Thừa thiên và một đơn vị hành chính được thành lập tại đây, sau đó Pháp đã tiến hành chiếm cứ thực sự toàn bộ quần đảo. Năm 1939, khi Nhật chiếm đóng rồi đổi tên Trường Sa thành Shinnan Gunto (Tân Nam Quần đảo) và đặt chúng dưới quyền tài phán của Cao Hùng (Đài Loan), Pháp gửi công hàm phản đối các hành động quân sự của Nhật và khẳng định quần đảo này là một phần lãnh thổ của An Nam. Chính quyền Pháp đã khôi phục lại sự có mặt của mình tại hai quần đảo khi Nhật đầu hàng năm 1945 và phản đối, yêu cầu Trung Hoa Dân Quốc rời khỏi quần đảo khi họ cử quân đội đến chiếm đóng đảo Ba Đình thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1946.

- Trong thời chính quyền Bảo Đại – sau khi Pháp rời khỏi Đông Dương, Việt Nam đã tiếp nhận lại việc quản lý, tiến hành kiểm soát và đối phó với Trung Quốc trong việc tranh chấp tại hai quần đảo. Việt Nam đã tiến hành các hoạt động như: cắm cờ, lập bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (8/1956), sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam (7/1961), khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo bằng thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 15 tháng 7 năm 1971, sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy (9/1973), cấp phép cho khai thác phân chim, bắt giữ nhóm quân Trung Quốc giả dạng ngư dân xâm chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa (2/1959). Tháng 1 năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ các đảo Hoàng Sa, chính quyền đã phản ứng mạnh mẽ và tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền của mình như: gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo An và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị can thiệp, tuyên bố khẳng định chủ quyền tại Hội nghị Ủy ban Kinh tế Viễn Đông (3/1974) và tại Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc về Luật Biển tại Caracas (7/1974), công bố sách trắng về Hoàng Sa và

Trường Sa (2/1975) [88].

- Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền của mình, tiến hành thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (12/1982), lập thị trấn Trường Sa bao gồm quần đảo Trường Sa, thị xã Cam Ranh và các đảo phụ cận (4/2007), liên tục có quân đồn trú tại quần đảo Trường Sa. Các lãnh đạo của Việt Nam tiến hành các chuyến đi thăm và khảo sát quần đảo Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền như: các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Quyết, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Đoàn Khuê vào tháng 5/1988, chuyến thăm của ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt vào tháng 4/1998 [88].

Như vậy, có thể khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên cơ sở pháp lý đó, Nhà nước đã tiến hành các hoạt động thực tiễn phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế để thực hiện chủ quyền của mình tại đây. Suốt một thời kỳ lịch sử liên tục, lâu dài, với nhiều lần thay đổi, tiếp nối của các Nhà nước, các thể chế chính trị, Việt Nam đã công khai xây dựng và bảo vệ lãnh thổ của mình mà không bị bất kỳ quốc gia nào phản đối. Điều đó cũng đủ nói lên rằng chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bất khả xâm phạm và chúng ta hoàn toàn có căn cứ để kiên quyết gìn giữ và bảo vệ chúng đến cùng.

Tóm lại, qua những phân tích, đánh giá ở trên, có thể thấy tình hình tranh chấp ở Biển Đông của Việt Nam tương đối phức tạp và khó giải quyết. Việt Nam dù đã xác lập, thực hiện chủ quyền quốc gia dựa trên nền tảng của quy định pháp luật và thực tiễn quốc tế nhưng trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông khó khăn và thách thức đối với Việt Nam là rất lớn. Không chỉ phải giải quyết khó khăn từ nội tại, Việt Nam còn phải đối mặt với các thách thức từ yếu tố khách quan, đặc biệt là những trở ngại được mang tới từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, với những quan điểm cùng lập trường rõ ràng, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ từ các quốc gia khác và đang trong tiến trình hoàn thành sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của mình.

Chương 3:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ quyền của việt nam trên biển đông nhìn từ góc độ pháp lý, thực tiễn và lời giải cho bài toán giải quyết tranh chấp biển đông (Trang 112 - 119)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)