Kết hợp bảo vệ chủ quyền từ pháp lý tới thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ quyền của việt nam trên biển đông nhìn từ góc độ pháp lý, thực tiễn và lời giải cho bài toán giải quyết tranh chấp biển đông (Trang 146 - 153)

BÀI TOÁN “GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG” 3 1 Lời giải cho bài toán “giải quyết tranh chấp Biển Đông”

3.3 Kết hợp bảo vệ chủ quyền từ pháp lý tới thực tiễn

3.3.1 Đảm bảo cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển

Vấn đề tranh chấp Biển Đông vẫn trong quá trình đàm phán, chưa tìm ra lời giải. Vì vậy, để bảo vệ chủ quyền trên biển của quốc gia, bên cạnh những bằng chứng lịch sử chúng ta cũng cần đảm bảo một cơ sở pháp lý vững chắc. Việc tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ pháp lý về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là một việc làm cần được coi trọng.

Bên cạnh việc áp dụng các quy định nền tảng của pháp luật quốc tế, chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm các phán quyết của Tòa án quốc tế trong quá trình giải quyết các vụ tranh chấp về lãnh thổ, chủ quyền quốc gia trên biển; sưu tầm, tổng hợp các ý kiến, quan điểm của các chuyên gia trong việc xác lập chủ quyền, giải quyết tranh chấp chủ quyền ... để có thêm cơ sở pháp lý chứng minh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển của mình.

Trong quá trình thương lượng với các bên tranh chấp, những lập luận về chủ quyền của Việt Nam dựa trên nguyên tắc và quy định của pháp luật quốc tế sẽ giúp chúng ta có cơ sở chứng minh cho yêu cầu chính đáng của mình và bảo vệ được những gì đã thuộc về chúng ta. Những bằng chứng pháp lý cũng sẽ là căn cứ để các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam nếu vụ việc được đưa ra xét xử.

Đảm bảo cơ sở pháp lý cho các yêu cầu chủ quyền của mình là việc làm cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển trong giai đoạn hiện nay. Bởi hòa bình và công lý là mục tiêu mà các quốc gia đang theo đuổi và bảo vệ còn pháp luật là công cụ duy nhất có thể duy trì và đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các quốc gia Các nước đang hướng tới việc giải quyết bất đồng trên nền tảng pháp luật nên khi hành động trên cơ sở pháp lý, Việt Nam sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các quốc gia khác và sẽ là nước nắm giữ được cơ hội bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

3.3.2 Kết hợp bảo vệ chủ quyền từ pháp lý tới thực tiễn

Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông nói chung và trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng không chỉ là vấn đề cấp thiết của cả dân tộc và các thế hệ người Việt Nam mà còn là vấn đề trọng đại mang tính chiến lược lâu dài. Chính vì vậy, chúng ta cần xây dựng một kế hoạch toàn diện, một lộ trình bài bản để mọi người dân có thể cùng hiểu, cùng sẻ chia và gánh vác trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Chúng ta không nên chỉ chú trọng củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý mà quên đi việc bảo vệ chủ quyền trên cơ sở thực tiễn. Yếu tố pháp lý và thực tiễn cần kết hợp hài hòa để hoạt động thực hiện và bảo vệ chủ quyền thêm hiệu quả.

Nhìn sang Trung Quốc, nước đang có tranh chấp với Việt Nam mới thấy việc quan tâm và đầu tư cho hoạt động bảo vệ chủ quyền được họ thực hiện một cách quy mô và có bài bản. Không chỉ chi mạnh tay cho hoạt động an ninh, quốc phòng hay phát triển các tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc gia này đã không ngần ngại thúc đẩy sức mạnh từ nhân tố con người. Chính vì vậy, công dân của họ được giáo dục và phổ biến kiến thức liên quan tới vùng biển tranh chấp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ được trang bị hành trang tri thức là những kho tài liệu đồ sộ và phong phú, là những lập luận rõ ràng và chặt chẽ hay những chứng cứ đã được hình thành từ lâu đời. Họ được khuyến khích và hỗ trợ để tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về biển, đảo; được tuyên truyền và khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Họ được củng cố niềm tin để nắm bắt mọi thời cơ, kiêu hãnh khẳng định với bạn bè quốc tế rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc”. Dẫu biết rằng việc xác lập chủ quyền của Trung Quốc tại các quần đảo này là thiếu cơ sở pháp lý, không dựa trên nền tảng của pháp luật quốc tế và những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc là hết sức phi lý nhưng những việc Trung Quốc đã làm để khẳng định chủ quyền của mình rất đáng để chúng ta xem xét và học hỏi. Dù xuất phát từ những quan điểm sai lầm, vô căn cứ, nhưng quốc gia này lại biết cách tổng hợp sức mạnh để nhiều người tin và ủng hộ cái phi lý của họ. Chính điều đó tạo lên sức cản lớn cho quá trình giải quyết tranh chấp và gây ra những khó khăn

cho Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc chỉ biết lên án, chỉ trích Trung Quốc, chúng ta cũng cần học hỏi cách thức và chiến lược bảo vệ chủ quyền từ nước bạn.

Nhìn lại Việt Nam, một quốc gia nhỏ đang trên đà phát triển nên không đủ nguồn lực kinh tế để đầu tư mạnh như nước bạn, không đủ uy quyền để đưa ra những tuyên bố hùng hồn hay những hành động ngang ngược thể hiện tham vọng làm bá chủ Biển Đông. Chúng ta chỉ có thể lặng lẽ thực hiện bổn phận của một thành viên Công ước Luật biển và âm thầm làm đúng những gì đã hứa, đã cam kết với các bên tranh chấp cũng như với cộng đồng quốc tế. Tưởng chừng đó là điểm yếu của Việt Nam, nhưng so với Trung Quốc đó lại là điểm mạnh giúp chúng ta nhận được sự ủng hộ và đồng tình của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là đáng lẽ Việt Nam có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta đã làm trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhưng chúng ta lại chưa có điều kiện và chưa thử tiến hành. Từ trước tới nay, Chính phủ chưa thực sự quan tâm tới việc giáo dục và phổ biến kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho người dân. Do đó, toàn bộ chương trình lịch sử ở cả 3 cấp học, không có chương nào, bài nào nêu rõ quá trình xác lập chủ quyền không thể chối cãi hay quá trình khai thác, quản lý và thực hiện chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa của ông cha ta cũng như quá trình lấn chiếm có “lộ trình” và luận điệu khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Hoàng Sa, Trường Sa có chăng chỉ xuất hiện trong một vài câu chữ ở môn địa lý hay văn học. Tìm hiểu thêm trên các website chính thức, không thấy có trang nào hệ thống các bằng chứng, lập luận của Việt Nam về chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa một cách đầy đủ, bài bản, mạch lạc để học sinh và người dân không có kiến thức chuyên sâu có thể hiểu và lấy đó làm vũ khí lý luận, đấu tranh mọi lúc mọi nơi.

Để "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" không chỉ là khẩu hiệu, chúng ta cần phải kèm theo đó những luận cứ thuyết phục ăn sâu vào máu thịt của từng người dân. Chúng ta có thể đưa các bài học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp, tùy theo trình độ hiểu biết của từng bậc học mà biên soạn nội dung phù hợp. Qua các website chính thức, trang bị cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là du học sinh Việt Nam, những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về cơ sở

pháp lý, lịch sử cũng như thực tiễn thực hiện chủ quyền của Việt Nam. Có thể dịch ra nhiều thứ tiếng để du học sinh trên toàn Thế giới sử dụng làm tư liệu trong các bài thuyết trình, giới thiệu với bạn bè quốc tế về các luận cứ cũng như bằng chứng lịch sử chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Nhà nước cần đầu tư quy mô, hiệu quả hơn vào công tác nghiên cứu biển đảo cũng như có chính sách khuyến khích, kêu gọi sự đầu tư từ các tổ chức, cá nhân khác.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn công tác thông tin đối ngoại, chủ động tuyên truyền, cung cấp, định hướng thông tin biển, đảo tới cộng đồng quốc tế, người Việt Nam trong và ngoài nước nhằm góp phần tích cực nâng cao sự hiểu biết về tình hình đất nước, tình hình Thế giới, quan điểm, chính sách đúng đắn cũng như đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam. Tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, phản động, thù địch. Hoàn thành công tác kiểm tra, phân giới, cắm mốc tại các khu vực liên quan. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác thông tin đối ngoại, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, triển khai công tác từ trung ương đến địa phương, trong nước và ngoài nước. Từ các kết quả đã đạt được, tìm hiểu những khó khăn, thách thức gây ra các hạn chế trong quá trình thực hiện, phân tích các nguyên nhân từ khách quan tới chủ quan tạo ra những khó khăn đó, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ, xây dựng giải pháp cho thời gian tới. Công tác thông tin đối ngoại cũng cần kết hợp chặt chẽ với thông tin đối nội nhằm kịp thời nắm bắt được thái độ, cảm xúc cũng như phản ứng của người dân trước tình hình đất nước. Có những biện pháp kiềm chế bức xúc, hạn chế hành động tự phát hay những phản ứng thái quá làm ảnh hưởng tới đường lối, chính sách, kế hoạch chung của Đảng và Nhà nước.

Để hoạt động bảo vệ chủ quyền có hiệu quả, bên cạnh việc giáo dục nhận thức và quản lý thông tin, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới các hoạt động thực tiễn trong quản lý vùng tranh chấp. Cần tiến hành phân định, quy hoạch các vùng biển, có các biện pháp bảo vệ và phát triển phù hợp với từng thời kỳ, từng khu vực. Việc tăng cường cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực, gia tăng hoạt động an

ninh quốc phòng, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, quân sự là những việc làm rất cần thiết cho hoạt động bảo vệ vùng biển tranh chấp nói riêng và công tác quản lý biển, đảo nói chung.

Tóm lại, để giải quyết tranh chấp Biển Đông trước mắt chúng ta có thể áp dụng giải pháp khai thác chung theo các mô hình hợp tác đã được nhiều học giả đề xuất. Dù đây chỉ là giải pháp tạm thời hay là bước đệm để tiến tới thực hiện các giải pháp hữu hiệu, cụ thể khác thì chúng ta cũng cần lưu ý tới những ưu, nhược điểm của giải pháp này. Cần xem xét các khu vực cụ thể có thể áp dụng khai thác chung nhằm đảm bảo công bằng và lợi ích cho Việt Nam. Cần tìm hiểu âm mưu ẩn chứa đằng sau những lời đề nghị hợp tác khai thác chung của nước khác để đưa ra quyết định đúng đắn, tránh gây bất lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền sau này. Khi đã tạm thời kiềm chế được xung đột, tránh căng thẳng leo thang, kéo dài, chúng ta cần tiếp tục thương lượng, đàm phán để đưa ra được giải pháp có thể giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp. Nếu quá trình thương lượng của các bên kéo dài, không đạt kết quả cuối cùng thì chúng ta cũng cần chuẩn bị tinh thần, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ ... để có thể nhờ tới các cơ quan hòa giải khác hoặc đưa vụ việc ra xét xử tại các cơ quan tài phán quốc tế.

Lời giải cho bài toán “giải quyết tranh chấp” không chỉ đơn giản là việc đưa ra hướng giải quyết trên cơ sở pháp luật mà đó phải là một giải pháp kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố pháp lý với chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng ... Như vật, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng lộ trình giải quyết tranh chấp với từng bước tiến cụ thể chúng ta cần phả kết hợp bảo vệ chủ quyền từ pháp lý tới thực tiễn.

KẾT LUẬN

Dù các quốc gia đã thỏa thuận được phương thức giải quyết tranh chấp nhưng đến nay, vấn đề Biển Đông vẫn chưa tìm được lời giải. Việt Nam và các nước khác vẫn đang tích cực tiến hành đàm phán, đang mong chờ Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông sớm ra đời để mở ra một cục diện mới. Nhưng trước khi một điều kỳ diệu có thể xảy ra thì diễn tiến tranh chấp Biển Đông đang là nỗi quan ngại của các quốc gia và cả cộng động quốc tế. Sau quá trình nghiên cứu, luận văn đã thu được những kết quả sau:

- Khái quát toàn cảnh Biển Đông từ vị trí địa lý, các địa danh đến các quốc gia liên quan. Qua đó, xác định được vai trò của Biển Đông đối với đời sống cộng đồng quốc tế trên phương diện giao thông hàng hải, kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng.

- Tổng hợp tình hình tranh chấp trên Biển Đông hiện nay, phân tích nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp, tác động của tranh chấp tới các bên và cộng đồng quốc tế. Đưa ra các nguyên tắc, phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế nói chung và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về biển theo quy định của Công ước Luật biển 1982 nói riêng.

- Xác định chủ quyền, các nguyên tắc, phương thức thụ đắc lãnh thổ, xác lập chủ quyền theo quy định của pháp luật quốc tế. Phân định các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia với các vùng biển quốc gia có quyền chủ quyền và quyền tài phán theo quy định của Công ước Luật biển 1982.

- Từ các nguyên tắc, phương pháp xác lập chủ quyền trên biển của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông phù hợp quy định của Công ước Luật biển 1982, bảo đảm công bằng theo tuyên bố ứng xử Biển Đông và các Hiệp định về phân định biển.

- Tìm hiểu, phân tích quan điểm và cách ứng xử của các bên trong tranh chấp Biển Đông cùng những khó khăn và thách thức mà Việt Nam gặp phải trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nghiên cứu và đề xuất lời giải cho bài toán “giải quyết tranh chấp Biển Đông” của Việt Nam. Trước mắt, trong khi các bên tiến hành đàm

phán để giải quyết tranh chấp, có thể sử dụng giải pháp tạm thời “hợp tác khai thác chung” theo phương thức vận dụng kết hợp những ưu điểm từ các mô hình hợp tác khai thác chung mà các chuyên gia đã đề xuất. Tiếp đến, khi quá trình giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán của các bên không đạt kết quả, các bên cần áp dụng các giải pháp giải quyết tranh chấp khác theo quy định của pháp luật quốc tế như: sử dụng cơ quan hòa giải, hoặc đưa vụ việc ra Tòa án hay cơ quan trọng tài. Cuối cùng, cần xây dựng, hoàn thiện lộ trình giải quyết tranh chấp với những chiến lược và bước đi cụ thể để tiến trình giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao.

- Trình bày cơ sở lịch sử, pháp lý xác lập và thực hiện chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời đề xuất bản luận cứ chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này.

- Kiến nghị việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đặc biệt là việc chuẩn bị cho quá trình thực thi Luật biển Việt Nam trong thời gian tới: sửa đổi các văn bản luật chuyên ngành có quy định liên quan tới luật biển cho phù hợp, ban hành những văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện từng điều khoản quy định trong luật biển; tuyên truyền, phổ biến Luật biển tới mọi công dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài; khẩn trương thành lập các cơ quan chuyên trách tại các vùng biển tranh chấp, giao thẩm quyền kiểm tra, giám sát

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chủ quyền của việt nam trên biển đông nhìn từ góc độ pháp lý, thực tiễn và lời giải cho bài toán giải quyết tranh chấp biển đông (Trang 146 - 153)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)