2.1. Đặc điểm tự nhiên và hoạt động quản lý đất đai tại tỉnh Quảng Ninh
2.1.2. Quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2010 là 610.235,31ha. Trong đó: Đất nông nghiệp 460.119,34ha (đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm...); đất phi nông nghiệp 83.794,82ha (đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, quốc phòng, an ninh, khu công nghiệp, di tích danh thắng...); đất chưa sử dụng 66.321,15ha; đất đô thị 82.426,96ha. Quảng Ninh là tỉnh có chiều dài bờ biển lớn với 2.077 đảo (chiếm 2/3 số đảo của Việt Nam), tổng diện tích các đảo
là 619,913 km² với trên 40.000ha bãi triều và hơn 20.000ha diện tích eo biển và vịnh. Trong vùng biển đảo này có bốn cảng biển quốc tế (Cẩm Phả, Cái Lân, Hòn Gai, Vạn Gia), ba khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh) và Khu kinh tế ven biển Vân Đồn. Trên địa bàn tỉnh vô cùng phong phú về tài nguyên đất: ngoài đất ở, đất nông nghiệp, lâm nghiệp còn có nguồn đất nuôi trồng thủy sản, đất danh lam thắng cảnh, đất khoáng sản…là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển nền kinh tế đa dạng. Quảng Ninh phần lớn là đồi núi cùng vị trí địa lí đáng ra phải được xếp vào vùng núi và trung du phía bắc nhưng do kinh tế đặc biệt phát triển và là một cực của tam giác kinh tế nên được xếp vào nhóm các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Tính đến đầu năm 2013, ở lĩnh vực đất đai, tỉnh Quảng Ninh đã lập xong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 3 cấp và trình Chính phủ phê duyệt. Tỉnh tiến hành đo đạc xong bản đồ địa chính các tỷ lệ 1/500 - 1/5000 diện tích 116.000 ha, lập bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 diện tích 424.000 ha đạt 86% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Tính đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện đo đạc địa chính được 149/186 xã được đo. Vấn đề quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) đặt ra mục tiêu tiếp tục quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả bền vững.
Ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chỉnh phủ đã phê duyệt Dự án xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh tại huyện Vân Đồn, với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; cảng hàng không Quảng Ninh sẽ có sân bay quốc tế tiêu chuẩn 4E, công suất 5 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Quảng Ninh nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn có diện tích gần 284,6ha; là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm nằm trong Khu Kinh tế Vân Đồn đang được tỉnh Quảng Ninh xúc tiến kêu gọi đầu tư [40c].
“Ngày 20/3/2014, Hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội đã chính thức khai mạc tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ những bài học quý giá trong 3 thập kỷ xây dựng các đặc khu kinh tế trên thế giới, đề xuất những cơ chế chính sách trong việc xây dựng đặc khu kinh tế ở Việt Nam và thảo luận chủ đề Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, mô hình của đặc khu
nghiệm được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị nhằm áp dụng vào tình hình thực tế để phát triển đặc khu kinh tế tại Việt Nam và đặc khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, tại Quảng Ninh, khi Đặc khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng thành công, Vân Đồn được đánh giá như một bức thu tranh nhỏ của khu vực, các địa phương có điều kiện tương tự tại Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ nhìn theo đó phát triển. Như vậy, Vân Đồn là địa điểm thu hút du khách, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý sử dụng nguồn lực của tỉnh Quảng Ninh. Vân Đồn nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế sôi động của khu vực, ở điểm giữa của tuyến đường biển Hạ Long - Móng Cái thông thương với các địa phương trong nước qua Quốc lộ 18A, quốc lộ 4B và thông qua đường biển đến với thế giới. Vân Đồn có khoảng cách lý tưởng để mở các hành trình du lịch đường biển quốc tế: đi theo đường biển từ cảng Vạn Hoa hoặc cảng biển phía Bắc đảo Cái Bầu sẽ đến các cảng của đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200 hải lý, Hồng Kông 580 hải lý và Singapore 1.300 hải lý. Đặc biệt với điều kiện vị trí địa lý và sự phong phú về tài nguyên biển đảo đã tạo cho Vân Đồn nhiều điều kiện lý tưởng cho phát triển công nghiệp giải trí, các loại hình du lịch chất lượng cao giúp Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển đảo lớn có đủ sức cạnh tranh không chỉ với các địa điểm khác trong nước mà còn với các nước trong khu vực và quốc tế” [40d].
Hiện trạng công tác quy hoạch và sử dụng đất: Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc mà pháp luật đất đai quy định, tình trạng vi phạm trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở các địa phương giảm. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần tích cực khôi phục, bảo vệ rừng căn cứ vào mục đích sử dụng. Diện tích đất chưa sử dụng từng bước được khai thác một cách hợp lý, đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường; việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thống nhất chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp xã; có giải pháp cụ thể để huy động vốn và các nguồn lực khác đáp ứng vốn đầu tư cho việc thực hiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, trong công tác này cũng còn những hạn chế. Đó là chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực, chưa tính toán khoa học và thực sự hiệu quả,
nhu cầu thị trường bất động sản không ổn định, dẫn tới tình trạng vừa thiếu vừa thừa quỹ đất và thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch còn chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong sử dụng đất, chưa phát huy cao tiềm năng đất đai. Việc lấy ý kiến, công bố công khai quy hoạch, triển khai quy hoạch sử dụng đất tại nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa tăng cường sự giám sát của người dân, dẫn đến tình trạng tiêu cực trong quản lý đất đai.