2.1. Thực trạng quy định pháp luật Việt Nam về quyền im lặng trong tư pháp hình sự
2.1.1. Thực trạng về nguyên tắc suy đoán vô tội
Ngày 24/9/1982, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966, thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người nói chung và thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội nói riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, Hiến pháp 2013 đã đặt ra quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như sau “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”44. Đây chính là nội dung đầy đủ của nguyên tắc suy đoán vô tội đã được thể chế hóa trong pháp luật nước ta ngay từ bản Hiến pháp mới nhất. Như vậy, suy cho cùng, quyền im lặng có nguồn gốc từ nguyên tắc suy đoán vô tội, là cơ chế thực thi nguyên tắc suy đoán vô tội trong bảo vệ quyền con người trong TTHS.
Đây là nguyên tắc chủ chốt và rất quan trọng của hoạt động TTHS. Cụ thể hóa quan điểm này thì tại Điều 15 BLTTHS 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền THTT phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Theo quy định nói trên thì một người dù bị tạm giữ, bị khởi tố bị can, bị tạm giam, thậm chí là đã bị xét xử sơ thẩm nhưng bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì vẫn chưa bị tuyên bố là có tội mà chỉ là người bị buộc tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực được kiểm chứng, đánh
giá của các bên khi không có bất cứ nghi ngờ gì nữa. Nếu không chứng minh được thì sự nghi ngờ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ, thả tự do và tuyên bố là họ vô tội một cách công khai, minh bạch.
Mặt khác, suy đoán vô tội còn đem đến sự cân bằng trong hoạt động TTHS giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử được hậu thuẫn bởi quyền lực nhà nước với một bên là những người bào chữa và người bị buộc tội. Nhận xét về nguyên tắc này, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình viết “Suy đoán vô tội là nguyên tắc quan trọng, có tính chất nền tảng, chi phối nhiều nguyên tắc khác của tố tụng hình sự”45.
Trong BLTTHS 2015 tại Điều 85 tiếp tục khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan THTT chứ không phải của người bị buộc tội. Khẳng định trách nhiệm chứng minh tội phạm luôn luôn thuộc về bên buộc tội, nếu bên buộc tội không chứng minh được tội phạm và người phạm tội thì phải coi người bị buộc tội là không phạm tội. BLTTHS hiện hành quy định 06 vấn đề phải chứng minh khi điều tra, truy tố và xét xử. Tuy nhiên, theo căn cứ quy định pháp luật thì suy đoán vô tội được thể hiện một cách rõ nét nhất tại khoản 1 Điều 85 “Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội”.
Trong một vụ án hình sự, khi tiến hành lấy lời khai của bị can, bị cáo thì không được dùng lời thú tội làm chứng cứ duy nhất để buộc tội hay kết tội họ. Tại Điều 98 BLTTHS hiện hành cũng đã nêu: “Lời thú tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”. Việc không coi lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ duy nhất để kết tội nhằm mục đích tránh xảy ra tình trạng bức cung, mớm cung, dùng nhục hình ép bị can, bị cáo nhận tội làm sai lệch sự thật khách quan.
45 Nguyễn Hòa Bình, “Bảo đảm quyền con người, quyền công dân - tư tưởng xuyên suốt trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”, Những nội dung mới của theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, Tr 44.
Chính vì vậy, nguyên tắc suy đoán vô tội chính là nguyên tắc nền tảng, quan trọng đảm bảo cho thủ tục tố tụng diễn ra một cách khách quan, độc lập, hạn chế việc cơ quan, tổ chức hay một cá nhân can thiệp vào quá trình tố tụng. Để thực hiện nguyên tắc này, bị can, bị cáo được quyền bào chữa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định pháp luật46. Việc bổ sung các quyền của người bị buộc tội có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền suy đoán vô tội của người bị buộc tội. Như vậy, quyền im lặng chỉ phát huy được hết tác dụng của nó khi tuân thủ đúng quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội.