Mô hình tố tụng tranh tụng ở Vương Quốc Anh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 35 - 36)

Từ năm 1986, khi có sự phân chia rõ ràng quyền hạn giữa cảnh sát và Công tố viên. Cảnh sát có nhiệm vụ điều tra, thu thập chứng cứ. Khi bắt người, cảnh sát phải nói với người bị bắt là họ có thể thuê Luật sư đại diện cho mình. Khi tiến hành điều tra, cảnh sát chỉ được phép hỏi cung khi với sự có mặt của Luật sư (của bị can). Tất cả các cuộc hỏi cung đều được ghi âm lại (hai băng). Công tố viên không có quyền can thiệp vào hoạt động điều tra của cảnh sát. Nhiệm vụ chủ yếu của Công tố viên là truy tố bị can ra trước Toà. Tại phiên toà, Công tố viên là một trong những bên tranh tụng, thực hiện chức năng buộc tội. Khi xét xử, Công tố viên trình bày lại các nội dung, tình tiết của vụ án cho Toà nghe. Khi thấy việc điều tra của cảnh sát chưa tốt Công tố viên chỉ được đề nghị (không được quyết định) cảnh sát làm kỹ hơn. Quyền quyết định thuộc về Thẩm phán. Luật sư bào chữa với nhiệm vụ xuất hiện trước Toà, thực hiện chức năng bào chữa. Công tố viên không được đề nghị mức án. Việc tiến hành các thủ tục tố tụng về nguyên tắc là trách nhiệm chính

của các bên buộc tội và bào chữa. Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, các thành viên của Đoàn bồi thẩm xem xét và phán quyết xem bị cáo có phạm tội hay không. Nếu trong tổng số 12 thành viên của Đoàn bồi thẩm, khi biểu quyết chỉ cần một thành viên cho rằng bị cáo không phạm tội thì đó là phán quyết cuối cùng (mặc dù 11 thành viên còn lại biểu quyết là bị cáo có tội). Vai trò chính của Thẩm phán trong xét xử là đảm bảo sự tuân thủ các thủ tục tố tụng, mặc dù đôi khi Thẩm phán có thể có vai trò tích cực hơn và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào tính cách và khí chất của Thẩm phán. Thẩm phán có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến luật và giải thích luật. Đối với những trường hợp thấy chưa đủ chứng cứ, Thẩm phán có quyền hoãn và tiến hành xử lại. Sau khi Đoàn bồi thẩm quyết định rằng bị cáo phạm tội thì Thẩm phán xem xét và quyết định mức hình phạt đối với bị cáo. Trong trường hợp bị cáo tự thú tội, đó có thể được coi là sự từ chối tranh tụng và việc xét xử không cần có Bồi thẩm tham gia mà Toà tự xét và quyết định.

Mỗi phòng xử án ở Anh đều có một camera quay trực tiếp. Những người tham gia tố tụng đều phải ra trước Toà. Trong một số trường hợp nếu nhân chứng là trẻ em thì có thể truyền thông tin của các em ra phiên toà từ một phòng không phải phòng xử án.

Sau khi xét xử, cơ quan công tố có quyền kháng nghị một số lượng vụ án nhất định (như những vụ án nghiêm trọng với những loại tội danh nhất định) và bị cáo có quyền kháng cáo để xét xử phúc thẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 35 - 36)