1.2.5.b Tiếp thu tố tụng tranh tụng ở Cộng hoà Liên bang Nga
3.2. Những nội dung cần tiếp thu
3.2.3. Trong việc thực hiện chức năng tài phán
Cần đưa Toà án trở lại đúng vị trí của cơ quan xét xử với chức năng tài phán. Điều này thể hiện ở việc cần phải bãi bỏ các quy định về thẩm quyền buộc tội hoặc có tính chất buộc tội như quy định Toà án chỉ có trách nhiệm xét xử chứ không phải chứng minh tội phạm (Điều 10), bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án (Điều 13 - Điều 104), thẩm quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 179). Bỏ quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật (Điều 275, 293) và cần quy định thêm trong Luật tố tụng điều luật theo hướng Hội đồng xét xử có nghĩa vụ không bày tỏ ý kiến của mình trước các vấn đề mà Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác đưa ra tại phiên toà.
Các quy định tại chương XX Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng xét xử ở phần xét hỏi tại phiên toà là chưa phù hợp với vai trò và chức năng của Toà án trong tố tụng hình sự. Nó tạo cho Toà án khả năng làm thay cho các bên tham gia tranh tụng trong việc thực hiện chức năng buộc tội hoặc chức năng gỡ tội và làm Toà án giảm khả năng bao quát quá trình tranh tụng giữa các bên để xác minh, xem xét và đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác tất cả các tình tiết cũng như các chứng cứ của vụ án để làm căn cứ cho các phán quyết cụ thể về vụ án sau này.
Để đảm bảo cho sự điều khiển phiên toà được diễn ra một cách khách quan, công bằng cần quy định rõ quyền hạn của Chủ toạ phiên toà được đưa ra ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với các câu hỏi của Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng trên cơ sở xem xét tính hợp pháp của những câu hỏi đó. Cũng trên cơ sở về tính hợp pháp, các bên có quyền đưa ra lý do để đề nghị Chủ toạ phiên toà không chấp nhận câu hỏi của nhau và Chủ toạ
phải có quan điểm về vấn đề này. Trong trường hợp không đồng ý với câu hỏi của một trong hai bên đưa ra, Chủ toạ phiên toà phải nêu lý do của mình. Quan điểm của Chủ toạ phiên toà là cơ sở để tiếp tục hoặc chấm dứt việc sử dụng câu hỏi đã đưa ra.
Điều 222 Nghị án có quy định "… Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết…" là chưa cụ thể và chính xác. Hội đồng xét xử chỉ có thể xem xét và đưa ra phán quyết về các vấn đề mà không thể giải quyết các vấn đề trong khi nghị án được. Mặt khác, trong giai đoạn nghị án để bảo đảm rằng tất cả các vấn đề của vụ án được phán quyết dựa trên các chứng cứ tài liệu được thẩm tra và kết quả tranh tụng tại phiên toà cần có quy định cụ thể các vấn đề cần xem xét là: định tội danh, quyết định hình phạt chính, phụ, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; phần dân sự, án phí,…