1.2.5.b Tiếp thu tố tụng tranh tụng ở Cộng hoà Liên bang Nga
3.1. Sự cần thiết phải tiếp thu một số nội dung từ mô hình tố
TỤNG TRANH TỤNG VÀO XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TẠI VIỆT NAM.
Để giới hạn được những nội dung cần tiếp thu, trước hết cần xác định luật tố tụng hình sự của chúng ta thuộc kiểu tố tụng hình sự gì? Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng Luật tố tụng hình sự ở Việt Nam có đặc trưng của kiểu tố tụng thẩm vấn vì tuy có chứa đựng yếu tố tranh luận nhưng không mang đặc trưng của tố tụng tranh tụng như chưa có sự phân định rạch ròi giữa các chức năng buộc tội, gỡ tội, và tài phán và quyền lực tại phiên toà cũng không được san sẻ cho những người tham gia tố tụng. Theo tiến sỹ Lê Hữu Thể thì kiểu tố tụng hiện nay ở nước ta thuộc hệ tố tụng thẩm vấn có chứa đựng những hạt nhân hợp lý của tố tụng tranh tụng “tất nhiên là so với các quốc gia cũng theo hệ tố tụng thẩm vấn khác thì ở Việt Nam có những đặc thù riêng”. Không đồng tình với các quan điểm trên, thạc sĩ Ngô Huy Cương cho rằng, các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… đều là các tầng nấc khác nhau và cao hơn liên tiếp của hoạt động buộc tội. Tuy nhiên các Thẩm phán của Việt Nam không có được vị trí quan trọng và khả năng chi phối các hoạt động tố tụng như các đồng nghiệp của họ ở các nước theo hệ tố tụng thẩm vấn truyền thống, bởi vì ngay khi làm Chủ toạ phiên toà của mình thì họ vẫn bị
“Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử vụ án hình sự” bởi chính cơ quan giữ quyền công tố tại phiên toà. Do vậy, Luật tố tụng hình sự Việt Nam không có các đặc trưng quan trọng của tố tụng tranh tụng và cả tố tụng thẩm vấn mà thực chất đây là một hệ tố tụng riêng biệt có tên gọi là "tố tụng buộc tội" [37, tr.5].
Với việc nhận thức rõ đặc trưng mang tính bản chất, các quan điểm nêu trên đã xem xét tố tụng hình sự ở nước ta ở những khía cạnh khác nhau, và việc xếp nó vào kiểu nào đều có những lý do hợp lý ở những mức độ tương ứng. Nhưng rõ ràng nhiệm vụ của các giai đoạn tố tụng hình sự, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo, và những người tham gia tố tụng khác mà Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định đều khẳng định luật tố tụng hình sự nước ta mang đặc trưng của tố tụng thẩm vấn.
So sánh với tố tụng của các nước theo kiểm tố tụng thẩm vấn thì bản chất của tố tụng hình sự Việt Nam là tố tụng thẩm vấn, nhưng có cùng ý kiến với tiến sỹ nguyễn Ngọc Chí, tôi cho rằng tố tụng hình sự ở nước ta mang trong mình đặc trưng của kiểu tố tụng thẩm vấn nhưng có những nét riêng với biểu hiện không hoàn toàn giống tố tụng thẩm vấn và chức năng buộc tội của Toà án không được thể hiện rõ nét.
Trong một thời gian dài không có Bộ luật tố tụng hình sự, và ngay cả sau khi Bộ luật tố tụng hình sự được thi hành nhiều năm, mặc dù công tác tư pháp nói chung và công tác xét xử án hình sự nói riêng đã đạt được một số kết qủa trong việc trấn áp tội phạm nhưng theo đánh giá của Bộ chính trị thì “…Chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cơ quan tư pháp …Công tác cán bộ của cơ quan tư pháp
chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay….tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn nhiều bất hợp lý nhưng chậm được đổi mới, kiện toàn cho phù hợp…”
Đây là cái nhìn thẳng thắn vào sự thật và cũng là những nhận thức chính xác về tư pháp Việt Nam nói chung và tố tụng hình sự Việt Nam nói riêng trong giai đoạn này. Thực ra những tồn tại trong tố tụng hình sự Việt Nam nêu trên không phải là những vấn đề riêng biệt. Có thể nói sự bất cập này có thể thấy ở nhiều quốc gia theo hệ thống tố tụng thẩm vấn. Sớm nhận thức được hạn chế từ mô hình này, một số quốc gia như Cộng hoà Pháp, Cộng hoà liên bang Nga, đã có những cải tổ mang tính đột phá trong việc tiếp thu một số nội dung hợp lý của tố tụng tranh tụng vào hệ thống tố tụng thẩm vấn truyền thống của quốc gia mình.
Trong xu thế chung đó, có đối chiếu với thực tiễn ở Việt Nam, nghị quyết 08/ NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị đã đưa ra những giải pháp thiết thực và nhấn mạnh “Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác…khi xét xử , các Toà án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của toa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện các chứng cứ; ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra các bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục cao…Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng; tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên toà…”. Đến ngày 2.6.2005, trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Bộ chính trị đã khẳng định trong Nghị quyết 49/NQ-TW
là “ Nâng cao chất lượng …tranh tụng tại tất cả các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”
Với mục tiêu là hạn chế đến mức tối đa những khuyết điểm vốn có của hệ tố tụng thẩm vấn, để xoá bỏ sự phê phán rằng hệ tố tụng Việt Nam là hệ tố tụng đi ngược lại nhân quyền, các Nghị quyết này đã đón nhận những hạt nhân hợp lý là ưu điểm của hệ tố tụng tranh tụng và thể hiện quan điểm của nhà nước ta trong định hướng tiếp thu có chọn lọc những tiến bộ của văn minh nhân loại trong lĩnh vực tố tụng hình sự.
Tuy nhiên khi quán triệt tinh thần nghị quyết, có nhiều vấn đề đặt ra: Mở rộng tranh tụng, thực hiện cải cách theo hướng nào và mức độ thực hiện ra sao? Có ý kiến cho rằng, để thực hiện yêu cầu về cải cách tư pháp mà Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt ra thì cần phải chuyển hoạt động tố tụng hiện hành sang kiểu tố tụng tranh tụng một cách triệt để. Ý kiến này được hình thành trên cơ sở ghi nhận những ưu điểm của tố tụng tranh tụng và xu thế chuyển đổi sang kiểu tố tụng tranh tụng của nhiều quốc gia trong truyền thống tố tụng thẩm vấn trên thế giới mà Cộng hoà Liên Bang Nga là một điển hình. Tuy nhiên, trong các nước áp dụng tố tụng tranh tụng, tổ chức quyền lực Nhà nước được thực hiện triệt để theo nguyên tắc phân quyền. Cơ quan điều tra và cơ quan công tố thuộc chính quyền Hành pháp và chịu sự chi phối của quyền lực chính trị. Thoát khỏi hành pháp và lập pháp, Toà án là cơ quan độc lập với lập luận rằng “Tư pháp” sẽ xét xử những vụ án được chuẩn bị điều tra và truy tố bởi “Hành pháp”, dựa trên pháp luật đã được ban hành bởi “Lập pháp”. Chỉ có Toà án được coi là cơ quan tư pháp có trách nhiệm bảo vệ công dân chống lại sự xâm hại bất hợp pháp phát sinh trong xã hội. Đặc biệt, Toà án là nơi đảm bảo niềm tin của công chúng vào công lý và bình đẳng xã hội, được bảo vệ từ luật pháp và từ công chúng để có thể hoạt động một cách độc lập, không bị chi phối hay phải chịu ảnh hưởng của quyền lực
chính trị. Các Thẩm phán được bảo đảm để có đủ điều kiện từ chối mọi sự cám dỗ từ các ý định mua chuộc.
Ở Việt Nam, bộ máy nhà nước được xây dựng không theo nguyên tắc tam quyền phân lập, hệ thống các cơ quan tư pháp hiện nay không chỉ có Toà án mà còn bao gồm cả Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và có thể kể đến cả cơ quan Thi hành án. Đó là một sự khác biệt lớn so với quan niệm của các nước theo hệ tố tụng tranh tụng là cơ quan tư pháp chỉ duy nhất bao gồm hệ thống Toà án.
Sự khác nhau giữa cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước, tổ chức các cơ quan tư pháp và lý luận về hệ thống tư pháp hình sự của các nước theo hệ tố tụng tranh tụng và ở Việt Nam cho phép khẳng định: Tổ chức và hoạt động của mô hình tố tụng tranh tụng chưa thể áp dụng đối với tố tụng hình sự Việt Nam, tố tụng tranh tụng chỉ phù hợp duy nhất với các thể chế có hệ thống Toà án độc lập với hành pháp và lập pháp theo nguyên tắc phân quyền [57, tr.27]
Chúng ta không có Bộ máy Nhà nước, Bộ máy cơ quan tư pháp phù hợp với tố tụng tranh tụng vì vậy để chuyển hẳn sang mô hình tố tụng này đồng nghĩa với việc chúng ta phải có sự thay đổi tổng thể về tổ chức và hoạt động của Bộ máy nhà nước, tổ chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Để thực hiện điều này, cần có sự nghiên cứu và thực hiện một cách cẩn trọng. Bên cạnh đó điều kiện vật chất và yếu tố con người của chúng ta cũng chưa thể đáp ứng được với đòi hỏi về chi phí và trình độ của tố tụng tranh tụng. Như vậy vào thời điểm này không thể chuyển hoàn toàn sang kiểu tố tụng tranh tụng được mà chỉ có thể tiếp thu những điểm tiến bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý nước ta [36, tr.250]. Theo đó, chỉ có thể áp dụng một số nội dung của tố tụng tranh tụng trong một số giai đoạn, mà cụ thể là giai đoạn xét xử tại phiên toà chứ không thể áp dụng triệt để mô hình tố tụng của hệ tranh tụng trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Vậy thì những sửa đổi bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 theo hướng mở rộng tranh tụng đã đáp ứng được yêu cầu trên về việc tiếp thu một số nội dung hợp lý vào quá trình xét xử vụ án hình sự ở Việt Nam chưa ? Nghiên cứu vấn đề này một cách tổng thể thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có nhiều sửa đổi, nhưng những bổ sung trong Bộ luật này chưa quy định đầy đủ, toàn diện những vấn đề cơ bản cho việc thực hiện tranh tụng tại phiên toà dẫn đến việc thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng trong xét xử vụ án hình sự còn nhiều bất cập. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của xét xử vụ án hình sự với mức độ đạt được các mục đích của tranh tụng tại phiên toà như tìm ra sự thật của vụ án một cách chính xác, đánh giá chứng cứ một cách đầy đủ mà vẫn tôn trọng được quyền của các bên tại phiên toà, nên vấn đề đặt ra hiện nay là tiếp tục khẳng định mô hình tố tụng xét hỏi kết hợp với tranh tụng đã được thể hiện trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và cần thể hiện rõ hơn nữa sự phân định rành mạch các chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng tài phán cũng như cơ chế đảm bảo quyền bào chữa của bên thực hiện chức năng gỡ tội.
Với những hiệu quả đạt được từ mở rộng tranh tụng tại phiên toà hình sự sơ thẩm, chúng ta có thể khẳng định rằng định hướng mở rộng tranh tụng trong phiên toà hình sự ở Việt Nam là phù hợp, trên cơ sở có tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể thành công trong việc tiếp thu một số nội dung của tố tụng tranh tụng vào tố tụng xét hỏi của mình.