Trong việc thực hiện chức năng gỡ tội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 101 - 105)

1.2.5.b Tiếp thu tố tụng tranh tụng ở Cộng hoà Liên bang Nga

3.2. Những nội dung cần tiếp thu

3.2.2. Trong việc thực hiện chức năng gỡ tội

Trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự tại phiên toà, chức năng buộc tội chủ yếu do Kiểm sát viên thực hiện, còn chức năng gỡ tội trong trường hợp không có Luật sư bào chữa chủ yếu do bị cáo thực hiện. Có vẻ là bình đẳng khi pháp luật giành cho hai bên quyền bảo vệ quan điểm của mình, nhưng so với bị cáo, Kiểm sát viên có rất nhiều ưu thế trong việc thực hiện chức năng buộc tội. Trước hết, là người đại diện cho Nhà nước, Kiểm sát viên có trong tay đầy đủ các phương tiện công quyền để tìm kiếm, thu thập chứng cứ, tài liệu về vụ án và nắm vững toàn bộ hồ sơ vụ án hình sự. Kiểm sát viên là người có kiến thức và được đào tạo để áp dụng pháp luật, là người buộc tội chuyên nghiệp với kinh nghiệm vận dụng và khả năng hùng biện ở chốn pháp đình… Ngược lại, trong suốt quá trình tố tụng hình sự bị cáo là một chủ thể luôn có những bất lợi nhất so với tất cả các chủ thể tham gia tố tụng khác: Bất ổn định trong tâm lý, tình cảm. Bị cách ly khỏi xã hội cũng đồng nghĩa với việc cách ly người phạm tội với khả năng được tìm kiếm, thu thập chứng cứ để tự bào chữa cho mình, cách ly với hồ sơ vụ án để không có cái nhìn tổng quan về những vấn đề có tính chất quyết định đến sinh mạng chính trị của mình… Nhiều bị cáo có trình độ văn hoá - xã hội thấp, thiếu kinh nghiệm sống, hiểu biết pháp luật hạn chế… thậm trí có bị cáo ở trong tình trạng lạc hậu. Đây chính là sự bất bình đẳng trên thực tế thường gặp giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong tranh tụng hình sự. Thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự ở nước ta trong những năm qua cho thấy các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp

của bị can, bị cáo, hoặc xử phạt oan sai người vô tội thì phần lớn là các vụ án không có Luật sư bào chữa tham gia ở giai đoạn điều tra.

Mặc dù bị cáo không có trách nhiệm buộc phải chứng minh rằng mình có tội; và có quyền nhờ người khác bào chữa cho mình… Nhưng trong trường hợp bị cáo phạm tội không thuộc trường hợp (hoặc tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình, hoặc bị cáo trong độ tuổi vị thành niên hay bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi) để có thể có Luật sư chỉ định, thì nếu bị cáo không có khả năng tài chính đủ để thuê Luật sư bào chữa thì đồng nghĩa với việc bị cáo bị tước bỏ mất quyền nhờ người khác bào chữa cho mình.

Thủ tục để người bào chữa được công nhận tham gia tố tụng với tư cách của mình theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 vẫn còn những vấn đề cần bàn. Là những chủ thể có quyền quyết định vấn đề này trong từng giai đoạn tố tụng cụ thể, những người tiến hành tố tụng được giao quyền đã cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho phép họ tham gia tố tụng. Không có lý do gì để tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự, một người bào chữa có thể phải trải qua ba lần thủ tục xin cấp giấy chứng nhận và có thể có ba giấy chứng nhận người bào chữa trong tay. Đây không những là sự lãng phí thời gian mà có thể là một nguyên nhân làm giảm hiệu quả làm việc của người bào chữa.

Để bào chữa cho bị cáo, Luật sư có rất nhiều quyền như nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ… Trong trường hợp bị cáo không nhờ người khác bào chữa cho mình thì chưa có cơ chế nào đảm bảo cho bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa cả. Bị cáo không được tiếp cận với hồ sơ, không được biết chứng cứ nào được sử dụng để buộc tội, không được biết những hoạt động tố tụng nào đang diễn ra trong vụ án, và như vậy bị cáo không có bất cứ cơ hội nào để có

được căn cứ cho những ý kiến được quyền trình bày tại toà. Vì không dựa trên căn cứ xác thực nào nên sự bào chữa của bị cáo sẽ chỉ là những lời “kêu oan” “xin giảm nhẹ tội” không có sức thuyết phục trước Toà án.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần mở rộng quyền của bên bào chữa với quy định cho phép người bào chữa (Luật sư) có thể tham gia tố tụng từ thời điểm có những biện pháp cưỡng chế tố tụng hoặc những hoạt động tố tụng khác hạn chế quyền và tự do của người bị tình nghi là thực hiện tội phạm. Cần có những quy định nhằm coi trọng quyền con người hơn với việc cho người bị buộc tội sao chụp hồ sơ vụ án để đảm bảo rằng trong trường hợp không có người bào chữa, người bị buộc tội vẫn có các phương tiện tốt nhất để gỡ tội cho mình. Cần quy định cho người bào chữa, bị cáo quyền đề xuất nhân chứng cần triệu tập đến Toà.

Cần mở rộng hơn nữa các trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng. Điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa có thể được ấn định "… có thể bị phạt tù từ 03 năm trở lên" và tiến tới chỉ định Luật sư bào chữa khi có yêu cầu của bị cáo.

Bên cạnh đó cũng cần có quy định trong pháp luật tố tụng hình sự theo hướng khắc phục sự nhận thức sai lầm theo hướng không được đánh giá việc bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ là không thành khẩn; thái độ cũng như cách thức mà bị cáo sử dụng để bào chữa cho họ không bị coi là những tình tiết để xem xét trong tố tụng hình sự.

Do đề cao tranh tụng và mở rộng hơn quyền của người bào chữa trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cùng với sự nâng cao nhận thức thì trong thực tế vai trò của người bào chữa (Luật sư) tăng lên rất nhiều so với trước. Sự ảnh hưởng của Luật sư đối với việc xác định sự thật vụ án là không nhỏ. Đặt ra yêu cầu Luật sư thực hiện chức năng của mình một cách trung thực không thiên vị cần được bảo đảm. Với Bản quy tắc mẫu đạo đức nghề nghiệp

Luật sư hiện hành (không nằm trong bộ luật tố tụng hình sự nhưng do tính có liên quan nên chúng ta cần xem xét nó như một chế định quan trọng) chủ yếu là quy định về giữ gìn phẩm giá, uy tín cũng như quy định về văn hoá ứng xử của Luật sư thì chưa đầy đủ. Hơn thế việc căn cứ vào quy tắc mẫu này để Đoàn Luật sư các địa phương ban hành quy tắc nghề nghiệp Luật sư áp dụng đối với Luật sư của mình tạo nên sự không nhất quán trong nhận thức cũng như trong việc thực thi nó trong đội ngũ Luật sư thuộc các đoàn Luật sư khác nhau khi cùng tham gia tố tụng tại các Toà án trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù quy tắc mẫu có quy định về những đức tính độc lập, trung thực, khách quan và một số điều cấm, nhưng những quy định này còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng và chắc chắn là chưa thể đáp ứng được hiệu quả mong muốn của chúng ta khi mở rộng tranh tụng tại phiên toà hình sự. Cần phải sửa đổi, bổ sung để Bản quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp Luật sư theo hướng thống nhất thực hiện trên toàn quốc và quy định cụ thể về thái độ, hành vi của Luật sư khi tham gia tố tụng để đảm bảo tranh tụng được thực hiện đúng như: Quy định về Luật sư khai báo sai, Luật sư không nêu luật áp dụng, phát biểu của Luật sư vượt quá việc tranh luận, phát biểu của Luật sư không có giá trị và thành kiến.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 101 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)