1.2.2.b Mô hình tố tụng tranh tụng ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
1.2.4. Lý do sự phát triển của hệ tranh tụng
Thực ra đến nay người ta vẫn chưa rõ một cách chính xác tại sao hệ tranh tụng đã phát triển mạnh mẽ và trở thành gần như hoàn hảo trong thế kỷ XVIII và XIX. Có thể đưa ra một số căn cứ sau: Nguyên nhân tác động đến hệ tranh tụng là những yếu tố kinh tế, xã hội với những chuyển biến mạnh mẽ của nền công nghiệp hoá diễn ra thần kỳ. Do những thành tựu và giá trị của nền thương mại và công nghiệp mới mang lại, những giai tầng thống trị trong xã hội bị mất dần những ảnh hưởng vốn có trước đó. Những tầng lớp được thụ hưởng lợi nhuận từ nền công nghiệp mới dần dần đã trở thành giai cấp trung lưu lớn mạnh cả về số lượng và quy mô. Tương quan lực lượng trong xã hội thay đổi. Do đó, tất yếu xuất hiện đòi hỏi những thay đổi trong cơ cấu xã hội để phù hợp hiện tại. Tự do thương mại được mở rộng, nguyên tắc tự do hợp đồng được xây dựng, tự do bầu cử, tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình được thừa nhận rộng rãi làm cho sự ổn định vốn có trong xã hội trước đó bị đảo lộn đã dẫn tới hàng loạt các tranh chấp mới phát sinh, đòi hỏi phải giải quyết xung đột chưa từng xảy ra trước đó xuất hiện và trật tự pháp luật cũng bị thay đổi. Ý tưởng về những quan toà trung lập và thụ động không phải là mới nhưng đã được mở rộng và phát triển. Yêu cầu phải xử lý những vấn đề mới nảy sinh đã cho phép các bên tự xác định nội dung tranh chấp, tự đưa ra chứng cứ, và trở thành cơ chế không thể thay thế để giải quyết tranh chấp trong xã hội lúc đó. Những đòi hỏi đặc biệt của tình hình chính trị xã hội thế kỷ XVIII và XIX đã thúc đẩy yếu tố tranh tụng phát triển trong hệ thống tư pháp Anh - Mỹ. Số lượng đương sự ngày càng tăng trong các tranh chấp với đại diện từ rất nhiều thành phần kinh tế xã hội khác nhau đã tạo ra nhu cầu cần phải có cơ chế trung lập để giải quyết và cách tốt nhất để có được là phải có những quan toà thụ động, không có lợi ích gì trong tranh chấp. Cơ chế Bồi thẩm đoàn đã đáp ứng được yêu cầu đó. Sự tôn trọng nguyên tắc trung lập đã tạo ra một hệ thống Toà án như một cơ chế giải quyết tranh chấp đáng tin cậy.
Yếu tố kiểm soát các hoạt động tố tụng bởi các bên trong tố tụng Anh trước đó cũng hấp dẫn đối với đòi hỏi thay đổi lúc đó. Hệ thống tố tụng của cả Anh và Mỹ đã ngày càng tạo ra điều kiện thuận lợi cho các bên tranh tụng tham gia vào tố tụng, tự do chọn lựa chứng cứ, tự do đưa ra yêu cầu.
Xu hướng cải cách theo tố tụng tranh tụng đã được củng cố bởi sự điều khiển hệ tố tụng của các Luật sư và Thẩm phán. Thành viên trong các Hội đồng xét xử và Luật sư đoàn ở cả Anh và Mỹ đều là những người có kiến thức thực hành và rất nhiều kinh nghiệm. Họ hiểu những biến chuyển đang diễn ra trong xã hội và biết cách để đối phó với những vấn đề mới để phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Hơn nữa, thủ tục tranh tụng cũng đáp ứng lợi ích của họ vì nó tạo ra nhiều việc làm hơn cho các Luật sư cùng những ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trong xã hội. Vì những lý do trên, tố tụng tranh tụng đã trở thành cơ chế phù hợp nhất cho hệ thống tư pháp thế kỷ XIX.
Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của kiểu tố tụng tranh tụng và vị thế của nó đối với các nền tư pháp trên thế giới ta thấy: Thứ nhất, so với các kiểu tố tụng khác thì tố tụng tranh tụng đề cao quyền con người hơn. Với nguyên tắc suy đoán vô tội “ Mỗi người dù đã bị buộc tội về một hành vi phạm tội vẫn được coi là vô tội cho đến khi hành động phạm tội được xác định trong một vụ xử công khai, nơi mà anh ta có những đảm bảo cần thiết cho việc bào chữa của mình” (Điều 11 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hiệp quốc ngày 10.12.1948). Do thực hành tốt nguyên tắc này mà tố tụng tranh tụng được xem là kiểu tố tụng vì con người hơn các kiểu tố tụng khác [36, tr.243]. Thứ hai, tố tụng tranh tụng là biểu hiện của việc phát huy tinh thần dân chủ trong hoạt động tố tụng. Trong tố tụng tranh tụng bên buộc tội và bên bào chữa đều được pháp luật tố tụng tạo điều kiện phát huy tối đa khả năng chủ động tham gia giải quyết vụ án hình sự với một bảo đảm là chủ thể bên buộc tội không bao giờ có ưu thế vượt trội so với các chủ thể
bên gỡ tội mà giữa họ có một vị thế ngang bằng nhau, Nhà nước và công dân đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong hoạt động tố tụng. Phương tiện mà pháp luật dành cho các bên để thực hiện chức năng của mình là tương ứng nhau. Toà án chỉ có vai trò như một trọng tài thực hiện chức năng tài phán một cách khách quan, công bằng đối với vụ án. Đây là ưu điểm nổi bật so với phiên toà trong hệ tố tụng thẩm vấn, nơi thường diễn ra theo hướng dành nhiều quyền hơn cho cơ quan công tố - Đại diện cho Nhà nước - thực hiện chức năng buộc tội bị cáo. Thứ ba, mặc dù không triệt tiêu được hiện tượng kết án oan người vô tội nhưng do nguyên tắc hoạt động của tố tụng tranh tụng dựa trên cơ sở đảm bảo những điều kiện cần thiết của việc bào chữa cho người bị buộc tội nên đã hạn chế đến mức tối đa các trường hợp kết án oan, sai. Thứ tư, cơ chế vận hành của tố tụng tranh tụng diễn ra suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm đã tạo ra một nền văn hoá pháp lý cao của quốc gia áp dụng nó với những biểu hiện ở sự am hiểu cũng như thái độ tôn trọng pháp luật của toàn xã hội.
Bên cạnh những ưu điểm đã nêu, tố tụng tranh tụng cũng bộc lộ những hạn chế của mình, đó là dễ bỏ lọt tội phạm và việc thiếu sự quản lý tư pháp trong giai đoạn trước phiên toà thường dẫn đến sự chậm trễ, kéo dài giữa thời điểm xuất hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cho đến khi có phiên toà cho vụ án.
Như vậy, mặc dù mang trong mình những hạn chế nhưng với những ưu điểm vượt trội so với tố tụng thẩm vấn, nhưng “Tố tụng tranh tụng đã được một số quốc gia sử dụng và được dân chúng các nước đó ca ngợi là một hệ tố tụng khách quan, dân chủ và rất vì con người” [36, tr.246].
Với những lý do để hình thành, những ưu điểm vượt trội để phát triển đã trình bày ở trên, rõ ràng tố tụng tranh tụng đang là một biểu hiện rõ nét của Nhà nước pháp quyền. Để hạn chế những nhược điểm chung của hệ tố tụng
thẩm vấn, từng quốc gia trong hệ thống này đang từng bước tiếp thu một số nội dung cơ bản của nguyên tắc tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự với quan điểm chung là có chọn lọc và phù hợp.
1.2.5. Tiếp thu tố tụng tranh tụng ở một số nƣớc trên thế giới:
1.2.5.a. Tiếp thu tố tụng tranh tụng ở Cộng hoà Pháp:
Khi Nhà nước càng ngày càng có vai trò trong phòng chống tội phạm, vì sự cần thiết giải quyết các vụ án nghiêm trọng trong đất nước (sự nổi dậy của nông dân và nạn cướp bóc của thuỷ tặc) nên từ thế kỷ XIII, Cộng hoà Pháp bắt đầu sử dụng mô hình thẩm tra. Theo thủ tục này, “Thẩm phán không phải đợi nguyên đơn khởi xướng buộc tội vẫn có thể tiến hành điều tra bằng cách dùng hình thức tra tấn để lấy cung và xét xử bị cáo” [30,tr.7]. Nhưng khi áp dụng nó, Pháp nhận thấy các yếu điểm của hệ tố tụng này không chú trọng đến quyền con người và nguyên tắc suy đoán vô tội. Có thể nói, việc tiếp thu một số nội dung của mô hình tố tụng tranh tụng của Pháp được diễn ra từ cuối thế kỷ XVIII mà thể hiện của nó là chế định Bồi thẩm đoàn. Chế định Bồi thẩm đoàn ở Pháp trải qua 3 thời kỳ khác nhau. Đầu tiên, vào thời gian sau cách mạng, khoảng năm 1808, Đoàn bồi thẩm chỉ có quyền phát biểu ý kiến về sự việc và tính chất tội phạm, còn các Thẩm phán chuyên nghiệp xét xử về mặt pháp luật và định mức hình phạt. Tức là ở thời kỳ này, có sự phân biệt giữa trách nhiệm của các Thẩm phán chuyên nghiệp và các Bồi thẩm. Sự phân biệt này dễ dẫn đến một hệ quả tiêu cực khi Bồi thẩm nhận định bị cáo đúng là đã phạm tội và phải chịu hình phạt, nhưng vì muốn một mức hình phạt nhẹ hơn cho bị cáo mà lại không biết chắc chắn mức hình phạt do các Thẩm phán chuyên nghiệp sẽ tuyên như thế nào, cho nên họ nói rằng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong hành vi của bị cáo. Như vậy, bị cáo được xử trắng án. Để chấm dứt tình trạng như trên có thể tiếp tục xảy ra, năm 1932, với sự sửa đổi của pháp luật thì Đoàn bồi thẩm phát biểu ý kiến về tình tiết vụ
việc và cùng các Thẩm phán chuyên nghiệp quyết định mức hình phạt. Sau đó, để đảm bảo vai trò bình đẳng giữa Bồi thẩm và Thẩm phán chuyên nghiệp nên vào năm 1941, nguyên tắc xét xử tập thể tuyệt đối được đảm bảo giữa Bồi thẩm và Thẩm phán chuyên nghiệp được áp dụng, có nghĩa là Thẩm phán chuyên nghiệp và Bồi thẩm cùng tham gia xét xử về sự việc, các vấn đề pháp luật cũng như mức hình phạt [9. tr34].
Tên các Bồi thẩm được công khai rút thăm và những Bồi thẩm này có thành phần, địa vị, khả năng tài chính, trình độ, nhận thức nghề nghiệp, tôn giáo, giới tính, sắc tộc… hoàn toàn có thể không giống nhau và Bồi thẩm là đại diện của toàn thể nhân dân nước Pháp.
Theo các quy định thì trước khi mở phiên toà, các Bồi thẩm hoàn toàn không biết được bất kỳ một thông tin gì về vụ án ngoài việc được biết ngày, giờ, địa điểm mà mình phải có mặt để tham gia với tư cách thành viên Đoàn Bồi thẩm trong một phiên xét xử. Bồi thẩm không được tiếp xúc với bất kỳ ai có liên quan đến vụ án, bất kỳ người nào liên quan tới việc giải quyết vụ án và cũng không hề được đọc hay nghiên cứu hồ sơ vụ án. Bồi thẩm hoàn toàn vô tư và nằm ngoài các hoạt động tố tụng cho đến khi Đoàn Bồi thẩm xét xử được thành lập công khai tại phiên toà.
Ngay sau khi được chính thức thành lập, mặc dù không thể xin vô hiệu những thủ tục tố tụng đã được thi hành theo quyết định đã có hiệu lực pháp luật về việc chuyển bị cáo ra Toà đại hình nhưng Đoàn Bồi thẩm được thực thi quyền khiếu kiện xin vô hiệu thủ tục tố tụng khác đã tiến hành trước khi mở phiên toà.
Trong phiên toà, Bồi thẩm có thể ghi chép những điểm quan trọng trong lời khai của người làm chứng hoặc trong lời bào chữa của bị cáo; có thể hỏi bị cáo và người làm chứng hoặc xem xét tang vật tại phiên toà nếu được Chủ toạ phiên toà cho phép. Mặc dù pháp luật có quy định mở rộng cho Bồi
thẩm quyền chủ động điều tra tại phiên toà, nhưng vai trò của Bồi thẩm trong phiên toà là thụ động và trung lập với nghĩa vụ không được thể hiện ý kiến của mình.
Khi các vấn đề được nêu ra tại phiên toà không đúng như lời lẽ của quyết định chuyển bị cáo ra Toà đại hình hoặc nếu bị cáo hay Luật sư của bị cáo phản đối việc đó thì Đoàn bồi thẩm phải xem xét các vấn đề này.
Bồi thẩm đoàn cùng các Thẩm phán nghị án, biểu quyết bằng phiếu kín và lần lượt từng người bỏ phiếu về sự kiện chính, về từng tình tiết tăng nặng, về những vấn đề phụ và từng sự kiện là lý do miễn hoặc giảm nhẹ hình phạt theo quy định của pháp luật. Các câu trả lời "có" hoặc "không" được ghi trong tấm phiếu của Bồi thẩm là không thể bị bác bỏ.
Mặc dù nguyên tắc xét xử tập thể được bảo đảm, nhưng trong quá trình xem xét các vấn đề Bồi thẩm không chịu sự tác động của Thẩm phán, Thẩm phán không được hướng dẫn bất kỳ điều gì trong những vấn đề mà Bồi thẩm phải xem xét. Nếu kết quả bỏ phiếu khẳng định tội trạng của bị cáo thì Chủ toạ phiên toà đọc cho các Bồi thẩm nghe một số quy định của Bộ luật hình sự Pháp. Sau khi được giới thiệu về luật Bồi thẩm cùng Thẩm phán tiếp tục nghị án về việc áp dụng hình phạt chính, hình phạt phụ hoặc hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Mặc dù không có sự chia sẻ quyền lực giữa Thẩm phán và Bồi thẩm như trong hệ tranh tụng, nhưng cơ cấu 09 Bồi thẩm trong Hội đồng xét xử bảo đảm ưu thế của Đoàn bồi thẩm so với các Thẩm phán chuyên nghiệp. Để hiểu được điều đó, cần lưu ý rằng mọi quyết định bất lợi cho bị cáo về việc kết án, về mức hình phạt phải là quyết định theo đa số ít nhất là 08 phiếu. Điều đó có nghĩa là các Thẩm phán không thể áp đặt quyết định của mình cho Đoàn bồi thẩm, vì Đoàn bồi thẩm luôn có ưu thế so với Thẩm phán chuyên nghiệp.
Với chức năng tài phán, chế định về Bồi thẩm của Pháp là một yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả của tranh tụng trong phiên toà tại Toà đại hình. Bồi thẩm đoàn là một chế định mà mọi người dân Pháp hy vọng ở công lý, sự tham gia rộng rãi của nhân dân có thể khiến cho mọi người cái nhìn thông dụng hơn đối với Toà án và vì vậy cũng khiến cho các phán quyết trở nên công bằng hơn.
Tiếp theo đó vào năm 2000, Pháp đã tiếp tục đưa một số nội dung của tố tụng tranh tụng vào hệ thống pháp luật nước mình với đạo luật mang tên “Luật về suy đoán vô tội và tăng quyền của nạn nhân”. Đánh giá thực trạng tố tụng hình sự hiện nay của Pháp có thể nói: “Giai đoạn điều tra sơ bộ (của cảnh sát) và giai đoạn điều tra của Toà là hai giai đoạn thuộc loại hình tố tụng thẩm cứu, chủ yếu là thẩm cứu chứ không phải chỉ là thẩm cứu. Còn giai đoạn sau, giai đoạn xét xử thì chủ yếu mang tính chất công khai, tranh tụng” [9, tr.19].
Giai đoạn điều tra chủ yếu thuộc loại hình thẩm cứu bởi vì chủ thể có thể tiến hành điều tra sơ bộ là cơ quan cảnh sát và cơ quan quân cảnh; chủ thể tiến hành điều tra của Toà là dự thẩm. Các chủ thể này điều tra nhằm tìm kiếm người phạm tội, xác nhận những dấu hiệu phạm tội. Viện công tố với tư cách là người đại diện cho xã hội, không phải là một bên tham gia tố tụng như các bên đương sự [9, tr.27] có quyền giám sát, chỉ đạo toàn bộ hoạt động điều tra. Ở Pháp, Luật sư không có quyền điều tra, công việc điều tra theo hướng gỡ tội cho bị cáo do Dự thẩm tiến hành. Điều tra của Dự thẩm mang đậm tính chất thẩm cứu vì đây là tố tụng viết. Nhưng tính chất tranh tụng đã được thể hiện ở hai giai đoạn này với việc mọi án hình sự đều phải có Luật sư.
Luật sư được tham gia vào mọi giai đoạn tố tụng, ngay sau khi thân chủ bị xem xét, không có mặt của Luật sư khi lấy lời khai của bị can thì biên bản ghi lời khai không có giá trị. Luật sư được quyền xem, sao chép hồ sơ, gặp
gỡ, trao đổi với thân chủ và Luật sư có quyền yêu cầu dự thẩm, giám định, tái