Nội dung những vấn đề cần tiếp thu từ mô hình tố tụng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 57 - 61)

1.2.5.b Tiếp thu tố tụng tranh tụng ở Cộng hoà Liên bang Nga

1.3. Nội dung những vấn đề cần tiếp thu từ mô hình tố tụng

TỤNG TRANH TỤNG:

Hiện nay có nhiều quan điểm không đồng nhất về vấn đề nội dung của nguyên tắc tranh tụng. Tuy nhiên tác giả không đặt mục đích nghiên cứu cụ thể hay đi sâu phân tích vấn đề này trong nội dung luận văn. Sau khi nghiên cứu về đặc điểm của tố tụng tranh tụng, phân tích những lý do để nhận thấy những ưu điểm vượt trội, nhận thức được những thành công của một số Quốc gia trong hệ tố tụng thẩm vấn đã đi tiên phong trong việc tiếp thu một số nội dung của tố tụng tranh tụng, ta thấy nổi rõ những điểm mà hệ tố tụng thẩm vấn cần tiếp thu từ hệ tố tụng tranh tụng gồm các nội dung sau.

Bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong địa vị tố tụng cũng như trong việc sử dụng các phương tiện mà pháp luật cho phép để thực hiện chức năng của mình trong tố tụng hình sự

Phân định rõ chức năng buộc tội, gỡ tội và tài phán. Trong đó chức năng tài phán không thể bao gồm cả việc buộc tội hoặc bào chữa.

1.3.1. Bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong tranh tụng: trong tranh tụng:

Trong tố tụng hình sự, bình đẳng giữa các bên chỉ có được khi bất kỳ chứng cứ hợp pháp nào được chứng minh là phù hợp với sự thật khách quan phải được Toà án chấp nhận không phụ thuộc vào việc chứng cứ đó do ai thu thập, cung cấp. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng là cơ sở để xác định địa vị tố tụng của bên buộc tội và bên bào chữa trong tố tụng hình sự. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, để thực hiện quyền tự bào chữa, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và chống lại sự buộc tội, người bị buộc tội không chỉ là một chủ thể mà còn là một bên tham gia tranh tụng có được sự bình đẳng về các quyền năng tố tụng so với bên buộc tội. Cần khẳng định rằng, sự bình đẳng này không phải là sự bình đẳng thực tế về địa vị pháp lý và cũng không có nghĩa là các bên có các quyền và nghĩa vụ như nhau, bởi vì bên buộc tội và bên bào chữa thực hiện các chức năng với các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập nhau trong tố tụng hình sự.

Có thể hiểu, quyền bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong nguyên tắc tranh tụng là quyền ngang bằng nhau trong tư cách tố tụng và quyền năng tố tụng. Ngang bằng nhau trong tư cách tố tụng được thể hiện mỗi bên đều là một bên tham gia tố tụng mà không có bất kỳ sự thiên lệch nào. Ngang bằng nhau về quyền năng tố tụng là các bên đều được pháp luật giành cho những khả năng được xác định là các phương tiện (quyền và nghĩa vụ tố tụng) và các bảo đảm cần thiết khác. Có thể hiểu rằng bên buộc tội, bên bào chữa là mỗi bên đều có quyền ngang nhau trước Toà án trong việc đưa ra các quan điểm của mình về vụ án và bác bỏ các quan điểm của bên đối phương.

Nếu nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi pháp luật tố tụng hình sự phải đảm bảo cho các bên có được các phương tiện cần thiết để có thể thực hiện chức năng của mình trong tố tụng hình sự, thì sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi các phương tiện mà các bên được sử dụng để tranh tụng phải tương xứng với nhau và phải phù hợp với

chức năng của mỗi bên. Sự bình đẳng sẽ không thể có khi pháp luật tố tụng hình sự không đáp ứng được những đòi hỏi này, hoặc giành cho bên buộc tội đủ phương tiện để buộc tội còn bên bào chữa thì lại không đủ phương tiện để thực hiện chức năng gỡ tội của mình và ngược lại. Sự thể hiện của bình đẳng phải là, để thực hiện chức năng gỡ tội, bị cáo và người bào chữa được sử dụng tất cả các quyền tố tụng tương ứng mà bên buộc tội có thể sử dụng để buộc tội.

Việc quy định chính xác, đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của từng chủ thể của các bên cùng các điều kiện bảo đảm cho chúng được thực hiện là một trong những cơ chế để đảm bảo cho nguyên tắc tranh tụng được tồn tại và thực hiện.

1.3.2. Phân định rõ các chức năng buộc tội, gỡ tội và tài phán:

Các chức năng buộc tội, gỡ tội và tài phán thuộc về bên buộc tội, bên bào chữa và Toà án. Trong đó chức năng tài phán của Toà án không thể bao gồm cả việc buộc tội hay bào chữa. Nội dung này chính là sự khẳng định về vị trí, vai trò của Toà án là người trọng tài trung lập. Toà án là cơ quan Nhà nước thực hiện hoạt động xét xử, có quyền quyết định kết tội, và áp dụng hình phạt đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội; tuyên bố vô tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt đối với người bị buộc tội. Có thể nói chức năng tài phán của Toà án chính là cơ sở xác định vị trí và vai trò, xác định các nhiệm vụ chủ yếu của Toà án trong tố tụng và trong tranh tụng. Trước hết, Toà án là người duy trì trật tự tại phiên toà, giám sát và điều khiển quá trình tranh tụng của tất cả các chủ thể tham gia phiên toà, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật tố tụng của tất cả các chủ thể này. Toà án có nhiệm vụ phải bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa bên buộc tội và bên bào chữa, tạo điều kiện để phát huy được tính tích cực, chủ động của các chủ thể tham gia tranh tụng nhằm làm sáng tỏ các chứng cứ, các tình tiết của vụ án để xác định sự thật khách

quan. Và nhiệm vụ cao cả của Toà án là ra phán quyết cuối cùng khẳng định hoặc phủ nhận sự buộc tội, áp dụng hình phạt và quyết định cách thức thi hành hình phạt đó. Toà án phải là thể hiện thuần khiết của sự không thiên vị, là cơ chế bảo đảm sự bình đẳng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội trong quá trình xét xử vụ án hình sự tại phiên toà, bảo đảm sự thật khách quan được xác định bởi “người trọng tài” với chức năng chuyên nghiệp là phán xét nhằm thực hiện công bằng xã hội. Nếu Toà án đồng thời thực hiện cả chức năng tài phán và chức năng buộc tội hay chức năng gỡ tội sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong tranh tụng tại phiên toà. Toà án sẽ mất đi vai trò của người trọng tài đứng giữa hai bên để phân xử và phiên toà có thể có hai bên buộc tội hoặc hai bên bào chữa tham gia tranh tụng với bên còn lại. Ý nghĩa thực sự của tranh tụng sẽ không còn nữa.

Mặc dù Toà án là phải trung lập và không thiên vị, nhưng ở mức độ cần thiết, vai trò của Toà án còn cần thể hiện tính tích cực chủ động khi tham gia vào quá trình tranh tụng tại phiên toà. Tất nhiên, mục đích của tranh tụng và chức năng của Toà án trong tố tụng là giới hạn việc thể hiện tính tích cực, chủ động của Toà án chỉ nhằm định hướng cho quá trình tranh tụng không đi lạc trọng tâm mà cần tập trung vào việc làm sáng tỏ các chứng cứ, các tình tiết để xác định sự thật khách quan về vụ án. Tuy nhiên vai trò tích cực của Toà án không được ảnh hưởng đến tính chủ động, tích cực của bất kỳ chủ thể nào tham gia tố tụng, không thể hiện sự ủng hộ hay làm thay chức năng của bên buộc tội hay của bên bào chữa trong quá trình tranh tụng, nó cần được thể hiện dưới hình thức bổ sung, định hướng cho các bên trong việc thực hiện chức năng của mình nhằm xác định một cách có căn cứ tất cả những vấn đề mà Toà án thấy còn chưa rõ về vụ án.

Chương 2

TRANH TỤNG TRONG XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 57 - 61)