2.2. Thực trạng công tác Hội thẩm nhân dân ở Toà án nhân dân
2.2.1. Về công tác lựa chọn và bầu Hội thẩm
Căn cứ Luật Tổ chức TAND và Thông tư liên tịch của TAND tối cao - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ nội vụ, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã rất quan tâm làm tốt công tác lựa chọn và bầu Hội thẩm TAND tỉnh đảm bảo đủ số lượng, chất lượng.
Về số lượng: Căn cứ Nghị quyết số 04/2011/NQ-HĐND ngày 20/6/2011 của Chủ tịch HĐND tỉnh xác nhận kết quả bầu HTND Tòa án tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 gồm 34 vị.
Về cơ cấu: Nữ 10 vị; Nam 24 vị. Có 24 Hội thẩm là cán bộ công chức đang công tác ở các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị; 01 Hội thẩm được bầu từ khối doanh nghiệp của tỉnh, thể hiện được sự đa dạng trong thành phần và cơ cấu; 09 Hội thẩm là cán bộ nghỉ hưu. So với nhiệm kỳ trước được bầu
tăng 07 vị (HTND Tòa án tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 gồm 27 vị, trong đó: nữ 11 vị, nam 16 vị, có 05 cán bộ hưu trí và 22 cán bộ đương chức).
Về trình độ: Đội ngũ HTND Tòa án tỉnh được tuyển chọn hầu hết trong các lĩnh vực công tác và xã hội. Trình độ pháp lý có 20 vị, trong đó có 02 vị có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ; 16 cử nhân luật, 02 cao đẳng và 10 vị có bằng đại học các ngành kinh tế, giáo dục, khoa học xã hội khác. Trình độ chính trị: 16/34 người có trình độ trung cấp, 09/34 người có trình độ cao cấp. Trong khi đó, HTND Tòa án tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 chỉ có 09 người có trình độ cử nhân Luật, 01 người có trình độ trung cấp pháp lý, số còn lại có trình độ đại học hoặc trung cấp ở các chuyên ngành khác. Điều này cho thấy HTND Tòa án tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 có trình độ pháp lý tương đối đồng đều, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xét xử.
Nhìn chung, HTND Tòa án tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016 đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp lựa chọn nhân sự hợp lý, cơ cầu tương đối đầy đủ các thành phần, ngành nghề của các cơ quan, ban ngành chuyên môn, đặc biệt là lần đầu tiên có Hội thẩm được bầu từ khối doanh nghiệp, thể hiện sự đa dạng trong thành phần và cơ cấu, đáp ứng nhu cầu xét xử, giải quyết các loại án khác nhau của Tòa án tỉnh.
Với nhiệm kỳ hoạt động 05 năm, về cơ cấu Hội thẩm có sự thay đổi: số lượng Hội thẩm là cán bộ nghỉ hưu nâng lên, trong khi các Hội thẩm kiêm nhiệm không ít trường hợp khi được phân công tham gia xét xử vụ án đã nêu lý do bận công tác, không thể tham gia xét xử, dẫn đến tình trạng các Hội thẩm hưu trí thường tham gia phiên tòa với số lượng nhiều hơn các Hội thẩm kiêm nhiệm.