3.1. Thực tiễn vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc
3.1.1. Tóm tắt nội dung vụ kiện
Ngày 22/1/2013, Philippines nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện để khởi kiện Trung Quốc trước Toà Trọng tài về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” theo các quy định của Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Theo cơ sở quy định tại Điều 287 khoản 3, cả Trung Quốc và Philippines đều chưa đưa ra tuyên bố lựa chọn về cơ chế giải quyết bắt buộc, do đó Trọng tài theo phụ lục VII là cơ chế duy nhất có thẩm quyền đương nhiên trong vụ việc này. Trong Bản tranh tụng của mình, Philippines đã đưa ra 15 vấn đề yêu cầu Toà Trọng tài xem xét, đưa ra phán quyết với 4 nội dung chính:
(i) Yêu sách “đường lưỡi bò” là phi lý;
(ii) Quy chế pháp lý cho một số thực thể ở Biển Đông;
(iii) Một số hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là vi phạm UNCLOS, luật quốc tế về an toàn hàng hải và xâm phạm quyền lợi chính đáng của Philippines trên biển;
(iv) Trung Quốc không được có thêm các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp trong tương lai.
Tuy vậy, yêu cầu khởi kiện của Philippines đã vấp phải sự bất hợp tác của Trung Quốc, cụ thể là đưa ra quan điểm không tham gia vào vụ kiện và vì thế, đã không đệ trình bất cứ tài liệu gì theo yêu cầu của Toà. Mặc dù vậy, vào ngày 07/12/2014, Trung Quốc đã đưa ra “Tuyên bố về Lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện mà Philippines khởi xướng trước Toà Trọng tài”. Trong Bản Tuyên bố Lập trường này, Trung Quốc chỉ tập trung phản biện về vấn đề thẩm quyền của Toà Trọng tài, chứ không đưa ra quan điểm cụ thể của mình về các nội dung kiện mà Philippines đệ trình trước Toà. Theo đó, Trung Quốc phản đối thẩm quyền của Toà Trọng tài dựa trên ba lý do:
(i) Bản chất của vấn đề tranh chấp trong vụ kiện là chủ quyền đối với một số cấu trúc địa lý trên Biển Đông, không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS và vì thế Toà Trọng tài không có thẩm quyền;
(ii) Trung Quốc và Philippines đã đồng ý, thông qua các thoả thuận song phương và Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông, sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua con đường đàm phán. Việc Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của quốc gia này theo luật quốc tế;
(iii) Kể cả trong trường hợp vấn đề tranh chấp trong vụ việc này thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, vấn đề tranh chấp này cấu thành một phần không thể tách rời trong vấn đề phân định biển giữa hai quốc gia; mà các tranh chấp liên quan đến phân định biển rơi vào phạm vi của Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc loại trừ tất cả các tranh chấp về phân định biển ra khỏi thẩm quyền bắt buộc của Toà Trọng tài.
Cụ thể tuyên bố theo Điều 298 mà Trung Quốc đưa ra năm 2006 có nội dung như sau: “Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào được quy định ở Mục 2 phần XV của Công ước này liên quan đến tất cả các loại tranh chấp được dẫn chiếu tại khoản 1(a), (b) và (c)của Điều 298 của Công ước”.
Rõ ràng Trung Quốc đã thực hiện quyền của mình theo Điều 298 và loại bỏ hiệu lực của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và ràng buộc theo Mục 2 Phần XV đối với các tranh chấp được dẫn chiếu tại Điều 298 khoản 1(a), (b) và (c) của Công ước. Vậy Toà trọng tài rõ ràng có thẩm quyền để giải quyết vụ việc này nhưng liệu có bị loại trừ bởi tuyên bố của Trung Quốc?