1.2. Tuyên bố bảo lƣu
1.2.2. Tính chất pháp lý của tuyên bố bảo lưu
1.2.2.1. Điều kiện áp dụng của tuyên bố bảo lưu
Theo Điều 19 Công ước Viên 1969 thì quốc gia có quyền đưa ra bảo lưu trừ các trường hợp:
- Điều ước đó cấm bảo lưu hoặc quy định bắt buộc các quốc gia phải thực hiện đầy đủ nội dung điều khoản của điều ước nếu muốn trở thành thành viên của điều ước quốc tế đó.
Ví dụ: Điều 209 Công ước Luật Biển 1982 quy định “Công ước không chấp nhận bảo lưu, cũng không chấp nhận các ngoại lệ ngoài những điều đã được các điều khác của Công ước cho phép một cách rõ ràng”.
- Bảo lưu những điều khoản khác ngoài những điều khoản mà điều ước quốc tế đó cho phép bảo lưu. Trong trường hợp này, quốc gia không thể sử dụng bảo lưu để thay đổi lực những điều khoản khác ngoài những điều khoản điều ước cho phép.
Ví dụ: Điều 98 Công ước 1980 của Liên Hợp Quốc về mua bán hàng hóa quốc tế quy định “Không một bảo lưu nào được cho phép ngoài các bảo lưu được cho phép bởi công ước này”.
- Những bảo lưu mà không phù hợp với đối tượng và mục đích của điều ước.
Ví dụ: Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã thực hiện bảo lưu với Điều 2 (f), 9, 15, 21 (1) trong Công ước về việc xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ năm 2006. Chính phủ Áo đã kiểm tra và nhận thấy nếu các bảo lưu nói trên được thực hiện sẽ gây ra sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong vấn đề tình dục, do đó Chính phủ Áo đã phản đối các bảo lưu kể trên.
Tuy nhiên quy định này còn gây ra những tranh cãi xung quanh quan điểm thế nào là “không phù hợp với đối tượng và mục đích của điều ước”, dẫn đến tình trạng quốc gia bảo lưu cho rằng bảo lưu của họ là phù hợp với
đối tượng và mục đích của điều ước và đúng pháp luật còn các quốc gia khác cùng điều ước thì không chấp nhận cách biện luận đó.
Ngoài các quy định nêu trên thì căn cứ trên thực tiễn bảo lưu, các tuyên bố bảo lưu chỉ được đưa ra đối với điều ước đa phương, còn với điều ước song phương, không thể đưa ra tuyên bố bảo lưu đối với các điều khoản của điều ước. Về bản chất, điều ước hình thành từ việc đàm phán, thoả thuận của các bên. Đối với điều ước đa phương, số lượng các quốc gia thành viên lớn dẫn đến hệ quả không thể thoả mãn quan điểm và phù hợp với lợi ích riêng của tất cả các thành viên, do đó bảo lưu là một nhu cầu tất yếu. Ngược lại, các điều ước song phương chỉ với hai thành viên nên chỉ có thể được ký kết và thực hiện dựa trên sự đồng thuận của hai bên tham gia. Nếu một trong hai bên không đồng ý hoặc không đủ điều kiện thực hiện một hay nhiều điều khoản thì hai bên sẽ tiến hành đàm phán, thương lượng để đi đến thống nhất.
1.2.2.2. Phân loại tuyên bố bảo lưu
Liên quan đến mục đích áp dụng của các Điều ước quốc tế, tuyên bố bảo lưu có thể chia làm hai loại. Cụ thể, loại đầu tiên, các tuyên bố đơn phương được đưa ra bởi một quốc gia nhằm thể hiện ý chí của mình về việc loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực của một hay một số điều khoản của điều ước trong vấn đề áp dụng đối với chính thành viên đó. Mục đích của bảo lưu là “giải thoát” cho bên ký kết khỏi những nghĩa vụ thực thi của một số điều khoản mà điều ước đã đặt ra. Bảo lưu không nhằm đưa các điều khoản bị bảo lưu ra khỏi nội dung của điều ước mà chỉ làm thay đổi quan hệ giữa các thành viên của điều ước trong phạm vi bảo lưu [6]. Ngoài ra, loại thứ hai của tuyên bố bảo lưu đối với một số tuyên bố mặc dù không hướng đến một hay một số điều khoản cụ thể của điều ước nhưng cũng sẽ được coi là bảo lưu [22] nếu như:
- Nhằm mục đích giới hạn các nghĩa vụ mà điều ước quốc tế xác lập đối với các thành viên.
Khi gia nhập Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Hoa Kỳ đưa ra bảo lưu: “… Không có điều khoản nào trong Công ước yêu cầu hoặc cho phép Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động lập pháp hoặc bất kỳ hoạt động nào khác bị cấm theo Hiến pháp của Hoa Kỳ…”. Theo tuyên bố này, Hoa Kỳ sẽ không thực hiện nghĩa vụ thành viên chiểu theo Công ước nếu như việc thực hiện nghĩa vụ đó trái với Hiến pháp Hoa Kỳ.
- Nhằm mục đích thực hiện nghĩa vụ mà điều ước quốc tế xác lập đối với các thành viên theo các phương thức khác.
Ví dụ: Khi gia nhập Công ước về người tị nạn năm 1951, Georgia đưa ra bảo lưu: “…trước khi hoàn toàn khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Georgia, Công ước này chỉ áp dụng đối với lãnh thổ nơi thực thi thẩm quyền tài phán của Georgia".
Mặc dù cả hai loại bảo lưu này rất giống nhau nhưng mục đích được hướng tới là hoàn toàn khác biệt. Trong trường hợp đầu tiên nhằm loại bỏ một phần nghĩa vụ phát sinh từ điều ước, trong trường hợp thứ hai mục tiêu nhằm thay đổi hệ quả pháp lý phát sinh trong phạm vi của điều ước đó.
Tùy thuộc vào thời điểm, tuyên bố bảo lưu có thể được phân chia ra làm các loại phụ thuộc vào từng giai đoạn, cụ thể như bảo lưu vào thời điểm ký, bảo lưu thời điểm phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay bảo lưu trong giai đoạn gia nhập điều ước quốc tế [30]. Trong một số trường hợp, bảo lưu điều ước có thể được thực hiện sớm hơn, ngay khi đàm phán tại hội nghị hoặc khi soạn thảo, thông qua điều ước quốc tế. Trong các trường hợp này, bảo lưu thường được ghi nhận trong biên bản của kỳ họp. Những bảo lưu như vậy chưa làm phát sinh hệ quả pháp lý. Một bảo lưu được thành viên đưa ra trước thời điểm thực hiện các hành vi ràng buộc với điều ước quốc tế sẽ phải được
chính thức khẳng định lại khi thành viên biểu thị đồng ý chịu sự ràng buộc của điều ước. Do đó, tuyên bố bảo lưu tại thời điểm ký kết dễ dàng để chấp thuận hơn, bởi tại thời điểm này, các bên nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ ràng buộc trong khi tại thời điểm phê chuẩn, rất khó cho các bên có cơ hội sửa đổi các điều khoản của điều ước. Tuy nhiên, tuyên bố bảo lưu khi phê chuẩn cũng có thể tiến hành trong trường hợp các quốc gia ký thông báo cho tất cả các bên tham gia điều ước về việc lập hồ sơ bảo lưu đó và không có quốc gia nào đưa ra phản đối [38, tr.12].
Có thể phân loại giữa bảo lưu điều ước quốc tế song phương và điều ước quốc tế đa phương. Bảo lưu điều ước quốc tế song phương có thể được thực hiện trong quá trình phê chuẩn, vào thời điểm khi các đại biểu quốc hội thảo luận điều ước và đưa ra các đề nghị về sự thay đổi một hoặc một vài điều khoản trong điều ước. Trong trường hợp này, không thể được gọi là bảo lưu, Ủy ban luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc cho rằng một tuyên bố của nhà nước liên quan đến một điều ước song phương được thực hiện trước khi Điều ước có hiệu lực, bất kể việc xây dựng đó là gì, đòi hỏi phải có sửa đổi hiệu lực pháp lý các điều khoản, không thể coi là bảo lưu [22]. Đối với các điều ước song phương, khi một trong các bên không chấp nhận điều ước hoặc một số điều khoản trong điều ước sau đó không phát sinh thỏa thuận [34] trong trường hợp này sẽ yêu cầu mở lại các cuộc đàm phán để sửa lại các điều khoản của thỏa thuận nếu không điều ước sẽ không được ký kết. Trong khi đó, đối với các điều ước quốc tế đa phương, nhu cầu bảo lưu bắt nguồn từ bản chất và quá trình hình thành nên chúng. Thông thường, các điều ước quốc tế đa phương được hình thành bởi một số lượng lớn các quốc gia, đại diện cho các hệ thống pháp luật khác nhau, các khu vực địa lý khác nhau và các chính sách khác nhau, vì vậy các quốc gia có thể không đồng ý với các quy định của điều ước vì có thể mâu thuẫn với chính sách đối nội của họ. Bảo lưu tại thời
điểm gia nhập là phổ biến và đã được áp dụng nhiều trong các điều ước quốc tế đa phương.