Việt Nam
Internet là hệ thống thông tin toàn cầu có thể truy cập cộng đồng các máy tính với nhau thông qua gói dữ liệu dựa trên giao thức liên kết mạng đã được chuẩn hóa. Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người hiện nay. Internet không chỉ giúp Nhân dân thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, mà còn trở thành diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân có tiếng nói, đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện, đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước và của các cấp chính quyền.
Luật Hành chính là ngành luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc quản lý internet. Ở Việt Nam, việc quản lý internet chưa có một đạo luật riêng để điều chỉnh bởi quan niệm internet là một hệ thống thông tin toàn cầu nên pháp luật Việt Nam coi internet là một trong những nội dung và hình thức của công nghệ thông tin và viễn thông. Một số văn bản quy phạm pháp luật cơ bản quy định về phạm vi và quản lý internet như sau:
- Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. - Luật Báo chí năm 2016.
- Luật Công nghệ thông tin năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2017. - Luật Viễn thông năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2018.
- Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
- Nghị định số 81/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06-4-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01-3-2018 của Chính phủ và Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 72/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung).
- Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
- Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24-4-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06-4-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
- Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
- Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
- Nghị định số 108/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ quy định chi tiết điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.
- Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT ngày 29-12-2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng.
Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
- Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18-8-2015 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet.
Mặc dù Bộ luật Hình sự Việt Nam được ban hành lần gần đây nhất vào năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, sau thời điểm Việt Nam chính thức kết nối mạng internet toàn cầu gần 20 năm (năm 1997), tuy nhiên, luật hình sự Việt Nam chủ yếu phản ánh nhu cầu chống tội phạm công nghệ cao (từ Điều 285 đến Điều 294 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), mà chưa chú trọng đến bảo vệ thích đáng các quyền tự do của công dân. Hiểu theo phạm vi rộng, chỉ duy nhất Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là đang gián tiếp bảo vệ quyền con người trên internet. Mặc dù dưới góc độ giải thích luật, Điều 159 Bộ luật Hình sự có khả năng bảo vệ quyền con người trên Internet trong một số trường hợp, nhưng không đủ để giải quyết những phát sinh khác gần đây, ví dụ như vấn nạn tin giả, tin rác, các xâm phạm giải trí gây phiền nhiễu cho người dùng internet…
Pháp luật Việt Nam cũng quy định về việc cản trở tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do ngôn luận trên Internet nói riêng tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tại Điều 167 quy định về Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà
còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm [14, Điều 167].
Ngoài ra, tự do ngôn luận trên Internet cũng bị điều chỉnh bởi Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo quy định thì tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện qua những hành vi sau:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm [14, Điều 117]..
Điều 10 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng Internet có quyền và nghĩa vụ sau:
1. Được sử dụng các dịch vụ trên Internet trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp Luật.
2. Tuân thủ thời gian hoạt động của điểm truy nhập Internet công cộng. 3. Không được kinh doanh lại các dịch vụ Internet dưới bất kỳ hình thức nào.
4. Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và các quy định khác có liên quan tại Nghị định này.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực này:
a) Chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;
d) Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;
đ) Quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định.
Những hành vi bị cấm được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hành chính, nhưng tính chất của những hành vi bị cấm này thể hiện rõ sự nguy hiểm cho xã hội, do đó tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử lý hình sự, quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung:
Một là, lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin
trên mạng nhằm mục đích:
- Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;
- Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;
- Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
- Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;
- Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Hai là, cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp
pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên internet của tổ chức, cá nhân.
Ba là, cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền
quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Bốn là, sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên internet.
Năm là, tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức,
cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên internet.
Ngoài những hành vi bị cấm trên, vì lý do an toàn thông tin mạng, Nhà nước ta đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm năm 2018. Luật này được ban hành với mục đích bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin. Luật An ninh mạng năm 2018 được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hiện nay, Chính phủ không ban hành một văn bản riêng quy định về xử phạt trong lĩnh vực internet mà quy định chung trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung. Vì internet có phạm vi một phần được điều chỉnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần lớn điều chỉnh bởi Luật Viễn thông cho nên các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực internet có thể nằm trong hai lĩnh vực trên, tuy nhiên chủ yếu được quy định tại Mục 5 Chương 3 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung (hành vi vi phạm tài nguyên viễn thông, internet, từ điều 40 đến điều 45), bao gồm các hành vi:
- Vi phạm các quy định về phân bổ, sử dụng, hoàn trả kho số viễn thông với mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với tổ chức (cá nhân bằng ½).
- Vi phạm các quy định về sử dụng tên miền internet với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu và biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp (cá nhân bằng ½).
- Vi phạm các quy định về về đăng ký, cung cấp tên miền internet với mức phạt tiền từ 5 triệu đến 70 triệu (cá nhân bằng ½).
- Vi phạm các quy định về đăng ký, sử dụng địa chỉ IP và số hiệu mạng với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu và biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp (cá nhân bằng ½).
- Vi phạm các quy định về chuyển nhượng, cho thuê kho số viễn thông, tài nguyên internet với mức phạt tiền từ 30 triệu đến 140 triệu và biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp (cá nhân bằng ½).
- Vi phạm các quy định về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 200 triệu và biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp (cá nhân bằng ½).
Hiện nay, các quy định về internet chủ yếu hướng tới việc quản lý nhà nước về internet và tài nguyên internet, còn trống nhiều mảng pháp luật cần thiết về quản lý thông tin trên mạng để phù hợp với mục đích sử dụng Intrernet, tránh các hành vi xâm phạm danh dự, uy tín của người khác, hoặc vì lý do an ninh.
Tại Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14) và “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 4 Điều 15) và Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ
internet và nội dung thông tin trên mạng, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01-3-2018 của Chính phủ và Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định các hành vi gây phương hại đến an ninh quốc gia là một trong những hành vi bị cấm.
Như vậy có thể thấy bảo vệ an ninh quốc gia là một trong những cơ sở để giới hạn nội dung được truyền tải trên internet. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với các nhà lập pháp là làm sao để bất kỳ sự hạn chế nào mà chính phủ đặt ra với lý do bảo vệ an ninh quốc gia phải có mục đích rõ rệt và những tác động có thể chứng minh được là việc giới hạn này là cần thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia một cách chính đáng chứ không phải vì mục tiêu nào khác nhằm hạn chế các quyền chính đáng của người dân.
Bảo vệ đạo đức, nhân phẩm con người, bảo vệ sự thanh bình của công