Pháp luật của Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận trên Internet

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên internet ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)

1.4. Pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên Internet ở một số

1.4.1. Pháp luật của Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận trên Internet

Theo pháp luật của Hoa Kỳ thì không có đạo luật nào riêng về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận được xem là một trong những giá trị truyền thống của nền dân chủ Hoa Kỳ, vì vậy, tại Hoa Kỳ nó được bảo vệ

bằng Tu chính án thứ nhất (First Amendment). Khác với cách tiếp cận của Liên minh châu Âu trong đó nhấn mạnh sự giới hạn của tự do ngôn luận để bảo vệ quyền của những người khác, cũng như để ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng quyền tự do ngôn luận, Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do ngôn luận thông qua việc ấn định nghĩa vụ của Nhà nước (Quốc hội) phải bảo vệ quyền này: “Quốc hội sẽ không ban hành luật nào để hạn chế quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí” [4].

Với quy định như trên, thực chất Tu chính án Thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ có mục đích ngăn chặn nhà nước có những hành động tuỳ tiện tước bỏ hay hạn chế quyền tự do ngôn luận chứ không đồng nghĩa với việc xác định tự do ngôn luận có tính chất tuyệt đối. Trên thực tế, quyền tự do ngôn luận không được xem là quyền tuyệt đối ở Hoa Kỳ, tuy các giới hạn của quyền này được quy định theo cách thức và mức độ khác biệt so với châu Âu.

Về cách thức, khác với châu Âu khi vấn đề được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật (của Liên minh châu Âu và của các nước thành viên), sự giới hạn của tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ được thể hiện qua án lệ của các toà án, đặc biệt là Toà tối cao, trong các vụ kiện về những hành vi “phỉ báng” và “phát ngôn thù hận”. Trong vụ Chaplinsky kiện Chính quyền bang New

Hampshire (1942), lần đầu tiên các hành vi phỉ báng, phát ngôn thù hận được

quy định cụ thể thông qua phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ, trong đó nêu rằng có một số phát ngôn mà chính quyền có thể ngăn chặn và trừng phạt người thực hiện mà không bị xem là vi hiến, bao gồm các phát ngôn có tính chất khiêu dâm (lewd and obscene), tục tĩu (profane), phỉ báng (libelous), xúc phạm (insulting) và những từ ngữ gây hấn (fightings words). Tòa cũng định nghĩa “những từ ngữ gây hấn” (fighting words) là những câu từ do một người

đưa ra nhằm chỉ trích trực tiếp một cá nhân khác mà có khả năng kích động bạo lực với người nghe [41].

Hoa Kỳ là nơi bắt nguồn của Internet và là quốc gia có những quy định đầu tiên về Internet. Vào khoảng giữa thập niên 1990, khi Internet mới bắt đầu xuất hiện, Quốc hội Hoa Kỳ đã nhận ra tầm quan trọng của nó trong việc cung cấp nguồn thông tin vô cùng phong phú cho người dân Hoa Kỳ, tạo ra bước tiến mới trong lĩnh vực giáo dục, cung cấp diễn đàn trao đổi quan điểm chính trị một cách thực sự đa dạng, đa chiều, cơ hội chưa từng thấy để phát triển giao lưu văn hóa và các hoạt động trí tuệ. Quốc hội Hoa Kỳ cũng nhận thấy rằng internet và các dịch vụ đi kèm đã bùng nổ và đem lại lợi ích to lớn cho người dân Hoa Kỳ mà chỉ có rất ít quy chế điều tiết của chính quyền. Do vậy, với truyền thống bảo đảm rất cao quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt – các quyền hiến định theo Tu chính án thứ nhất, Hoa Kỳ luôn theo đuổi chính sách bảo đảm tự do internet ở phạm vi tối đa và đặt ra những giới hạn ở mức độ tối thiểu đối với tự do internet.

Theo đánh giá của Freedom House trong những năm gần đây, Hoa Kỳ luôn được đánh giá ở vào nhóm những nước dẫn đầu về mức độ tự do internet. Ví dụ, năm 2017, về tiêu chí “các trở ngại đối với việc truy cập, kết nối internet”, Hoa Kỳ được đánh giá 3 điểm trong thang điểm từ 0 đến 33 theo mức độ tăng dần của các trở ngại. Về tiêu chí “những hạn chế về nội dung”, Hoa Kỳ được đánh giá 4 điểm trong thang điểm từ 0 đến 35 theo mức độ tăng dần của các hạn chế. Về tiêu chí “vi phạm các quyền của người dùng”, Hoa Kỳ được đánh giá 14 điểm trong thang điểm từ 0 đến 40 theo mức độ tăng dần của vi phạm. Tuy nhiên, so với các năm trước, Freedom House đánh giá Hoa Kỳ có xu hướng ngày càng xiết chặt hơn những giới hạn đối với tự do internet trong pháp luật và thực tiễn của mình [1, tr. 301].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên internet ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)