Hạn chế của việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên Internet

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên internet ở việt nam hiện nay (Trang 41 - 47)

2.1. Tình hình pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên Internet

2.1.2. Hạn chế của việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên Internet

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được về quyền tự do ngôn luận trên Internet, vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải giải quyết. Cần phải tiếp tục nội quy hóa các quy định pháp luật về quyền tự do ngôn luận vào hệ thống pháp luật quốc gia để bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, nhất là về thực tiễn.

Mặc dù hệ thống văn bản điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc cung cấp, sử dụng thông tin trên internet đã được ban hành, được bổ sung, điều chỉnh khá nhiều, nhưng trên thực tế vẫn còn bộc lộ những bất cập, chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển và thiếu các quy định cụ thể để phân định rõ ràng, chính xác các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc, doanh nghiệp và người dân được làm tất cả những điều pháp luật không cấm. Vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và áp dụng chính sách pháp luật là do tính chất mở và không biên giới của internet. Để ban hành được “những điều cấm” trong quản lý internet đã là khó khăn, phức tạp, nhưng để

thực hiện được “những điều cấm” đó lại càng khó khăn bội phần, không chỉ vì tính chất của công nghệ mà còn vì những vấn đề mang tính chính trị. Một hành vi trên internet có thể vi phạm pháp luật của nước này, nhưng lại là được phép ở một quốc gia khác, vì vậy việc xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai trái trên môi trường mạng cũng bị giới hạn, chỉ có tác dụng nhất định khi người vi phạm, hành vi vi phạm xảy ra ở quốc gia đó.

Môi trường pháp lý không bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên internet trong nước và nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của luật pháp Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp của nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam chỉ bị điều chỉnh rất hạn chế, thậm chí không điều chỉnh được bằng các biện pháp hành chính. Điều đó vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, làm cho dịch vụ nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn, có lợi thế cạnh tranh lớn hơn và ngày càng thu hút nhiều người dùng Việt Nam, nhất là dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ tìm kiếm, giải trí điện tử trên mạng.

Thiếu cơ chế tư pháp độc lập để giải quyết những vấn đề về quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do ngôn luận trên internet theo hướng tiếp cận dựa trên quyền.

Hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức người dùng internet chưa cao. Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân chưa được tiến hành thường xuyên, rộng khắp và thường xuyên; hình thức truyền thông chưa phong phú, hấp dẫn, chưa phù hợp với từng lứa tuổi, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên dễ bị tác động tiêu cực của thông tin trên mạng.

quyền liên quan đến bí mật đời tư, bí mật thư tín, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền tác giả… Thông tin bôi nhọ, thông tin đời tư có thể “lây lan” nhanh một cách khủng khiếp qua Internet trong khi lại rất khó khăn phát hiện người vi phạm pháp luật thông qua mạng toàn cầu.

Sự kích động nhằm mục đích xấu (khủng bố, bạo lực, phân biệt chủng tộc...) trở nên nguy hiểm hơn cho xã hội do có tính lan truyền rất nhanh. Mặc dù công nghệ internet chắc chắn là đã giảm bớt đi quyền lực của các nhà nước nhưng đồng thời, nó cũng củng cố quyền lực cho những ai không nằm trong danh sách “bạn bè của các tổ chức xã hội” (các phong trào cực đoan) [20].

Hạn chế của quyền tự do ngôn luận không chỉ nằm ở sự mất dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước hay tư tưởng độc đoán, chuyên quyền của cán bộ công quyền mà còn nằm ở chính sự thiếu hiểu biết người dân. Sự thiếu hiểu biết của người dân về quyền tự do ngôn luận đã làm cho họ bị động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Hoặc là thường vượt quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận theo luật định hoặc là không muốn, không dám thể hiện quan điểm, chính kiến để bảo vệ quyền lợi của mình, của tập thể, cộng đồng… vì sợ bị vạ lây, bị xử lý.

Luật Biểu tình chưa được thông qua tại Việt Nam, dẫn đến việc người dân dễ vi phạm pháp luật vì hành vi quá khích khi bày tỏ ý kiến, quan điểm, nguyện vọng. Luật Biểu tình chưa được ban hành là thiếu đi khung pháp lý để người dân có thể bày tỏ đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ, đồng thời có cơ sở để điều chỉnh những hành vi quá khích của người dân.

Hệ thống pháp luật liên quan đến tự do ngôn luận còn chồng chéo, chưa cụ thể hoặc mâu thuẫn nhau. Ví du như Luật An ninh mạng năm 2018 có những điều khoản trùng với quy định xử lý hành vi sai trái tương tự. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 chỉ phản ánh nhu cầu chống

tội phạm công nghệ cao mà chưa chú trọng đến việc bảo vệ thích đáng các quyền tự do của công dân.

Việc giám sát những hành vi vượt quá giới hạn của tự do ngôn luận trên Internet, cần thực hiện các biện pháp: kiểm duyệt trước, hình sự hóa các tuyên bố trực tuyến bị xem là vi phạm pháp luật, ban hành quy định pháp luật bắt buộc người dùng Internet phải tiết lộ danh tính mặc dù có tác dụng ngăn chặn những hành vi lạm dụng tự do ngôn luận trên Internet.

Trong bối cảnh Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 hầu như chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nhằm đảm bảo thông tin truyền đưa trên mạng được nguyên vẹn, bảo mật, không bị gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại, cùng sự phát triển đến mức "khó lường" của internet trong đời sống kinh tế, chính trị đất nước, thì việc xây dựng Luật An ninh mạng là một sự cần thiết, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật An ninh mạng. Luật này là cơ sở pháp lý nền tảng trong việc bảo vệ an ninh trên không gian mạng, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác giải quyết các vụ việc sử dụng không gian mạng để khủng bố, phá hoại an ninh, hòa bình thế giới.

Bên cạnh những ưu điểm đã được thừa nhận, tham chiếu Luật An ninh mạng năm 2018 với các quy định liên quan đến giới hạn quyền tự do ngôn luận trên Internet, bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số và các quyền con người khác, thấy một số vấn đề cần bàn sau:

Về phạm vi điều chỉnh, Luật An ninh mạng năm 2018 đề cập "bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan". Với phạm vi điều chỉnh đó, Luật chưa đề cập được hết những vấn đề căn bản cần có của an ninh mạng, bởi vấn đề cốt lõi của an ninh mạng là thiết lập cơ chế để tạo lập sự an

toàn trên không gian mạng, với mục đích bảo vệ an ninh, an toàn cho quốc gia, con người, cộng đồng, xã hội. Để đảm bảo cơ chế đó, việc giới hạn các tự do khác là điều không thể tránh khỏi. Vậy, để việc giới hạn là hợp lý và cần thiết, bắt buộc phải đặt nó trong tương quan với việc bảo vệ các quyền con người khác liên quan. Do đó, cần thiết phải bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự luật nội dung: "bảo vệ quyền con người trên không gian mạng". Việc bổ sung nội dung này vào phạm vi điều chỉnh sẽ làm cho cách tiếp cận vấn đề của Dự luật được logic và hợp lý hơn.

Xét tổng thể nội dung của Luật An ninh mạng, thấy chủ yếu toát lên các ứng xử của nhà nước khi có nguy cơ hoặc các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh trên mạng internet, bao gồm hàng loạt biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, trong đó có những biện pháp hạn chế, giới hạn tự do internet mà có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát, kiểm tra an ninh mạng, ngăn chặn, hạn chế thông tin mạng… Trong khi đó, hầu như không có quy định nào đề cập đến trách nhiệm pháp lý mà các chủ thể công quyền phải gánh chịu khi vi phạm, hoặc có sự lạm quyền trong quá trình triển khai thẩm quyền, nghĩa vụ về bảo vệ an ninh mạng vượt quá các nguyên tắc giới hạn quyền theo pháp luật nhân quyền quốc tế và quy định trong Hiến pháp.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, các chính sách của Luật An ninh mạng hầu như chỉ ưu tiên xây dựng lực lượng chuyên trách của nhà nước trong bảo vệ an ninh mạng, ưu tiên từ thẩm quyền, quy mô, đến kinh phí... Trong khi đó, việc bảo vệ các quyền riêng tư, bảo vệ sự an ninh liên quan đến tất cả các quyền con người ngoại tuyến cũng như trực tuyến hầu như chưa được đề cập, việc bảo vệ an ninh, an toàn cho công dân trước những bất cập do không gian kỹ thuật số mang lại gần như để trống. Các chủ thể có thẩm

quyền liên quan đến bảo vệ an ninh mạng hầu hết là các cơ quan nhà nước mà không đề cập đến vai trò của các bên liên quan, trong đó có các tổ chức phi chính phủ với vị thế là những chủ thể tham gia, giám sát và phản biện hữu hiệu đối với việc bảo vệ, bảo đảm các quyền con người trong tương quan với giới hạn tự do internet để bảo vệ quyền con người như các quy định của pháp luật nhân quyền quốc tế.

Ngoài ra, Luật cũng chưa làm rõ các khái niệm như bảo vệ thông tin riêng tư và khẳng định thông tin số là dịch vụ xuyên biên giới.

Nói tóm lại, các quy định của Luật An ninh mạng chưa tạo một cơ chế pháp lý phù hợp mà ở đó, con người được tự do, được khuyến khích, được tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận internet, từ đó đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của quốc gia. Về vấn đề này, ông Joshua Meltzer ở Viện Brookings, trong quá trình thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và khung pháp lý cho quản lý an ninh mạng tại Việt Nam cho biết: tỷ lệ người dân tiếp cận internet ở nhiều nước Châu Á đã rất cao, và khi tỷ lệ người dùng internet tăng 10% thì xuất khẩu có thể tăng 1%. Dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT) đã làm thay đổi thương mại quốc tế. Chính thương mại điện tử đã góp phần giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu. Vì thế, Việt Nam phải khai thác thế mạnh của kinh tế số cho mục tiêu xuất khẩu của mình.

Nhìn chung, cần xác định rõ mục tiêu của Luật An ninh mạng. Nếu chỉ dừng ở việc chống, phòng ngừa hoặc xử lý những hành vi có thể gây mất an ninh, an toàn cho quốc gia, cho cộng đồng trên không gian mạng thì là đã làm khuyết đi một mục tiêu mà Liên hợp quốc và loài người đang hướng tới, đó là bảo vệ và gia tăng các quyền tự do cho con người, trong đó có quyền tự do biểu đạt trên internet và việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững ở mọi khía cạnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên internet ở việt nam hiện nay (Trang 41 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)